Tự nhận mình không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp, bởi ông vốn là kỹ sư cầu đường nhưng đến nay, “gia tài” âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tám khá đồ sộ, trong đó nhiều ca khúc đoạt giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật (VH-NT) Đà Nẵng và Liên hiệp các Hội VH-NT Việt Nam.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tám cùng cháu thư giãn với đàn piano. |
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tám sinh năm 1944 tại Quảng Ngãi, nhưng gốc gác lại là người Đại Lộc (Quảng Nam). Ông là một kỹ sư cầu đường và cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Giao thông Hà Nội những năm 1965-1970. Năm 1971, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tám vào chiến trường Khu 5.
Từ đây, cùng thế hệ những nghệ sĩ, nhà thơ, nhà văn “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ông sáng tác khá nhiều ca khúc, trong đó nổi bật là tác phẩm: Chúng tôi đi dọc Trường Sơn, Cánh hoa bên rừng… Sau giải phóng, ông chọn Đà Nẵng định cư, công việc vẫn không liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật, nhưng chất nghệ sĩ thôi thúc sự sáng tạo trong ông. Nhiều tác phẩm sáng tác về Đà Nẵng, Quảng Nam, các miền quê hương, đất nước như: Tuổi trẻ Đà Nẵng lên đường, Âm vang sông Hàn, Đà Nẵng - nơi tôi về, Dòng sông tuổi thơ, Thành phố bên sông Hàn, Chiều cửa biển, Thu Bồn ngày về…
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tám chia sẻ, ông yêu âm nhạc từ nhỏ, chơi được nhiều loại nhạc cụ như: sáo trúc, organ, guitar, piano và theo học cả với thầy Phạm Tuyên. Hồi còn là sinh viên, hay khi làm cán bộ Trường Đại học Giao thông Hà Nội, phong trào văn nghệ không thể thiếu ông. Nhưng với ông, cái duyên nghệ thuật dường như chỉ đến đó. Tuy vậy, hễ cảm xúc đến đâu ông đều viết ra như mạch nguồn tuôn chảy. Chẳng hạn với bài Thu Bồn ngày về, ông viết bằng tất cả tình cảm của một người con xa xứ trở về quê hương - nơi ấy vừa thân thuộc trong lời kể của cha mẹ, vừa lạ lẫm đối với kẻ tha phương…
Hay bài Hà Nội tuổi thơ tôi là cả khoảng trời kỷ niệm ông ghi lại năm tháng sống tại mảnh đất này. “Đó là những hình ảnh thân thuộc, xung quanh tôi, gần gũi đến độ mở mắt ra là dường như thấy ngay trước mặt như: Tiếng dế kêu rúc rích đê La Thành/Cầu Long Biên bình thản soi trên sóng lụa mông mênh/Dòng người sơ tán râm ran về phía Đông Anh, Cầu Đuống/Ngọn đèn hạt đỗ lút sâu trong ngõ hẹp phố Khâm Thiên, những đêm mất điện/Tiếng dương cầm bay lên ngõ vắng xóm Hạ Hồi /Hà Nội ơi! Hà Nội ơi!”, ông trải lòng.
Dù chỉ “dạo chơi” trong lĩnh vực nghệ thuật, nhưng đến nay, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tám đã có một số tác phẩm được trao giải thưởng và giới chuyên môn đánh giá cao như: Trường ca Lửa xanh (giải thưởng Thơ của thành phố Đà Nẵng 1999 - 2000); giải B tập thơ Bài hát của người lớn của Liên hiệp các Hội VH-NT thành phố Đà Nẵng; giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VH-NT Việt Nam với ca khúc Làng Rô mình đây, Hà Nội tuổi thơ tôi. Năm 2018, ông tiếp tục nhận giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VH-NT Việt Nam với ca khúc Tiếng abel đêm trăng và giải nhất cuộc vận động sáng tác ca khúc về Đà Nẵng do UBND thành phố tổ chức với ca khúc Đà Nẵng của tôi.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tám chia sẻ, ông đã sáng tác khá nhiều ca khúc về Đà Nẵng nhưng thật không dễ dàng. Sống tại Đà Nẵng hơn 40 năm, vùng đất này mang lại cho ông nhiều ý nghĩa trong cuộc đời, cũng không khó để nhận ra sự đổi thay từng ngày của Đà Nẵng nhưng cảm được điều đó và đưa vào tác phẩm âm nhạc lại là chuyện khác. “Những tác phẩm trước đây của tôi về Đà Nẵng vẫn thiếu thiếu cái gì đó. Lần này, tôi trăn trở tìm ý, tìm tứ cho ca khúc, làm sao để thể hiện được sự tri ân với vùng đất nuôi dưỡng hơn nửa cuộc đời mình.
Tôi khai thác chất liệu âm nhạc dân gian, dân tộc bởi dân ca thắm đượm trong từng lời ru của mẹ từ thuở lọt lòng; khai thác đặc trưng riêng của người dân xứ Quảng với “mô - răng - chi - rứa”; khai thác những trầm tích văn hóa của Đà Nẵng như: Bên tê là Hải Vân núi dáng mờ mờ tím/Bên ni thành Điện Hải vầng trăng nghiêng về phía cửa Hàn… Với tôi, mọi thứ cứ thẩm thấu, tích lũy qua năm tháng và đến lúc tự bật ra. Không thể viết được về Đà Nẵng nếu không sống lâu và sống sâu với mảnh đất, con người nơi đây”, ông tâm sự.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ