Văn hóa - Giải trí

Một "địa chỉ đỏ" cần được xếp hạng di tích

07:54, 08/12/2018 (GMT+7)

Ngôi nhà số 52 Trần Bình Trọng (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) hiện thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Nguyễn Văn Châu và bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp. Gia đình ông Châu đang ở ngôi nhà số 50 Trần Bình Trọng, còn nhà số 52 là nhà thờ tổ tiên.

Bia di tích nhà số 52 Trần Bình Trọng.
Bia di tích nhà số 52 Trần Bình Trọng.

Trước đây, hai ngôi nhà nói trên của ông Nguyễn Văn Tùng - ông nội bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp. Thời Pháp thuộc, đây là khu đất khá rộng, nhà ông Tùng mang số 36 đường Mả Tây.

Ông Tùng là thương gia giàu có, kinh doanh khách sạn lưu trú. Năm 1920, ông dành riêng lô đất kế bên dựng trường tư thục mang tên Cự Tùng (ngôi trường này sau đó mang số 54 Trần Bình Trọng nhưng nay không còn số, không còn nhà).

Trường Cự Tùng mở 5 lớp, dạy chữ quốc ngữ đầu tiên ở Đà Nẵng cũng như xứ Trung Kỳ. Các thầy dạy học ở trường này là những người có tinh thần yêu nước, khai hóa dân trí.

Đầu năm 1927, Trường Quốc học Huế bãi khóa, nhiều học sinh vào Đà Nẵng tìm tới Trường Cự Tùng và được ông Tùng chở che, nuôi dưỡng, dạy bảo.

Tháng 6-1927, Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội Quảng Nam được thành lập và chuyển tổ chức này vào hoạt động tại Đà Nẵng. Các ông Đỗ Quang, Lê Văn Hiến tuy hằng ngày với danh nghĩa là những “ông thầy” dạy chữ cho học sinh Trường Cự Tùng nhưng nhiệm vụ chính vẫn là bí mật hoạt động cách mạng.

Tháng 9-1927, tại Trường Cự Tùng, một Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội của Tỉnh bộ Quảng Nam ra đời, do ông Đỗ Quang làm bí thư. Trong các năm 1928-1929, ngôi trường này bí mật đào tạo các lớp lý luận cách mạng cấp tốc cho một số cán bộ.

Sau đó không lâu, mật vụ, chỉ điểm phát hiện nơi đây là căn cứ của cách mạng, ông Đỗ Quang bị bắt, giam giữ tại Lao Bảo (Quảng Trị). Trường Cự Tùng phải đóng cửa nhưng một số cán bộ vẫn bí mật lấy đây làm nơi trao đổi thông tin với nhau.

Ngày 1-4-1946, Pháp lại đổ bộ vào Đà Nẵng, những người hoạt động cũng như giúp đỡ cách mạng bị truy bắt nên ông Nguyễn Văn Tùng đưa cả gia đình lên vùng rừng núi Cà Tang (nay thuộc huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) trú tránh. Sau cơn bạo bệnh, ông qua đời tại đây...

Với ý nghĩa về lịch sử như vậy nên năm 1992, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng gắn biển và đưa vào danh sách đăng ký bảo vệ di tích nhà số 52 Trần Bình Trọng. Ngày 26-8-2002, UBND thành phố ban hành Quyết định số 6572/QĐ-UB thu hồi diện tích đất thuộc ngôi trường giao cho cơ quan chức năng của thành phố quản lý.

Như vậy, ngôi nhà 52 Trần Bình Trọng hiện nay và khu đất Trường Cự Tùng ngày xưa đang có hai chủ thể quản lý, đó là Nhà nước quản lý đất của ngôi trường cũ và vợ chồng ông Châu - bà Diệp sở hữu nhà số 52.

Năm 2009, UBND thành phố đã chỉ đạo Bảo tàng Đà Nẵng lập hồ sơ, thủ tục diện tích đất ngôi trường và nhà số 52 Trần Bình Trọng để xếp hạng di tích cấp thành phố. Song, việc lập hồ sơ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về quyền lợi đất đai giữa vợ chồng ông Châu - bà Diệp với đất Trường Cự Tùng nên tạm hoãn.

Ngày 12-4-1995, Thủ tướng Chính phủ cấp bằng “Có công với nước” cho ông Nguyễn Văn Tùng, chủ nhân Trường Cự Tùng. Năm 1992, vợ chồng ông Châu - bà Diệp tu sửa nguyên trạng ngôi nhà tam gian tứ hạ số 52 Trần Bình Trọng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Châu cho biết, ngôi nhà của cụ Nguyễn Văn Tùng ngày trước có cái cổng cổ rất đẹp đã bị thời gian tàn phá. Vì vậy, ông Châu mong muốn các cơ quan có thẩm quyền cho gia đình ông phục chế lại chiếc cổng cổ.

Tất cả chi phí thiết kế, thi công do gia đình ông lo. Tuy ông Châu không đề cập việc xếp hạng di tích nhà số 52 cũng như địa điểm Trường Cự Tùng, nhưng thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tìm các biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc hiện tại nhằm hoàn chỉnh hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, bởi đây là “địa chỉ đỏ” mang nhiều ý nghĩa về truyền thống đấu tranh cách mạng.

Bài và ảnh: THÁI MỸ

.