Văn hóa - Giải trí

"Ăn" ký ức

07:58, 18/11/2018 (GMT+7)

Đà Nẵng đang trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Không chỉ có biển xanh, cát trắng và các danh thắng đã trở thành thương hiệu du lịch như Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, Sơn Trà... và những điểm vui chơi mới được xây dựng, Đà Nẵng còn thu hút khách bởi sự đa dạng về ẩm thực. Khách trong và ngoài nước biết đến Đà Nẵng nhiều hơn bởi thức ăn tươi ngon và rẻ. 

Ảnh: Nguyễn Thiện
Ảnh: Nguyễn Thiện

Để đáp ứng nhu cầu khách ngày càng đông, gần đây các hàng quán với các món ăn Nhật, Hàn, Tây... mở tràn ngập ở Đà Nẵng, mà quán nào cũng đông nghịt thực khách, trong đó chủ yếu là các bạn trẻ. Song với tôi cũng như nhiều bạn bè được sinh ra và lớn lên trong thời gian khó, thì chỉ quen với những món ăn mẹ nấu trong bếp nhà mình mà tôi hay gọi là ăn… ký ức. Kiểu ăn đó đã trở thành một thói quen khó bỏ, dù bây giờ cuộc sống không đến nỗi khó khăn, thiếu thốn mọi thứ như ngày xưa. 

Tôi vẫn quen ăn mắm, dưa, cà muối và rau các loại. Nên vài ba ngày lại ra chợ mua cải về làm dưa. Dưa cải tự muối vừa sạch sẽ, lại ngon như cách mẹ tôi vẫn làm ngày tôi còn nhỏ. Bếp nhà tôi bao giờ cũng có hũ dưa cải muối. Và hũ dưa muối ấy không chỉ là thức đưa cơm cho những ngày bận bịu không kịp đi chợ mà còn là nguyên liệu để kho cá đồng. Dưa cải muối nấu canh với bất cứ cá, thịt hay chỉ vài ba miếng đậu hũ, trái cà chua là đã có một tô canh chua ngon lành. Bởi vậy mà đến nhà nào tôi cũng hay để ý cái bếp, hễ thấy bên cạnh bếp có hũ dưa muối là biết người phụ nữ của gia đình ấy là một người đảm đang, khéo léo.

Tôi vốn ăn uống đơn giản nên bữa cơm chỉ cần chén mắm cái, đĩa dưa cải muối hay mắm dưa, cá kho khô và bát canh là đủ. Tôi quen với rau mắm từ hồi còn bé chút xíu. Mẹ trồng một vạt rau lang trước nhà, muối một hũ dưa cải thật đầy, hũ mắm cá cơm rồi đi về quê ngoại làm ruộng biền biệt cả tháng. Mẹ đi vắng, cứ sáng sớm bắc nồi cơm lên, chờ mua hến của mấy dì ở Cẩm Nam gánh bán dạo quanh xóm vô làm canh. Cứ rau mắm hoặc canh hến nấu với rau dền, rau muống mà chị em tôi vẫn lớn lên khỏe mạnh và nhanh nhẹn.

Tôi vẫn nhớ, ngày còn bé, chỉ có giỗ, Tết mới được ăn thịt heo. Còn thịt bò thì khi đau ốm, mẹ mới nấu cho tô cháo thịt bò mà chỉ lõng bõng nước, vớt cả buổi mới thấy chút thịt cho có gọi là ưu tiên cho người bệnh. Cũng đâu có được uống sữa như trẻ con bây giờ. Hồi đó thi thoảng mới có được lon sữa đặc có đường nhãn hiệu Ông Thọ cũng chỉ dành cho người ốm.

Tôi nhớ ba tôi đau, bà con tới thăm biếu hộp sữa đặc. Tôi thèm sữa mà không biết làm sao. Đợi ba ngủ quay mặt vô vách, là nhón lấy hộp sữa để trong cái chén nước cho khỏi kiến, hút một hơi sữa vào miệng xong chạy ra sau hè khoan khoái nuốt, thấy sữa đặc ngon hơn bất cứ thứ gì trên đời (vì hồi đó chưa biết thứ gì ngon hơn sữa). Lâu lâu, gom đem mấy đôi dép đứt đổi cà rem. Mà không đứt cũng đem cắt cho đứt. Cà rem có chi đâu ngoài nước đường với chút màu nhưng sao lúc ấy tôi thấy ngon chi lạ. Lỡ đang ăn mà cà rem hở gió rớt xuống đất là ngó theo tiếc đứt ruột.

Khoai lang vùi tro hay khoai lang hấp cơm là món ăn thường trực của tôi. Sắn luộc mẹ để cả rổ ăn cả ngày. Ăn hoài ngán quá, mẹ đem giã dập trộn muối mè để ăn những ngày giáp hạt thiếu gạo. Giờ thì những món đó chỉ là những thứ ăn cho vui chớ không phải để chống đói như ngày xưa. Những ký ức đó theo tôi suốt những tháng năm còn lại, nên thói quen ăn uống của tôi cũng theo đó mà hình thành. Từ ngày bước chân ra đời, có nhiều cơ hội đi đây đi đó, ăn nhiều món ngon, lạ nhưng tôi chỉ ăn cho biết chứ vẫn thèm cơm rau và dưa mắm. 

Và không chỉ tôi, những đứa bạn thuở thiếu thời của tôi ở xa, có đứa ở nửa vòng trái đất vẫn luôn nhắc nhớ những món ăn ngày thơ bé. Với chúng tôi, đó không chỉ là món ăn mà là ký ức tuổi thơ, là nỗi nhớ mang theo bên người như kiểu “Anh đi anh nhớ quê nhà; Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”.

KIM EM

.