Sáng 31-5, Trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chủ trì buổi tọa đàm “Văn hóa giao tiếp, ứng xử của người Đà Nẵng”. Tại đây, các nhà nghiên cứu, quản lý tập trung thảo luận về ứng xử văn hóa trong cộng đồng và ứng xử văn hóa trong nhà trường, nhằm tìm ra giải pháp xây dựng lối sống người Đà Nẵng đậm tính nhân văn, văn minh và hiện đại.
Thầy cô giáo là những người có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách của học sinh. Trong ảnh: Cô giáo dỗ dành, quan tâm khi các em bước vào ngưỡng cửa lớp 1. Ảnh: HÀ THU |
Gần 10 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, công thương, giáo dục, đô thị… đã chỉ ra những cái được và chưa được trong hành vi ứng xử của người Đà Nẵng, đặc biệt văn hóa ứng xử của giới trẻ nơi công cộng; văn hóa trong đời sống gia đình hiện nay; văn hóa học đường; văn minh thương mại; ứng xử với khách du lịch; văn hóa giao thông; văn hóa công sở; văn hóa ứng xử trong thưởng thức nghệ thuật; văn hóa ứng xử trong ngành y tế…
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết, Đà Nẵng thu hút du khách không chỉ bởi ưu thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên du lịch đặc thù hấp dẫn mà yếu tố cốt lõi làm nên sự khác biệt là sự thân thiện của người dân nơi đây.
Tuy nhiên, cũng theo ông Bình, thời gian qua, bên cạnh quy mô dân số là người địa phương thì đang tiếp nhận bộ phận dân cư di cư cơ học và các đối tượng này làm nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có cả bán hàng rong, chèo kéo khách; đồng thời nhiều người nước ngoài đến đây đăng ký lưu trú, tổ chức hoạt động kinh doanh khép kín. Đây là những nhóm đối tượng cần phải học cách “nhập gia tùy tục” với lối sống đầy tình người của Đà Nẵng.
Cũng theo nhiều ý kiến, thời gian qua, thành phố đã xây dựng nhiều chương trình hành động xây dựng Đà Nẵng văn minh, hiện đại; nhưng để những chủ trương đó đi vào cuộc sống thì cần thiết phải có một cộng đồng giao tiếp, ứng xử có văn hóa.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hoàng Long, nói đến văn hóa giao tiếp, ứng xử, thì cần đặt trong 3 khía cạnh: ngôn ngữ, hành vi, thái độ và thấy được ứng xử trong giao tiếp là tổng hòa các yếu tố thuộc về nhân cách con người.
Bởi muốn có văn hóa giao tiếp, ứng xử thì con người có tính nhân văn, lòng nhân ái, trình độ dân trí, tầm văn hóa ở mức độ nào đó. Vì thế, xây dựng con người có giao tiếp văn hóa thì sẽ xây dựng cộng đồng có văn hóa, từ đó dễ dàng tìm được tiếng nói chung trong thực hiện các chủ trương.
Thầy cô giáo là những người có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách của học sinh. TRONG ẢNH: Cô giáo dỗ dành, quan tâm khi các em bước vào ngưỡng cửa lớp 1. Ảnh: HÀ THU |
Một vấn đề được đặt ra là vai trò của nhà trường trong hình thành nhân cách con người cũng như hành vi ứng xử, giao tiếp có văn hóa. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng chỉ ra rằng môi trường xã hội hiện nay đang tác động mạnh mẽ đến môi trường giáo dục và mối quan hệ biện chứng là khá rõ rệt.
Tuy nhiên, trước hết, môi trường học đường phải tự xác định là một “thành trì”, thậm chí là “thành trì cuối cùng” nếu như xã hội băng hoại đạo đức đến mức không thể chấp nhận được thì chỗ còn lại để môi trường văn hóa tồn tại, phát triển chính là học đường. Ngoài những câu chuyện đáng buồn trong học đường hiện nay thì còn có rất nhiều tấm gương sáng ứng xử văn hóa trong trường học như giúp đỡ bạn, thầy cô yêu mến học sinh…
“Tôi rất mong những tấm gương sáng trong ứng xử văn hóa ở trường học được biểu dương và quảng bá rộng rãi trong quần chúng. Bởi thường làm điều ác, điều xấu thì có thể làm theo bản năng và bắt chước là chính nhưng làm điều tốt, điều thiện bao giờ cũng phải nỗ lực, bao giờ cũng là sản phẩm của nền giáo dục”, ông Bùi Văn Tiếng nói.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong giáo dục nhân cách con người là đúng nhưng chưa đủ, cần xem xét mối quan hệ biện chứng của cả 3 yếu tố nhà trường - gia đình - xã hội.
Vì thế, bên cạnh xây dựng những chuẩn mực giao tiếp, ứng xử giao tiếp trong nhà trường, trong đó chú trọng ứng xử giữa giáo viên - học sinh, ứng xử đội ngũ cán bộ, giáo viên, ứng xử giữa phụ huynh và giáo viên thì đẩy mạnh xây dựng đạo đức trong gia đình; xây dựng đạo đức đội ngũ công nhân viên chức; xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng kỹ năng sống cho học sinh…
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho rằng, muốn thay đổi thói quen ứng xử của người dân theo hướng văn minh và nâng cao trình độ nhận thức, tiếp thu văn hóa có chọn lọc dựa trên những chuẩn mực giá trị chân - thiện - mỹ, thì trước hết các nhà quản lý, lãnh đạo cần xác định đây là một cuộc hành trình dài lâu, bền bỉ.
Những ý kiến tại buổi tọa đàm sẽ được tiếp thu để tiếp tục tuyên truyền loại bỏ dần nhóm hành vi chưa tốt và xây dựng thói quen thực hiện các nhóm hành vi văn minh, văn hóa của người Đà Nẵng. Đặc biệt, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức phải gương mẫu thực hiện và tích cực vận động nhân dân hưởng ứng xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, góp phần xây dựng thương hiệu thành phố.
“Cũng như văn hóa, công tác giáo dục học đường cần phải làm bền bỉ, có định hướng, tầm nhìn phù hợp, tìm ra giải pháp để cả ba yếu tố nhà trường - gia đình - xã hội dung hòa, hỗ trợ lẫn nhau trong việc xây dựng nhân cách con người; đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên dương những gương người tốt việc tốt trong xã hội để giá trị tốt đẹp lan tỏa trong cộng đồng”, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.
NGỌC HÀ