Tìm chỗ đứng cho đồ họa tạo hình

.

Thời gian qua, sự nỗ lực của các họa sĩ đồ họa Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung vẫn gặp khó khăn để vực dậy ngành đồ họa tạo hình.

Không gian triển lãm đồ họa tại phòng tranh của họa sĩ Vũ Trọng Thuấn.
Không gian triển lãm đồ họa tại phòng tranh của họa sĩ Vũ Trọng Thuấn.

Họa sĩ Lê Huy Hạnh, Chủ nhiệm CLB Đồ họa Đà Nẵng cho biết, tranh đồ họa đã tồn tại rất lâu trong đời sống, đơn cử như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống... Tại Đà Nẵng, nhiều họa sĩ đã sáng tác tranh đồ họa từ những năm 1990. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, các họa sĩ có cùng niềm đam mê đồ họa mới kết nối và thành lập CLB Đồ họa (thuộc Hội Mỹ thuật thành phố).

CLB tổ chức được 4 trại sáng tác và 3 cuộc triển lãm, tổ chức các chuyến đi thực tế, tham gia nhiều cuộc triển lãm khu vực và toàn quốc; nhiều tác phẩm được đánh giá cao như: Hạnh phúc của mẹ, Huyền thoại Trường Sơn của Trần Hữu Cân; Chợ phiên Tây Bắc, Vốn có của Trần Thị Cúc; Bạn trà của Nguyễn Trường Chinh; Ký ức tuổi thơ của Trương Nguyễn Nguyên Kha; Người Việt Nam của Nguyễn Tường Vinh; Hồn nhiên của Lê Huy Hạnh; Giao mùa của Đỗ Thanh...

Nếu trước đây trong hoàn cảnh khó khăn, tranh khắc hầu như chỉ là khắc gỗ và khắc thạch cao với khuôn khổ nhỏ, thì hiện nay số lượng tranh khắc đồng, khắc kẽm, tranh in độc bản, tranh in đá, khắc cao su, khắc gỗ, trúc chỉ, thủy ấn họa, kẽm offset tăng lên đáng kể, đặc biệt có thêm những kỹ thuật mới như in lõm cảm quang, in kỹ thuật tổng hợp, in litô giấy... Nhiều họa sĩ chỉ dùng mika kết hợp vỏ trứng, dây sợi, phần gỗ dán lâu ngày bỏ đi hay bất cứ vật dụng trong cuộc sống để tạo ra bản in hoàn toàn bảo đảm chất lượng nghệ thuật, đồng thời đáp ứng nhu cầu của thế hệ đương đại.

Tuy nhiên, có thực tế, phần đông các họa sĩ sáng tác đồ họa chỉ vì đam mê, công việc chính của họ vẫn là cán bộ, viên chức Nhà nước, giảng viên... Hằng năm, sinh viên theo học ngành đồ họa chiếm con số khiêm tốn. Tại Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh có khoảng 8 sinh viên/khóa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam khoảng 14-15 sinh viên/khóa, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng khoảng 4 sinh viên/khóa. Mới đây, Trường Đại học Nghệ thuật Huế (Đại học Huế) “xóa sổ” ngành đồ họa vì 3 năm liền không tuyển sinh được sinh viên mới.

Trao đổi về điều này, PGS, TS Nguyễn Nghĩa Phương, Phó khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cho rằng, nếu đồ họa ứng dụng giải được bài toán đầu ra một cách rõ ràng cho người học thì đồ họa tạo hình vẫn còn rất mông lung với câu hỏi: Học ra rồi làm gì? Thực tế, ở các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, các bảo tàng đều có chuyên gia về đồ họa. Macao còn có cả viện nghiên cứu đồ họa, Ấn Độ rất chuộng tranh khắc gỗ... nên có nhiều “đất” cho người học đồ họa tạo hình. Đồ họa Việt Nam cũng từng bước đi vào cuộc sống nhưng cần phải có thời gian để công chúng và xã hội tiếp nhận.

Họa sĩ Lê Huy Tiếp, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Đồ họa (Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, vấn đề cơ bản vẫn là con người. Nhiều người học mỹ thuật vẫn coi trọng sáng tác tranh sơn dầu, sơn mài hơn là đồ họa. Nhưng những người thật sự say mê, tâm huyết, hết lòng với đồ họa thì thật sự vẫn sống được với nghề. “Tôi nghĩ cần thay đổi quan điểm sai lệch về đồ họa tạo hình và họa sĩ đồ họa cần làm tròn trách nhiệm của mình.

Tôi đã dạo quanh Đà Nẵng, chưa tìm thấy một phòng tranh nào kết nối nghệ thuật với đời sống, không thấy có tranh đồ họa nào khắc họa vẻ đẹp của Đà Nẵng. Nếu chúng ta không để cho công chúng thấy được cái đẹp của tác phẩm thì làm sao họ bỏ tiền ra mua tranh về treo trong nhà. Bên cạnh việc sáng tạo nghệ thuật, họa sĩ cũng cần học cách làm kinh tế. Với giá thành tương đối cho những tác phẩm ban đầu, khi đã khẳng định được tên tuổi thì tự khắc giá trị sản phẩm sẽ tăng. Đà Nẵng là thành phố du lịch sẽ càng có điều kiện cho các họa sĩ đồ họa bán được tranh của mình”, họa sĩ Lê Huy Tiếp chia sẻ.

Cũng như những lĩnh vực nghệ thuật khác, đồ họa tạo hình bị lãng quên bởi bộ phận không nhỏ người dân xem nhẹ việc bồi đắp yếu tố thẩm mỹ. Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Văn Tiếng, cần phải có một thế hệ công dân yêu mến nghệ thuật thì nghệ thuật nói chung, hội họa nói riêng mới có chỗ đứng. Điều này đòi hỏi các ngành chức năng tăng cường giáo dục thẩm mỹ cho học sinh ở nhà trường, ở không gian bảo tàng, ở các lĩnh vực nghệ thuật...

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.