Thăng trầm đình làng Xuân Thiều

.

Năm 2019, đình làng Xuân Thiều (tọa lạc ở tổ 39, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) được thành phố đầu tư 10 tỷ đồng để sửa chữa, trùng tu ngay tại vị trí cũ; đây cũng là mức đầu tư lớn từ trước đến nay đối với một di tích cấp thành phố. Như vậy, sau nhiều năm thăng trầm, thời gian tới, đình làng Xuân Thiều sẽ mang diện mạo mới, khang trang hơn nhưng vẫn giữ được giá trị lịch sử và văn hóa vốn có.

Năm 2019, đình làng Xuân Thiều (tọa lạc ở tổ 39, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) được thành phố đầu tư 10 tỷ đồng.
Năm 2019, đình làng Xuân Thiều (tọa lạc ở tổ 39, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) được thành phố đầu tư 10 tỷ đồng.

Giữa cái nắng nóng tháng 5 của miền Trung, ông Trương Văn Tranh (79 tuổi, Trưởng Ban Quản lý đình làng Xuân Thiều) vẫn ngày hai bận sáng, chiều ra quan sát đơn vị thi công; bởi với ông “trầy trật” mãi mới có được quyết định trùng tu, sửa chữa như ngày hôm nay.

Theo lời kể của ông Tranh, đình Xuân Thiều được xây dựng từ năm Ất Dậu đời vua Minh Mạng (1825), qua nhiều lần trùng tu, nhưng trùng tu lớn nhất là vào năm 1961, trên bảng ghi công đức vẫn còn lưu giữ lại số tiền đóng góp của nhân dân khi ấy, ít nhất là mấy chục đồng, nhiều nhất là hơn 4.000 đồng...

Kiến trúc đình mang đặc trưng của một ngôi đình truyền thống với mái ngói âm dương, hình lưỡng long chầu nguyệt, 2 bên tả vu và hữu vu có 2 bàn thờ, phía trên của 2 hương án đó là 2 bức tranh đắp nổi hình “Thanh long Bạch hổ”.

Ngoài vẻ đẹp kiến trúc, đình Xuân Thiều còn mang nhiều giá trị lịch sử cách mạng đậm nét gắn với phong trào kháng chiến của Đà Nẵng; là nơi dân làng tập trung lương thực, thực phẩm cho quân sĩ triều đình Huế chiến đấu khi tàu chiến Pháp tấn công vào Đà Nẵng năm 1858; là nơi thành lập chính quyền cách mạng thôn Xuân Thiều, điểm bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Viêt Nam Dân chủ Cộng hòa trong tổng khởi nghĩa cướp chính quyền tháng Tám năm 1945; trong tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, đình Xuân Thiều là nơi tập họp, tập trung các lực lượng đấu tranh chính trị ở các thôn Xuân Thiều, Trung Sơn...

Khi triển khai dự án tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài khiến đình làng Xuân Thiều bị ảnh hưởng ít nhiều bởi nền đường cao hơn sân đình hơn 1m; dự kiến làm đường dân sinh trước cổng đình... Từ đó, xuất hiện hai luồng ý kiến di dời về vị trí mới tại đường Nguyễn Bá Phát, cách vị trí hiện tại khoảng 700m hay giữ nguyên vị trí hiện tại.

“Có ý kiến muốn di dời bởi vì khi xây dựng đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đình làng đã bị dỡ bỏ một phần, lại có quy hoạch đường 5m cắt ngang bức bình phong của đình thì diện tích đình làng bị thu hẹp; chuyển về vị trí mới sẽ rộng rãi, khang trang hơn. Ý kiến khác thì cho rằng nếu di dời, xây dựng mới thì những ký ức, những bề dày lịch sử gắn với ngôi đình xưa không thể mang theo, mất đi ý nghĩa thiêng liêng vốn có. Bên nào cũng có cái lý hết”, ông Trương Văn Tranh nói.

Cũng theo ông Trương Văn Tranh, trải qua nhiều cuộc họp bàn từ Ban quản lý đình làng, các chư phái tộc, dân làng đến cấp phường, quận, thành phố; sự lên tiếng của nhiều kiến trúc sư, nhà quy hoạch..., cuối cùng, chính quyền các cấp mới xem xét kỹ lưỡng, tìm ra phương án tối ưu. Kết quả là chính quyền quyết định giữ nguyên đình làng ở vị trí hiện tại, không làm đường dân sinh cắt ngang cổng đình. Quyết định này nhận được sự đồng tình của người dân.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng ban hành Quyết định số 6237/QĐ-UBND ngày 21-12-2018  công nhận đình làng Xuân Thiều là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Năm 2019, UBND thành phố đầu tư 10 tỷ đồng để sửa chữa, trùng tu đình làng; đây cũng là mức đầu tư lớn từ trước đến nay đối với một di tích cấp thành phố gồm: nâng đình làng lên 1,4m ngang bằng với mặt đường, trùng tu mái, cột...

Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết thêm, thời gian qua, công tác trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn quận được thành phố đặc biệt quan tâm. Trong năm 2019, có 2 đình làng được trùng tu, sửa chữa là đình làng Xuân Thiều (10 tỷ đồng), đình làng Xuân Dương (4 tỷ đồng); sắp tới là quần thể di tích tại Nam Ô như miếu Bà Liễu Hạnh, Lăng Ông Ngư, Dinh Cô Hồn; quần thể di tích miếu Hàm Trung... Việc trùng tu các di tích nhằm tạo điều kiện để người dân tổ chức các lễ hội mang tính tín ngưỡng, cộng đồng; qua đó giữ gìn, lưu truyền các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
;
.
.
.
.
.