1. Trong buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng sáng tác văn học thiếu nhi” do Hội Nhà văn thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố phối hợp với Chi nhánh Nhà xuất bản Kim Đồng tại miền Trung và Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng tổ chức vào sáng ngày 15-6 vừa qua, nhà văn Quế Hương nêu quan niệm:
“Viết cho tuổi nhỏ là chuyện không nhỏ”, đồng thời đặt hai câu hỏi cũng không nhỏ về chuyện không nhỏ này: Vì sao văn học thiếu nhi “nội hóa made in Việt Nam” lại đang thua ngay trên sân nhà? Và làm sao để văn học thiếu nhi “nội hóa made in Việt Nam” không còn thua trên sân nhà nữa?
Theo chị, sở dĩ nói “thua ngay trên sân nhà”, không cạnh tranh nổi với văn học thiếu nhi dịch từ tác phẩm nước ngoài, là bởi người chuyên tâm sáng tác văn học thiếu nhi giờ đây quá ít, càng quá thưa vắng những cây bút thực sự tài năng, thậm chí có người nói lĩnh vực văn học thiếu nhi dường như đương là sân chơi của một mình nhà văn đất Quảng Nguyễn Nhật Ánh...
Nhà văn Thanh Quế cũng nhấn mạnh yếu tố quyết định là lực lượng sáng tác. Tác giả Cát cháy cho rằng muốn viết về thiếu nhi, trong tâm hồn nhà văn phải luôn có một đứa trẻ, nhưng điều này không đơn giản bởi ngày nay đứa trẻ ấy phải là một đứa trẻ thời @ với cách cảm cách nghĩ không giống như đứa trẻ thời chưa có máy tính bảng và điện thoại thông minh...
Các phiên chợ sách trong năm 2018 thu hút nhiều bạn đọc đến tham quan và mua sách. Ảnh: NGỌC HÀ |
2. Thật ra thì không chỉ văn hóa đọc của thiếu nhi mới phụ thuộc nhiều vào năng lực sáng tạo của người viết, mà văn hóa đọc của người lớn cũng đòi hỏi phải được đồng hành với những tác phẩm văn chương đủ sức đi cùng năm tháng, đủ sức khơi gợi và làm thăng hoa cảm xúc của số đông độc giả. Đương nhiên không phải tác phẩm văn chương nào thật sự có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cũng đều được tìm đọc, cũng đều trở thành hiện tượng best-seller.
Ở đây còn có vấn đề thị hiếu nghệ thuật/ thị hiếu thẩm mỹ của công chúng văn học và của bản thân từng người đọc. Bản chất của văn chương là tính khó hiểu, không thể đọc một lần mà hiểu ngay hiểu hết, là có thể tiếp cận được bên dưới “phần nổi của tảng băng trôi” - nói theo cách ví von của nhà văn Mỹ Ernest Hemingway để chỉ những mạch ngầm văn bản hay các lớp nghĩa chưa được phô bày trực tiếp trong tác phẩm.
Chính vì thế, phục hưng văn hóa đọc không chỉ là chuyện hình thành một đường sách hay tổ chức các ngày hội sách - mặc dầu được vậy đã rất đáng quý, càng không chỉ là chuyện xem số lượng sách bán ra ở đường sách và trong các ngày hội sách là thước đo duy nhất để cho rằng văn hóa đọc đang được phục hưng.
Phục hưng văn hóa đọc còn và chủ yếu đòi hỏi phải đẩy mạnh hai việc khó hơn nhiều: một là hình thành thói quen đọc sách, hai là biết chọn sách để đọc theo một thị hiếu nghệ thuật/ thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh và có đẳng cấp.
3. Đọc sách chủ yếu là một thói quen, mà khi đã trở thành thói quen thì rất khó bỏ, thì mê đắm không dứt ra được, thì dẫu bận bịu đến mấy cũng cố tranh thủ thời gian để đọc cho bằng được. Cho nên trong hai việc nêu trên, hình thành thói quen đọc sách được xem là quan trọng bậc nhất.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến một người chưa thể thậm chí không thể gầy dựng thói quen đọc sách nhưng thường là do áp lực về thời gian, chẳng hạn người lao động chân tay hay lấy cớ thời gian đầu tắt mặt tối mưu sinh kiếm sống còn không đủ, lấy đâu ra thời gian đọc sách; còn công chức văn phòng thì tự nhủ suốt ngày ngồi đọc công văn tài liệu bằng giấy hoặc trên mạng đã mờ mắt rồi, nói chi đến chuyện đọc thêm sách - có người cũng thấy ít đọc sách là bất cập nhưng thầm nghĩ suy đến cùng văn hóa đọc là chuyện chữ nghĩa mà mình thì đâu có đứng ngoài cuộc, đâu có xa lạ với chữ nghĩa, nào là viết báo cáo, nào là thảo công văn, nào là soạn diễn văn cho lãnh đạo...
Thật ra ở đây chính là câu chuyện có hay chưa có thói quen đọc sách chứ không đơn thuần là vấn đề thừa hay thiếu thời gian. Và thật ra chữ nghĩa trong sách cũng góp phần làm cho chữ nghĩa trong báo cáo, công văn, diễn văn... trở nên chuẩn xác hơn, tinh tế hơn, “có cánh” hơn.
4. Văn hóa đọc không chỉ phụ thuộc vào người đọc sách, cũng không chỉ phụ thuộc vào người viết sách, mà còn phụ thuộc vào người làm sách/ xuất bản sách. Xuất bản được nhiều sách chưa hẳn đã phản ánh đúng diện mạo của văn hóa đọc, bởi vấn đề quan trọng là tirage/ số lượng bản in và số lần tái bản của mỗi cuốn sách nhiều hay ít, chứ không chỉ và chủ yếu cũng không phải số lượng đầu sách được in ra.
Lịch sử văn hóa đọc thế giới thường dẫn chứng trường hợp Nhật Bản: cuốn Bàn về Tự do/ On Liberty của John Stuart Mill được xuất bản ở Anh năm 1859, khi được dịch sang tiếng Nhật thời Minh Trị Thiên hoàng, hơn một triệu bản in Bàn về Tự do tiếng Nhật đã được bán sạch. Ở Việt Nam sách đạt con số triệu bản in chắc chỉ là sách giáo khoa phổ thông, còn những cuốn sách cần “động não” như cỡ Bàn về Tự do thì đạt con số một ngàn bản in là điều ngoài mong đợi.
Đó là chưa kể tình trạng mất cân đối trong các đầu sách được xuất bản: sách học - sách giáo khoa/giáo trình, sách tham khảo - nhiều hơn sách đọc - sách văn chương; còn trong bản thân sách đọc thì mất cân đối giữa những cuốn sách thực sự có giá trị tư tưởng và nghệ thuật với những cuốn sách đơn thuần để giải trí kiểu như tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc...
5. Báo chí có vai trò quan trọng trong việc đưa sách đến với đông đảo người đọc. Báo chí cũng là một kênh công bố tác phẩm của người viết sách. Nhiều cuốn sách không gì khác là sự tập hợp để xuất bản những bài đã đăng trên báo/tạp chí- chẳng hạn như các cuốn Nghĩ dọc sông Hàn, Đào chuông xuống núi, Văn hóa văn nghệ dân gian đất Quảng dưới góc nhìn đương đại của người viết bài này.
Đó là chưa kể nhiều cuốn tiểu thuyết được công bố dưới hình thức feuilleton - truyện đăng báo hằng ngày, chẳng hạn các tiểu thuyết lừng danh của Vũ Trọng Phụng như Giông tố, Số đỏ đều đăng báo trước khi in thành sách, hấp dẫn đến mức buộc người đọc feuilleton luôn háo hức chờ đọc báo để sớm được dõi theo câu chuyện cứ liên tục “hồi sau sẽ rõ”.
Báo chí cũng chính là diễn đàn để các nhà nghiên cứu phê bình vào cuộc. Phổ biến nhất là các mục điểm sách/giới thiệu sách. Sách được in ra, được xuất bản, được phát hành, được bày bán ở các hiệu sách chỉ mới là một nửa đoạn đường đến tay người đọc.
Nửa đoạn đường còn lại là khâu quảng bá tác phẩm nhằm giúp người đọc không chỉ biết đương có những cuốn sách nào chờ đọc mà còn và chủ yếu là biết cuốn nào nên chọn để đọc/để mua... Có nhiều hình thức quảng bá tác phẩm như tổ chức các buổi giao lưu giữa tác giả và độc giả - ở đó tác giả thường tự mình giới thiệu sách và ký tặng sách cho những người đọc mến mộ, nhưng các mục điểm sách/giới thiệu sách trên báo chí vẫn là sân chơi kịp thời hơn, thường xuyên hơn, độ lan tỏa rộng hơn và do vậy mà hiệu quả cao hơn...
6. Văn hóa đọc còn phụ thuộc vào hai “nhân vật” nữa: người bán sách và quản thủ thư viện. Người bán sách và quản thủ thư viện có một số điểm dị biệt: người bán sách đương nhiên muốn có nhiều người mua sách, còn quản thủ thư viện thì muốn có nhiều người mượn sách; cái hấp dẫn của người bán sách là có nhiều sách mới để bán, còn cái hấp dẫn của quản thủ thư viện là có nhiều sách cũ để cho mượn.
Thế nhưng, điểm tương đồng giữa người bán sách và quản thủ thư viện là cả hai đều cần nhiều người mê sách, nhiều người muốn tìm sách mà đọc. Không mê sách, không muốn tìm sách mà đọc, ai vào hiệu sách và chọn sách để mua; không mê sách, không muốn tìm sách mà đọc, ai vào thư viện và chọn sách để mượn.
Có nhiều người thực sự mê sách, thực sự muốn tìm sách mà đọc trong số những người vào nhà sách hay vào thư viện. Vì thế, người bán sách và quản thủ thư viện cũng không chỉ thụ động ngồi chờ mà cần chủ động truyền cảm hứng, chủ động kích cầu đối với những người vào nhà sách hay vào thư viện, nhất là những “khách quen” thường xuyên đến mua sách hay mượn sách.
BÙI VĂN TIẾNG