Với nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cơ quan chức năng, từ năm 2009, Lễ hội đình làng Hải Châu được khôi phục và nâng tầm, trở thành sản phẩm văn hóa hấp dẫn giữa lòng thành phố.
Hoạt động thả chim bồ câu tại Lễ hội đình làng Hải Châu. |
Theo ông Mai Công Nghị, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Hải Châu, việc khôi phục lễ hội đình làng nhằm giúp người dân Hải Châu nói riêng và Đà Nẵng nói chung trở về cội nguồn, lịch sử của cha ông, quê hương, xứ sở, góp phần tích cực trong việc giáo dục lòng tri ân, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”; đồng thời nâng tầm lễ hội thành sản phẩm du lịch văn hóa, thu hút du khách thập phương. Lễ hội được tổ chức thường niên vào ngày 10-3 âm lịch, nhằm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Phần lễ có Lễ vọng (tế cô hồn) được thực hiện trước và Chánh tế (lễ chính), thực hiện sau với trang phục lễ, theo nghi thức cổ truyền cúng đình làng; bên cạnh, còn có nghi thức thả chim bồ câu cầu quốc thái dân an, no ấm thuận hòa.
“Qua 11 lần tổ chức, Lễ hội đình làng Hải Châu đã tạo hiệu ứng tích cực, mang lại đời sống văn hóa tinh thần phong phú, nhân văn, đậm đà hương vị dân gian cho người dân. Theo từng năm, ngoài phần lễ theo nghi thức cổ truyền giữ nguyên, phần hội có những đổi mới nhất định để dần nâng tầm lễ hội, thu hút khách thập phương tới dự, vui chơi, ông Nghị cho hay.
Theo bà Hoàng Giang Yên Thủy, Bí thư Đảng ủy phường Hải Châu 1, năm 2019, Lễ hội đình làng Hải Châu đã có những nét đổi mới tích cực, tái hiện không gian văn hóa truyền thống, cụ thể: mở rộng quy mô múa rối nước, tổ chức thi trang phục các dân tộc Việt Nam, thi viết thư pháp, thi gói bánh chưng, bánh tét, biểu diễn nghệ thuật tuồng... “Việc đưa nội dung phát huy giá trị văn hóa của di tích và đề nghị UBND quận, thành phố cho phép xây dựng thiết chế văn hóa tại khu vực đình làng Hải Châu vào nghị quyết tại Đại hội đại biểu phường lần thứ XI (tháng 5-2015), là nhằm xác định vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo và tổ chức theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Từ năm 2016, hoạt động múa rối nước được thử nghiệm trong phần hội, đã thu hút rất đông học sinh đến tham quan tìm hiểu. Qua 4 năm triển khai, đến nay hoạt động múa rối nước thực sự trở thành hoạt động chính thu hút du khách đến với hội đình làng. Từ đầu năm 2019 đến nay, 13 buổi biểu diễn múa rối nước thu hút hàng nghìn người xem.
Hiện UBND quận đang giao cho phường hoàn thiện đề án múa rối nước tại đình làng Hải Châu. Với vị trí thuận lợi là nằm ngay trung tâm thành phố, việc tổ chức múa rối nước tại đình làng Hải Châu sẽ đem đến một sắc màu riêng cho thành phố hiện đại, góp phần phát huy hơn nữa giá trị văn hóa của đình làng, đồng thời tạo thêm một sản phẩm du lịch đặc sắc cho địa phương”, bà Thủy cho biết.
Bà Thủy cho biết thêm, sắp tới, trụ sở UBND phường Hải Châu 1 cũng sẽ được di dời đến chỗ mới, cùng với việc giải tỏa một số hộ dân ở sát cạnh đình làng để trả lại không gian cho đình làng. Sau đó, việc xây dựng thiết chế văn hóa ngay tại vị trí trụ sở hiện tại của UBND phường sẽ được triển khai. Khi đó, các hoạt động lễ hội sẽ được mở rộng, nâng tầm, bảo đảm không gian để đón khách thập phương tham quan. “Thông qua lễ hội, chúng tôi sẽ nỗ lực để xây dựng đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành, phát triển”, bà Thủy nói.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY