Sức hút từ Tủ sách Đà Nẵng

.

Năm 2018, thành phố xây dựng Tủ sách Đà Nẵng và đặt tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố. Chỉ sau 8 tháng ra mắt, Tủ sách đã thu hút đông đảo bạn đọc đến nghiên cứu, tìm hiểu.

Người dân đến đọc sách và nghiên cứu, tìm hiểu tại Tủ sách Đà Nẵng, đặt ở phòng Tạp chí, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng.  Ảnh: NGỌC HÀ
Người dân đến đọc sách và nghiên cứu, tìm hiểu tại Tủ sách Đà Nẵng, đặt ở phòng Tạp chí, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng.

Tủ sách Đà Nẵng tập hợp hơn 2.000 bản sách giá trị, được bố trí theo không gian mở với tài liệu sắp xếp theo từng lĩnh vực. Đây là kho tư liệu quý về vùng đất, con người, văn hóa, phong tục, tập quán của Quảng Nam - Đà Nẵng xưa và nay của các tác giả Quảng Nam, Đà Nẵng. Đặc biệt, trong đó có nhiều bản sách quý, hiếm như: Bộ sách Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú; Phương Đình dư địa chí, Hải ngoại kỷ sự và các tài liệu về cuộc di dân Nam tiến của tiền nhân; lịch sử hình thành Quảng Nam - Đà Nẵng (thời tiền sử và sơ sử) và bộ sưu tập tài liệu quý hiếm về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tủ sách Đà Nẵng phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu, tìm hiểu, học tập liên quan đến vùng đất và con người Đà Nẵng; đồng thời giúp người dân có thêm kiến thức về mảnh đất nơi mình đang sống. Cầm trên tay quyển “Quảng Nam trong hành trình mở cõi và giữ nước”, chị Hoàng Diễm (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) cho biết đã tìm thấy nhiều thông tin hữu ích về lịch sử vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Là giáo viên dạy môn tự nhiên, chị Diễm đến thư viện tìm sách chuyên ngành phục vụ việc dạy học. Gần đây, được thủ thư giới thiệu về Tủ sách Đà Nẵng, chị ghé xem và trở thành “khách quen”. “Tôi đọc khá nhiều sách nhưng đến độ tuổi trung niên, tôi chợt nhận ra kiến thức của mình về văn hóa, lịch sử; đặc biệt lịch sử nơi mình sinh sống khá ít ỏi. Trong khi con cái tôi ngày một lớn và hầu như cháu chỉ quan tâm tới văn hóa của các nước khác. Tôi nghĩ, nếu tôi không làm gương thì các con tôi cũng không đọc, không hiểu gì về nơi nó đang sống mà trong đầu óc non nớt chỉ chất chứa văn hóa xa lạ”, chị Diễm chia sẻ.

Để Tủ sách Đà Nẵng lan tỏa đến bạn đọc, thời gian qua, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đã số hóa tất cả tài liệu đến bạn đọc và chia sẻ nguồn thông tin quý giá này đến với các thư viện quận, huyện; thư viện các trường học trên địa bàn thành phố. Thư viện cũng thực hiện luân chuyển giới thiệu sách đến các vùng sâu, vùng xa.

Người dân đến đọc sách và nghiên cứu, tìm hiểu tại Tủ sách Đà Nẵng, đặt ở phòng Tạp chí, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng.
Người dân đến đọc sách và nghiên cứu, tìm hiểu tại Tủ sách Đà Nẵng, đặt ở phòng Tạp chí, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng.

Thời gian qua, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố còn tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm, giới thiệu tác giả, tác phẩm mới, tác phẩm đầu tay, xây dựng chương trình vinh danh tác giả, tác phẩm về Đà Nẵng; quảng bá, giao lưu các hoạt động văn hóa - nghệ thuật khác trong không gian Tủ sách Đà Nẵng. Trong năm 2018, Liên hiệp Hội cũng hỗ trợ các tác giả in ấn tác phẩm về Đà Nẵng, góp phần bổ sung nguồn tác phẩm văn học - nghệ thuật cho Tủ sách Đà Nẵng. Nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố cho rằng, Tủ sách Đà Nẵng là kênh đầu ra cho tác phẩm văn học - nghệ thuật của các hội chuyên ngành. Từ đây, nhiều tác phẩm được bạn đọc biết đến, khuyến khích phong trào sáng tác, nghiên cứu trên các lĩnh vực về vùng đất và con người Đà Nẵng.

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng cho biết thêm, Đà Nẵng đang đẩy mạnh thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, “Xây dựng thư viện công cộng đến năm 2020”, “Khuyến khích văn hóa đọc hướng đến đối tượng chính là học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” hay kế hoạch thực hiện “Thẻ thư viện liên thông cho hệ thống thư viện công cộng thành phố đến năm 2020”. Với đà phát triển thành phố du lịch như hiện nay, việc Đà Nẵng hình thành một không gian đọc với những ấn phẩm riêng về địa phương không chỉ phục vụ nhu cầu bạn đọc và công tác nghiên cứu mà còn góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa và bản sắc riêng của con người Đà Nẵng.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.