Mỹ thuật đường phố đi về đâu?

.

Đường phố Đà Nẵng gần đây thu hút nhiều sự quan tâm của giới trẻ bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều tác phẩm mỹ thuật sinh động và đặc sắc. Tuy nhiên, để những tác phẩm này được giữ gìn, quảng bá, rất cần sự chung tay của cộng đồng và các ngành chức năng liên quan.

Những tác phẩm nghệ thuật vẽ trong đường hầm đi bộ cầu Rồng bị một người vẽ, khắc tên mình lên đó.
Những tác phẩm nghệ thuật vẽ trong đường hầm đi bộ cầu Rồng bị một người vẽ, khắc tên mình lên đó.

Điểm nhấn giữa lòng phố thị

Từ năm 2016 đến nay, hầm đi bộ và khu vực chung quanh cầu Rồng trở nên bắt mắt và đầy màu sắc sau khi được các họa sĩ và sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng trang trí bằng những bức tranh sinh động. Ngay khu vực hầm chui bờ tây cầu Rồng là hai tác phẩm “Biển gọi” và “Tài nguyên vô giá”, thể hiện hình ảnh môi trường trong lành, thiên nhiên tươi đẹp và cũng gửi gắm lời nhắn nhủ: “Hãy giữ lấy những gì của mình để sau này không phải hối tiếc vì đã đánh mất những gì quan trọng nhất”.

Đây cũng là hai tác phẩm được Tổ chức kỷ lục Vietking trao kỷ lục Việt Nam năm 2016 về “cặp tranh phong cảnh chủ đề biển vẽ bằng acrylic trên toan lớn nhất”. Trong khi đó, bức tranh “Sơn Trà một tình yêu” bao phủ trên diện tích hơn 500m2 tại các trụ và bậc cấp đi bộ ở cầu Rồng, được các họa sĩ thực hiện trong năm 2017 và 2018, tạo nên không gian nghệ thuật hoàn chỉnh với những sinh vật biển, san hô, cây rừng, voọc chà vá…

Các tác phẩm được vẽ bằng chất liệu acrylic trên toan và đặt trong không gian mở nên đặc biệt tạo sự tương tác với người xem.

Cũng trong năm 2017, đề án trang trí bờ kè biển bằng tranh gốm nghệ thuật đoạn ngã ba đường Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp bằng nguồn kinh phí xã hội hóa được triển khai. Theo đó, đoạn bờ kè với tường đá nhếch nhác nay đã được thay bằng 18 bức tranh gốm (mỗi bức có chiều cao 2m, dài 5m) thể hiện hình ảnh sinh động về làng chài vùng biển. Đề án mang giá trị nhân văn khi truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa đến người dân cũng như du khách về tình yêu, ý thức xây dựng một thành phố văn minh, xanh, sạch, đẹp.

Tương tự, “làng bích họa” dài 1km tại hẻm 75 Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu) ra đời vào đầu năm 2018 nổi lên trong giới trẻ và lan rộng đến khách du lịch như một “điểm đến” mới mẻ và độc đáo. Chị Nguyễn Thị Tình (K257/6 Phan Châu Trinh) bán quán nước gần đó cho biết:

“Tôi bán quán nước ở đây gần 7 năm. Từ khi con hẻm này được vẽ tranh thì khách du lịch đến đông hơn. Lúc trước, mỗi ngày tôi chỉ kiếm được vài chục đến trăm ngàn đồng, nay kiếm được nhiều hơn, tôi cũng làm thêm dịch vụ trông xe cho khách để tăng thu nhập”.

Giá trị tích cực từ những tác phẩm, công trình mỹ thuật đường phố đã thấy rõ, nhưng để những công trình này trở thành điểm nhấn văn hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách cần có kế hoạch tuyên truyền, phối hợp thay vì “mạnh ai nấy làm”.

Cần giữ gìn, quảng bá

Các công trình mỹ thuật của Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng được trưng bày chưa bao lâu thì đã bị một số bạn trẻ vẽ, khắc tên mình, bạn bè... lên đó gây mất mỹ quan và giá trị của tác phẩm. Nhiều lần Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật đầu tư tiền bạc, công sức để tự phục hồi các bức tranh, nhưng những hành động vô ý thức vẫn lặp lại.

Ngay cả khi UBND thành phố ban hành công văn về việc tăng cường bảo vệ công trình tranh, tượng nơi công cộng trên địa bàn thành phố vào tháng 4-2017, trong đó giao nhiệm vụ cho các địa phương và các đơn vị liên quan phục hồi cũng như thường xuyên kiểm tra, giám sát… thì tình trạng trên vẫn tái diễn. Họa sĩ Phan Thanh Hải, Trưởng khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật cho biết, nếu xóa vết bẩn bằng cách sơn lấp lên, tranh sẽ bị quá dày, giảm tính mỹ thuật và kỹ thuật.

“Đôi khi chúng tôi cảm thấy đơn độc trong việc bảo vệ tác phẩm của mình. Để làm nên một tác phẩm đã khó, giữ nó còn khó hơn. Tác phẩm mới trưng bày vào tháng 6 vừa rồi không biết sạch đẹp được bao lâu.

Bảng cảnh báo cũng đã làm nhưng bị gỡ rồi, không lẽ cử người đứng trực 24/24 giờ hay bọc lưới bảo vệ tác phẩm? Chúng tôi chỉ mong các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát để nâng cao ý thức của cộng đồng”, họa sĩ Thanh Hải bày tỏ.

Trong khi đó, dù đoạn bờ kè được trang trí bằng tranh gốm kỳ vọng tạo nên diện mạo mới cho bãi biển xinh đẹp của Đà Nẵng và mở ra điểm đến thú vị nhưng con đường bê-tông dọc đoạn bờ kè lại chưa hình thành nên tranh gốm ở đây chưa được nhiều người biết tới, một số chỗ gốm có hiện tượng rơi, vỡ…

Anh Lê Tiểu Phú (22 tuổi, sinh viên) cho hay: “Tôi học ở Đà Nẵng 4 năm và trọ gần đây. Tôi thường xuyên ra tắm biển nhưng không nghe nói gì về tranh gốm ở đây cả. Nếu thật sự đẹp, ấn tượng như thế thì sinh viên đã truyền tai nhau đến chụp hình rồi”.

Trao đổi với chúng tôi, họa sĩ Mỹ Dũng, một trong những người tham gia trang trí tranh gốm tại bờ kè cho hay, dự án được hình thành bằng tâm huyết của nhiều người với mong muốn vừa cải thiện mỹ quan, vừa thu hút khách du lịch. Cũng như những thành viên khác tham gia dự án, họa sĩ Mỹ Dũng mong muốn UBND thành phố nhanh chóng hình thành con đường bê-tông dọc đoạn bờ kè, hạng mục do thành phố đầu tư để dự án hoàn thiện.

Trong khi đó, về hẻm bích họa, chị Nguyễn Thị Tình chia sẻ thêm, khách đến tham quan chỉ đông thời gian đầu, lúc sau vắng dần. Trong hẻm lúc trước cũng có nhiều quán bán đồ ăn, nước uống cho khách nhưng giờ đã nghỉ hết.

Theo nhiều ý kiến, để các công trình mỹ thuật đường phố không đi theo “vết xe đổ” của những điểm đến văn hóa khác, các ngành chức năng cần phối hợp quảng bá, tuyên truyền nhằm tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc. Việc đầu tư, phát triển mọi ngõ ngách của Đà Nẵng đều trở thành điểm đến cho khách du lịch là điều đáng ghi nhận, nhưng nếu không có chương trình quảng bá hay thu hút khách đúng cách thì cũng không phát huy hết hiệu quả của dự án và không thể giúp ích nhiều cho người dân nơi đây.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.