Đến châu Âu, chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của tháp Eiffel (Pháp), tận mắt ngắm nhìn những chiếc cối xay gió khổng lồ huyền thoại ở làng quê ngoại ô Amsterdam (Hà Lan), hay được “chạm” vào bức tượng chú bé tè lừng danh ở Brussels (Bỉ)... là niềm mơ ước của bất cứ người nào muốn khám phá cựu lục địa.
Thủ đô các nước châu Âu, hay nói chính xác hơn là khu vực trung tâm các thủ đô ở châu Âu không có những siêu đại lộ, những tòa nhà chọc trời, các đại siêu thị lộng lẫy hay trung tâm vui chơi giải trí hàng đầu thế giới, nhưng những “trái tim” này của châu Âu vẫn là niềm mê say khó tả của du khách khắp nơi trên toàn thế giới, bởi chính sự nâng niu gìn giữ giá trị quá khứ và cả trình độ làm du lịch bậc thầy của người châu Âu - điều mà Đà Nẵng rất cần học hỏi để phát triển hết tiềm năng lợi thế của mình.
Đường phố thủ đô Brussels (Bỉ) được lót đá xanh có tuổi đời vài trăm năm. |
Đại lộ Champs Élysées - con đường người Pháp vô cùng tự hào nói rằng bất cứ ai đến Paris cũng “buộc” phải đi, vì đó là con đường kết nối những danh thắng nổi danh trên toàn thế giới của nước Pháp như Quảng trường Concorde, Khải Hoàn Môn để từ đó đến thăm Nhà thờ Đức Bà Paris hay ghé bến du thuyền để chiêm ngưỡng dòng sông Seine lãng mạn. Ngay từ vòng xe đầu tiên lăn bánh trên đại lộ này, du khách sẽ… hụt hẫng, ngạc nhiên khi chiếc xe cứ lọc cọc nhảy lên như xe ngựa, vì mặt đường được lót bằng những viên đá xanh trăm tuổi.
Cũng không riêng đại lộ này, gần như toàn bộ đường phố trung tâm Paris, Brussels hay Amsterdam, thành Roma... xe đi qua đều nhảy lóc cóc vì những viên đá xanh như một chứng tích thời gian nhiều biến cố lịch sử.
Thủ đô các nước châu Âu vẫn cho sử dụng một phần vỉa hè để người dân kinh doanh, nhưng rất chặt chẽ, cho phép đến đâu sử dụng đến đó, tuyệt nhiên không có chuyện “lấn chiếm vỉa hè, lòng đường”. Và cũng chính trên vỉa hè đại lộ Champs Élysées, quán cà-phê be bé có tên Fouquet đã trở thành điểm đến của du khách - những người không chỉ muốn đến để thưởng thức cà-phê Pháp thơm lừng, mà còn vì sự tò mò bởi nơi đây cựu Tổng thống Pháp Sarkozy thỉnh thoảng ghé uống cà-phê và đọc sách.
Rất nhiều địa danh nổi tiếng ở châu Âu có “dấu ấn” của những nhà lãnh đạo, các nhân vật nổi tiếng trên thế giới để rồi trở thành điểm đến với đầy sự “tò mò” của du khách khắp năm châu.
Từ châu Âu nghĩ về Đà Nẵng và cảm thấy tiếc khi thành phố đã bỏ qua quá nhiều cơ hội “tiếp thị” tinh tế. Bởi Đà Nẵng có rất nhiều nhà lãnh đạo, nhân vật nổi tiếng trên thế giới ghé thăm. Đặc biệt, sau khi Đà Nẵng trở thành địa phương tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 với sự hiện diện của lãnh đạo các nền kinh tế lớn trên thế giới; hay bãi biển Đà Nẵng được Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn “một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh”, nhưng rồi sau các sự kiện ấy là cả một sự… lãng phí khi chưa được khai thác hết.
Đi thuyền trên những hệ thống kênh rạch chằng chịt ở thủ đô Amsterdam (Hà Lan), hay trên dòng sông Seine thơ mộng mới thấy người châu Âu biết trân quý và khéo léo đến nhường nào khi giữ lại những “nhân chứng lịch sử” một thời của dân tộc.
Trên các kênh rạch ngang dọc ở Amsterdam, đâu đó vẫn còn những cọc gỗ có tuổi đời trên cả vài trăm năm - chiến tích trị thủy vĩ đại của người Hà Lan ở những ngày đầu xây dựng thủ đô. Và cũng chính vì vậy, những cọc gỗ - nhân chứng đó luôn dẫn đầu về nơi được du khách chụp hình lưu niệm.
Tương tự, chẳng ngạc nhiên khi làng cổ với những chiếc cối xay gió ở ngoại ô thủ đô Amsterdam chưa bao giờ hết hấp dẫn du khách đến với đất nước thấp hơn mặt nước biển này. Thậm chí, những phiến đá xanh mòn vẹt ở Phố Đèn đỏ nổi tiếng với những ý kiến trái chiều về một nghề gắn liền thân phận phụ nữ, vẫn được chính quyền thành phố giữ nguyên vẹn từ vài trăm năm nay. Dọc dòng sông Seine ở Pháp vẫn còn những miệng cống thoát nước mưa được làm bằng phiến đá xanh có tuổi đời vài thế kỷ, tạo nên sự mê hoặc khó tả với du khách.
Đến làng cổ của những chiếc cối xay gió lại thêm một lần muốn so sánh - dù rằng khập khiễng - khi thành phố Đà Nẵng đã đưa làng cổ Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) vào khai thác du lịch. Những lối đi nhỏ lát gạch, những ngôi đình cổ, mái nhà cổ nấp dưới rặng tre xanh, có thể nói đủ sức quyến rủ du khách, nhất là du khách đến từ những nước phát triển. Thế nhưng, ngôi làng cổ này mới chỉ được khai thác, chứ chưa thấy bàn tay vun đắp tôn tạo để ngôi làng cổ như vốn có.
Đến Brussels (Bỉ) sau khi thăm Quảng trường Lớn với những cung điện bằng đá trên 300 tuổi đời, hầu như bất cứ du khách nào cũng phải ghé thăm tượng chú bé tè. Người ta vẫn hay nói đến Brussels mà chưa thăm tượng chú bé tè thì chưa đến nước Bỉ, chưa đặt chân đến trung tâm châu Âu.
Nhưng thêm một lần ngạc nhiên khi bức tượng lừng danh này chỉ cao vỏn vẹn 60cm, ở một góc phố cổ và xung quanh bức tượng là câu chuyện đậm màu huyền thoại được lưu truyền trong dân gian về một nước Bỉ nhỏ bé giữa lòng châu Âu.
Hơn hết, đây vẫn là cách làm du lịch rất tốt của nước Bỉ, khi luôn chuẩn bị cho bức tượng này hàng trăm bộ trang phục của các quốc gia trên thế giới. Cứ có đoàn quan khách nào đến thăm thì tượng chú bé lại được khoác lên trang phục quốc gia đó. Một cách “chiều lòng thượng đế” thật dễ chịu.
Hình ảnh cầu Rồng (Đà Nẵng) xuất hiện trên tạp chí hàng không của Hãng hàng không Qatar. Ảnh: T.VÂN |
Gìn giữ nét cổ kính rêu phong, nhưng người châu Âu cũng tiên phong trong việc tận dụng tối đa sự bùng nổ của công nghệ để qua đó quảng bá không tốn kém cho những danh thắng của mình. Từ tháp Eiffel đến làng cổ hay những bức tượng nổi tiếng, nếu tinh ý có thể thấy đây là những nơi không-góc-khuất.
Ở đây, tất cả du khách đều có thể chọn góc nhìn đẹp nhất để chụp một tấm hình, hay quay một đoạn clip làm kỷ niệm. Đơn giản là những nơi này luôn được “bảo vệ” để không bị bảng quảng cáo, tòa nhà cao tầng hay bất cứ thứ gì che khuất.
Điều này thêm lần nữa phải đặt câu hỏi cho Đà Nẵng, vì cớ sao một cầu Rồng có thể nói “có một không hai” trên thế giới cứ bị hàng trăm chiếc tàu đánh cá “lạc” chỗ neo đậu. Du khách muốn có góc nhìn đẹp, một tấm hình đẹp thì không thể thực hiện vì những “vị khách” không mời này.
Tháng 12-2018, đường bay trực tiếp từ sân bay quốc tế Đà Nẵng đến sân bay quốc tế Doha của Qatar được đưa vào sử dụng. Đây là cơ hội vàng cho Đà Nẵng vào châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Về phía ngành du lịch thành phố không hiểu đã chuẩn bị cho cơ hội này đến đâu, tuy nhiên tròn 6 tháng trước, trên mỗi chuyến bay của Hãng hàng không Qatar, hình ảnh cầu Rồng - Đà Nẵng đã xuất hiện trên tạp chí của hãng này rồi!
Để du lịch thành phố phát triển đúng như tiềm năng và lợi thế đôi khi cũng không cần sự đầu tư quá lớn về công sức, tiền của mà chỉ cần sự tinh tế hiểu và biết “thượng đế” cần gì, muốn gì. Và trên hết là phải bảo tồn được nét văn hóa, lịch sử của dân tộc mình.
THANH VÂN