Bình yên đất nước Triệu Voi

.

Đến CHDCND Lào trong một chuyến tình nguyện, tôi chứng kiến rất nhiều điều thú vị, đáng học hỏi từ đất nước bạn Lào anh em tình nghĩa…

Một góc nước Lào yên bình, xinh đẹp.
Một góc nước Lào yên bình, xinh đẹp.

1. Lào đón chúng tôi bằng cơn mưa không dứt. Những con đường biên giới qua nước bạn trở nên mù hơn, se lạnh và yên lặng. Chúng tôi đã có một hành trình dài để đi từ Đà Nẵng (Việt Nam) sang Salavan; rồi từ Salavan lên Champasak, Viêng Chăn.

…5 giờ 30, trời chưa sáng hẳn, cả đoàn thu vội hành lý lên xe, chạy gần 30 phút, quốc lộ hướng lên Viêng Chăn trở nên đông đúc hơn. Xe chúng tôi dừng lại ở một quán nhỏ, mùi thịt nướng thơm nức giữa tiết trời mưa lạnh. Bác tài xế tên Thành (chuyên chở khách Việt đi Lào) nói : “Người Việt qua đây đều ghé những quán nhỏ ven đường để mua xôi Lào, rất thơm ngon”. Thật vậy, chỉ với 10 kip (khoảng 27.000 đồng) chúng tôi đã mua được một túi xôi to kèm muối mè 3-4 người ăn không hết. Cạnh bên, mùi thịt nướng, có cả thịt chuột và những xiên mực, cá bốc lên thơm ngào ngạt. Vẫy chào chúng tôi, người phụ nữ bán hàng ven đường không quên nở nụ cười thân thiện với câu tiếng Việt “Cám ơn!”.

Theo kế hoạch, sáng hôm sau, chúng tôi ghé thăm Patuxay và chùa Thạt Luổng. Patuxay hiện ra trong màn mưa uy nghi, hùng vĩ. Nằm cuối đại lộ Lan Xang của thủ đô Viêng Chăn, Patuxay là một biểu tượng chiến thắng của người Lào trong cuộc kháng chiến chống Pháp, được xây dựng từ năm 1958, với lối kiến trúc bên ngoài mô phỏng Khải Hoàn Môn của Paris. Bên trong tháp là những phù điêu, kiến trúc, biểu tượng của quốc gia Lào.

Lần theo từng bậc thang vào bên trong, du khách có thể nhìn ngắm nhiều biểu tượng Phật giáo, những ô cửa thanh bình hướng ra ngoài thoáng đãng. Rời Patuxay, chúng tôi đến thăm chùa Thạt Luổng - một trong những ngôi chùa thiêng mà du khách đến Viêng Chăn nhất định phải hành hương, vãng cảnh, cầu  an. Ngôi chùa được xây dựng theo hình một nậm rượu dát vàng. Chùa là biểu tượng văn hóa tiêu biểu cho óc sáng tạo phong phú của người Lào được xây dựng vào thế kỷ XVI. Không chỉ có Thạt Luổng, tất cả ngôi chùa khác tại Lào đều mang lối kiến trúc cầu kỳ, hoa văn tinh xảo, màu sắc rực rỡ. Người Lào rất trọng sự tôn nghiêm nơi chùa chiền, nên khi đến tham quan, nếu lỡ du khách mặc váy ngắn sẽ được mượn sa-rông quấn bên ngoài. Một số ngôi chùa còn để sẵn hoa và nến cho khách đến làm lễ.

Trời vẫn mưa nặng hạt, thông qua một người trong đoàn, chúng tôi được làm quen với vợ chồng chị Hồ Kim Chi (33 tuổi) - người gốc Đà Nẵng. Chị Chi bán áo quần tại chợ đêm Viêng Chăn nhưng hôm nay chị quyết định nghỉ bán để dẫn chúng tôi đi ăn và dạo chợ. Khu chợ đêm Viêng Chăn nằm cạnh dòng Mê-Kông hiền hòa. Chị Chi cho biết: “Chợ ở đây rất đông người Việt bán, nên khách có thể dùng tiền Việt, tiền Thái hay tiền Lào, thậm chí đô-la Mỹ để mua đồ”. Khu chợ đêm sầm uất, đa dạng mẫu mã, đông người bán lẫn người mua, ấy vậy mà không ồn ào, xô bồ, khách ghé xem không mua người bán cũng vui vẻ, chẳng một lời nặng nhẹ. Chị Chi chia sẻ, chị với chồng qua đây buôn bán từ lâu. Gia đình chị (gồm cả 3 con nhỏ) thích ở Lào bởi người Lào thân thiện, chân chất, buôn bán cũng dễ, không bon chen, tranh giành… Rời chợ đêm, ra đến cổng, chúng tôi còn được anh Hải - chồng chị Chi “khuyến mãi” phần bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng. Xe bánh mì này đã giúp vợ chồng chị Chi, anh Hải bám trụ từ những ngày mới qua đây.

2. Có rất nhiều điều ấn tượng để kể về đất nước bạn Lào. Đầu tiên là chuyện giao thông. Suốt quãng đường hơn 1.230km từ Đà Nẵng sang Salavan, Champasak rồi đến Viêng Chăn, dù ở ngoại ô hay nội thị, chúng tôi không hề nghe một tiếng còi xe cất lên, đường phố yên bình, hiếm khi thấy cảnh sát giao thông đứng trên đường, càng không có sự tranh giành của các phương tiện tham gia giao thông. Anh Hải nói: “Không cần học đâu cho xa, học ngay ở Lào, nhất là văn hóa giao thông. Người Lào rất ghét còi xe, bởi lẽ nếu đi được họ đã đi rồi chứ không chờ đợi người sau phải bóp còi inh ỏi”. Anh Hải buột miệng nói thêm: “Ở Lào, nếu có tiếng còi xe, người ta sẽ nghĩ ngay đến người Việt! Người Lào cũng thường có câu cửa miệng “Muốn nhanh thì phải từ từ””...

Ngoài giao thông, đường phố ở đây cũng rất xanh mát. Hai bên đường luôn có những hàng cây tỏa bóng và thảm cỏ mướt xanh. Lái xe tên Thành nói thêm, ở Lào, xe hơi nhiều nhưng không khí, môi trường vẫn thoáng đãng, ít ô nhiễm.

Một nét đáng quý nữa là dù cuộc sống của người Lào vẫn còn khó khăn nhưng lúc nào họ cũng niềm nở, thân thiện. Trong chuyến đi này, tôi may mắn được gặp lại Chanhsamone - một người bạn tôi đã gặp cách đây gần 11 năm khi học đại học tại Huế.

Khi đó, tôi đang là sinh viên năm 2, còn  Chanhsamone là lưu học sinh Lào. Chính Chanhsamone đã giúp tôi biết phong tục Tết Bunpimay ở Lào và một số từ xã giao của nước bạn. Chanhsamone nói: “Người Lào sống yên bình, ít khi gây sự, đánh nhau vì họ quan niệm làm thế cũng chẳng được gì”. Đúng như Chanhsamone nói, đi qua nhiều địa phương ở Lào có thể cảm nhận cuộc sống không giàu có về vật chất nhưng con người nơi đây thực sự giàu có ở tâm hồn thanh tịnh, lối sống giản dị và sạch sẽ.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.