Điểm sáng xã hội hóa

.

Năm 2018, các hoạt động văn hóa-thể thao trên địa bàn thành phố diễn ra sôi nổi, ngày càng nâng cao chất lượng. Ngoài sự quan tâm đầu tư bằng ngân sách thành phố, kết quả ấy có được còn nhờ sự chung tay của xã hội thông qua hình thức xã hội hóa (XHH).

Công ty Bảo Nguyên Food – đơn vị khai thác sân khấu Công viên Biển Đông phối hợp Nhà hát kịch Việt Nam đưa vở kịch “Bão tố Trường Sơn” về Đà Nẵng diễn bằng hình thức xã hội hóa.
Công ty Bảo Nguyên Food – đơn vị khai thác sân khấu Công viên Biển Đông phối hợp Nhà hát kịch Việt Nam đưa vở kịch “Bão tố Trường Sơn” về Đà Nẵng diễn bằng hình thức xã hội hóa.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT), mục tiêu đến năm 2020, Đà Nẵng có 100% nhà văn hóa-khu thể thao thôn được nâng cấp, hoàn thiện theo tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 80% xã, phường có thiết chế Trung tâm VHTT, 20% các phường còn lại có nhà văn hóa.

Qua kiểm tra, đánh giá sơ bộ, đến nay, so với mục tiêu đề ra, quận Hải Châu đạt 55%, quận Thanh Khê 45%, quận Ngũ Hành Sơn 35%, quận Cẩm Lệ 35%, quận Liên Chiểu 15%, quận Sơn Trà 35%, huyện Hòa Vang đạt 65%. Các thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư đáp ứng cơ bản nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân.

Đáng chú ý, nhiều trung tâm đã chủ động liên kết với các tổ chức, cá nhân thực hiện XHH để tăng nguồn thu và nâng cao chất lượng hoạt động. Đơn cử như Trung tâm Đào tạo và phát triển bóng rổ BDC nằm trong Trung tâm VHTT quận Thanh Khê, là trường hợp XHH 100% với tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng, đi vào phục vụ người dân và các đội tuyển thi đấu gần một năm qua.

Sự ra đời của trung tâm gắn với tình yêu đặc biệt dành cho bóng rổ của anh Nguyễn Trường Minh, chủ đầu tư. Sau công việc chính, thời gian còn lại của anh ở sân bóng này. “Sân đáp ứng tốt các tiêu chí của một sân bóng rổ chuyên nghiệp từ thảm đấu, bảng điện tử đúng chuẩn, sức chứa 500 người xem đến những huấn luyện viên tài năng, đam mê bóng rổ, do đó cũng dần thu hút học viên.

Tôi nghĩ rằng, sự hỗ trợ của chính quyền về mặt cơ chế, chính sách là động lực để đơn vị tư nhân đầu tư các mô hình VHTT, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân”, anh Minh chia sẻ.

Theo ông Vương Tuấn Kiệt, Giám đốc Trung tâm VHTT quận Thanh Khê, ngoài đào tạo bóng rổ, Trung tâm VHTT quận đã phối hợp tổ chức các giải đấu mở rộng thu hút VĐV nhiều quận khác, góp phần đưa phong trào bóng rổ của quận Thanh Khê phát triển vào hàng mạnh nhất, nhì thành phố.

Trong khi đó, tại quận Ngũ Hành Sơn, Trung tâm VHTT Mỹ An (thuộc tổ 22, phường Mỹ An) cũng được xây dựng bằng 100% nguồn vốn XHH. Nơi này trước đây được quy hoạch làm khu Trung tâm VHTT nhưng do thiếu kinh phí đầu tư nên bị bỏ hoang.

Tháng 5-2016, Công ty TNHH Thương mại và Chuyển giao công nghệ K&H trúng thầu thuê quyền sử dụng đất để đầu tư xây dựng Trung tâm VHTT theo đúng quy hoạch của thành phố đề ra và đúng với chủ trương XHH trên lĩnh vực này.

Công ty đã đầu 50 tỷ đồng xây dựng các hạng mục gồm: bể bơi, sân bóng đá, khu nhà tập thể hình, nhà đọc sách, khu sinh hoạt cộng đồng và đi vào hoạt động từ tháng 5-2018. Ông Nguyễn Trọng Khải, chủ đầu tư trung tâm chia sẻ, đầu tư vào văn hóa phải xác định rất khó khăn, không chỉ vấn đề lợi nhuận mà còn phải tâm huyết mới làm tốt được.

“Tôi từng bị ám ảnh bởi những vụ đuối nước thương tâm vì nạn nhân không biết bơi; từng băn khoăn vì khu phố khá đông người nước ngoài sinh sống như An Thượng lại không có dịch vụ thể thao xứng tầm để đáp ứng nhu cầu du khách.

Được sự tạo điều kiện của các cấp, ngành, tôi đã bước đầu thực hiện ý tưởng của mình. Dù trung tâm mới đi vào hoạt động nhưng được đánh giá cao về chất lượng, thái độ phục vụ. Bên cạnh dịch vụ có thu, trung tâm phục vụ miễn phí cho cộng đồng trong tổ chức họp hành, sinh hoạt của các hội, đoàn thể; dạy bơi cho học sinh nghèo dịp hè; mở tủ sách cộng đồng”, ông Khải nói.

Bên cạnh hoạt động thể thao, các chương trình nghệ thuật, lễ hội cũng bắt đầu được XHH mạnh mẽ. Tại sân khấu Công viên Biển Đông (đường Phạm Văn Đồng) thường diễn ra các sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn trong năm 2018 như: chương trình biểu diễn nghệ thuật của ban nhạc Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ, hội trại “Tổ quốc nhìn từ biển” của Thành Đoàn Đà Nẵng, chương trình thúc đẩy và quảng bá sản phẩm du lịch “Đà Nẵng – Điểm hẹn mùa hè 2018” của Sở Du lịch, chung kết cuộc thi “Tiếng hát vượt thời gian 2018”, “Sing For Life 2018” của Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh Đà Nẵng, “Ngày hội tuổi thơ” của Hội Từ thiện và bảo trợ trẻ em thành phố, “Vì trẻ em biển đảo - Ấm lòng chiến sĩ Trường Sa” (2018); đại nhạc hội “DaNang Music Festival” tổ chức định kỳ mỗi tháng/lần…

“Hầu hết các chương trình đều miễn phí. Hoạt động chủ yếu của chúng tôi là tổ chức chương trình nghệ thuật hằng đêm và sử dụng nguồn thu từ bán thức uống cho du khách để bù đắp một phần chi phí của sân khấu. Với khát vọng tạo sân khấu chuyên nghiệp, chúng tôi buộc phải nỗ lực nhiều hơn nữa”, ông Phùng Văn Thuận, đơn vị khai thác sân khấu Công viên Biển Đông (BNF) chia sẻ.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VHTT cho biết thêm, ở lĩnh vực này, sự kiện XHH được xem lớn nhất trong năm 2018 là Lễ hội pháo hoa quốc tế. Từ năm 2017 đến nay, mỗi mùa pháo hoa, doanh nghiệp đã dành trên 100 tỷ đồng để tổ chức.

Ngoài ra còn phải kể đến các sự kiện văn hóa chào mừng năm mới; một số hoạt động nghệ thuật hai bên bờ sông Hàn; hoạt động nghệ thuật tại sân khấu Công viên Biển Đông. Việc XHH trong xây dựng, đầu tư các khu thể thao văn hóa, vui chơi giải trí, chương trình nghệ thuật, sự kiện thể thao mang tầm quốc tế… trên địa bàn thành phố thật sự đem lại hiệu quả xã hội.

Thời gian tới, Sở VHTT tiếp tục khuyến khích hình thức XHH trong lĩnh vực này để nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa, chất lượng nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể thao, thưởng thức nghệ thuật của quần chúng.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.