Cơ hội cho mỹ thuật Đà Nẵng

.

Sự kiện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức chương trình“Giao lưu, sáng tác, triển lãm mỹ thuật quốc tế lần thứ nhất 2019 tại Đà Nẵng” với sự tham gia của 19 họa sĩ quốc tế đến từ 15 quốc gia trên thế giới được kỳ vọng đặt nền móng, tạo đà cho Đà Nẵng trở thành trung tâm sự kiện mỹ thuật của cả nước.

Triển lãm thu hút sự quan tâm của công chúng, tạo cơ hội cho mỹ thuật Đà Nẵng phát triển.
Triển lãm thu hút sự quan tâm của công chúng, tạo cơ hội cho mỹ thuật Đà Nẵng phát triển.

Có mặt tại Đà Nẵng gần một tuần nay, họa sĩ Lampu Kansanoh (đến từ Thái Lan) chia sẻ, sau khi khám phá những nét văn hóa đặc trưng địa phương và tham quan các địa danh như danh thắng Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, Bà Nà Hills... của thành phố Đà Nẵng, phố cổ Hội An của tỉnh Quảng Nam thì cô tập trung sáng tác tại Nhà Sáng tác Đà Nẵng.

Trong đợt này, cô thực hiện hai bức tranh, một bức là vẽ chân dung của họa sĩ trong đoàn và bức còn lại vẽ về những chú chó nhỏ - con vật mà cô rất yêu thích. Đây là lần thứ 3 cô đến Việt Nam giao lưu sáng tác, nhưng là lần đầu tiên đến Đà Nẵng và hy vọng tác phẩm của cô sẽ được công chúng yêu mỹ thuật Đà Nẵng đón nhận.

Họa sĩ Edem Elesh (người Mỹ) cho biết, từ lâu anh khá ấn tượng với đất nước và con người Việt Nam, nhất là tinh thần kiên cường, bất khuất. Tham gia trại sáng tác này, họa sĩ Edem Elesh lấy ý tưởng hình ảnh bản đồ Việt Nam cho tác phẩm của mình, thông qua hội họa để nói lên câu chuyện con người trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang nỗ lực chống chọi với biến đổi khí hậu toàn cầu do ô nhiễm môi trường.

“Đây là cơ hội để những người xa lạ gặp nhau, cùng kết nối; qua đó, tiếng nói của hội họa nói riêng, nghệ thuật nói chung sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, Edem Elesh nói.

Sau gần 3 ngày sáng tác (28 đến 31-7), các họa sĩ đã cho ra đời gần 50 tác phẩm tranh thuộc nhiều trường phái khác nhau như: biểu hiện, hiện thực, trừu tượng, nghệ thuật đương đại; một số tượng được làm bằng chất liệu sắt hàn, gỗ; một số tác phẩm sắp đặt...

Các tác phẩm là những cảm nhận riêng của họa sĩ về cuộc sống, thiên nhiên, con người Đà Nẵng; đặc biệt, thông điệp bảo vệ môi trường được nhiều họa sĩ gửi gắm thông qua triển lãm lần này.

Có thể kể đến những tác phẩm như: Bài học và Sự báo trước (chất liệu tổng hợp của Edem Elesh), Lá (chất liệu thép mới của Laurie Collins), Đà Nẵng mùa xuân (sơn dầu trên toan của Ji Yutong), Người Việt Nam (Acrylic trên toan của Rosihan Dahim); Đôi cánh thiên thần (Acrylic trên toan của Vũ Đình Tuấn), Gió tháng 7 (sơn dầu trên toan của Lê Huy Tiếp), Cổ tích loài người (nghệ thuật sắp đặt của Vũ Bạch Liên), Thời thiếu nữ (chất liệu tổng hợp của Hồ Đình Nam Kha)... Bên cạnh đó, các họa sĩ cùng nhau vẽ bức tranh về cuộc sống đô thị của Việt Nam có kích thước 160 × 240cm dành tặng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Họa sĩ Lampu Kansanoh, Thái Lan (phải) giới thiệu tác phẩm của mình tại triển lãm.
Họa sĩ Lampu Kansanoh, Thái Lan (phải) giới thiệu tác phẩm của mình tại triển lãm.

Trao đổi về sự kiện này, ông Ngô Quang Dương, Giám đốc Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng, tổ chức một chuỗi hoạt động gồm giao lưu, sáng tác và triển lãm là mô hình phổ biến mà khu vực và thế giới đang áp dụng.

Trong khu vực, tiêu biểu có thể kể đến Thái Lan, hằng năm họ có gần 100 hoạt động như vậy, không chỉ chính quyền mà có thể các trường học, cá nhân cũng  đứng ra tổ chức. Qua một số lần tham gia giao lưu, sáng tác, ông Dương nhận thấy rằng nên đưa hoạt động này về Việt Nam. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã làm một số đợt tương tự cách đây vài năm, nhưng phần lớn ở Hà Nội-nơi có hoạt động mỹ thuật sôi nổi nhất nước.

Tuy nhiên, để sự kiện này lan tỏa và thúc đẩy mỹ thuật cả nước, năm 2019, Cục quyết định chọn tổ chức tại Đà Nẵng. Bởi Đà Nẵng là một thành phố phát triển kinh tế, du lịch nhưng mỹ thuật chỉ mới ở bước khởi đầu. “Khi đưa sự kiện này về Đà Nẵng, chúng tôi mong muốn hoạt động này như viên gạch đầu tiên, tạo đà cho mỹ thuật Đà Nẵng cất cánh và trong tương lai, chính thành phố Đà Nẵng đứng ra tổ chức, có thể bằng hình thức xã hội hóa để trở thành trung tâm sự kiện mỹ thuật của cả nước”, ông Ngô Quang Dương chia sẻ.

Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố: Ấn tượng về sự chuyên nghiệp của các họa sĩ nước bạn

Là một trong 6 họa sĩ Việt Nam tham gia trại sáng tác, đối với tôi đó là cơ hội. Tôi học được nhiều điều từ những họa sĩ nước bạn, ấn tượng nhất là cung cách làm việc chuyên nghiệp của họ. Họ có thể sáng tác mọi lúc, mọi nơi và ý tưởng sáng tạo rất táo bạo.

Cùng với trại sáng tác này, thời gian qua, nhiều hoạt động sáng tác, triển lãm quy mô lớn diễn ra tại Đà Nẵng đã tạo cơ hội cho giới mỹ thuật thành phố giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi nhiều trường phái mỹ thuật khác nhau; hoạt động trưng bày, hiến tặng tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cũng làm phong phú bộ sưu tập của bảo tàng, nhiều hoạt động mỹ thuật lớn diễn ra tại đây sẽ tăng sức hút khách tham quan, tạo đà cho mỹ thuật Đà Nẵng phát triển trong tương lai.

Theo Ban tổ chức, sự kiện giao lưu sáng tác, triển lãm mỹ thuật quốc tế lần thứ nhất tại Đà Nẵng quy tụ 19 họa sĩ quốc tế đến từ 15 quốc gia của 5 châu lục, gồm: Úc, Trung Quốc, Pháp, Đức, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mauritius, Myanmar, Philippines, Nga, Singapore, Thái Lan, Mỹ và các họa sĩ Việt Nam. Họ đều là những họa sĩ có phong cách hội họa đặc trưng và cách làm việc chuyên nghiệp.

Các tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng từ ngày 1 đến ngày 7-8.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ
 

;
;
.
.
.
.
.