Hội sách mất dần sức hút...

.

Đến nay, tại Đà Nẵng, hội sách diễn ra ở hầu hết các quận, huyện như: Hội sách Hải Châu (từ năm 2015), Hội sách Sơn Trà (từ năm 2016), Thanh Khê, Liên Chiểu, Hòa Vang cũng triển khai từ năm 2018; chưa kể phiên chợ sách tổ chức hằng quý tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố. Tuy nhiên, các hội sách đang mất dần sứt hút đối với công chúng.

Hội sách là cơ hội để người dân tìm những quyển sách hay, giá tốt và trải nghiệm không khí văn hóa đọc. TRONG ẢNH: Hội sách Sơn Trà được tổ chức vào tháng 7-2019.
Hội sách là cơ hội để người dân tìm những quyển sách hay, giá tốt và trải nghiệm không khí văn hóa đọc. TRONG ẢNH: Hội sách Sơn Trà được tổ chức vào tháng 7-2019.

Gần đây nhất, Hội sách Sơn Trà 2019 tổ chức vào tháng 7 vừa qua chỉ thu hút được ba đơn vị trong lĩnh vực phát hành, xuất bản sách là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Công ty CP Phát hành Sách thành phố Hồ Chí Minh - FAHASA và Công ty CP Sách Huế C&C. So với những năm trước, gian hàng trưng bày của các đơn vị cũng thu hẹp, lượng sách khá ít.

Dạo một vòng hội sách và ra về chỉ với vài quyển sách trên tay, anh Nguyễn Minh (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) không mấy hài lòng: “Hội sách là cơ hội để sở hữu những cuốn sách yêu thích với mức giá ưu đãi. Nhưng lần này số lượng sách các đơn vị phát hành cung ứng khá hạn chế, ít đơn vị tham gia nên cũng không có nhiều lựa chọn. Tôi chỉ mua được một ít, chớ mấy hội sách trước phải trên 10 quyển”.

Tương tự, tại phiên chợ sách diễn ra hằng quý do Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố phối hợp Công ty CP Sách Huế C&C tổ chức không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Tháng 1-2018, Phiên chợ sách lần thứ nhất được tổ chức, người dân Đà Nẵng háo hứng khi thành phố lần đầu có phiên chợ sách với 20.000 tấn sách được tung ra với hình thức “bán sách theo ký”, nhiều người yêu sách kỳ vọng mua sách giá rẻ với đầy đủ đầu sách hay.

Tuy nhiên, để tìm kiếm được những quyển sách ưng ý, người mua không biết phải bắt đầu từ đâu bởi sách sắp xếp khá lộn xộn, không theo chủ đề, xen lẫn nhiều quyển quá cũ, rách... “Tôi đến phiên chợ sách lần đầu nhưng rồi không mấy ấn tượng. Những phiên tiếp theo lại đi vì tự an ủi biết đâu sẽ tìm được quyển ưng ý. Song, nhiều độc giả khác cũng như tôi chứng kiến lượng sách ngày càng ít đi và nội dung cũng nghèo nàn”, chị Lê Ngọc (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) nói.

Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Phạm Hồng Thái thừa nhận khó khăn trong việc kêu gọi các đơn vị tham gia phiên chợ sách dẫn đến chất lượng không bảo đảm. “Phiên chợ sách” chưa nói lên được ý nghĩa, mục tiêu ban đầu hướng đến là hình thành nơi buôn bán, trao đổi sách nên ông Phạm Hồng Thái cho biết, trong thời gian tới sẽ đổi tên thành “Ngày hội văn hóa đọc”. Khi đó, hoạt động mua bán, trao đổi sách vẫn tồn tại nhưng điểm nhấn hướng đến là chuỗi sự kiện liên quan đến văn hóa đọc như: hội thi kể chuyện theo sách, tọa đàm; giới thiệu tác giả, tác phẩm, giao lưu giữa các nhà văn hóa, khoa học, nhà văn, nhà thơ, tác giả với độc giả...

Cần hướng đến sự chuyên nghiệp

Ông Lê Ngọc Thạnh, Cửa hàng trưởng Fahasha Thanh Khê cho biết, tại Đà Nẵng, đến thời điểm hiện tại, chỉ có Hội sách Hải Châu duy trì được “phong độ” và sức hút đối với độc giả. Cũng không khó để lý giải bởi Hải Châu là quận trung tâm, trình độ dân trí cao nên sự quan tâm đến văn hóa đọc nhiều hơn. Chính lượng bạn đọc đông đảo đã kéo theo nhiều đơn vị kinh doanh tham gia.

Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Thạnh cũng lý giải việc gần đây các đơn vị không mặn mà tham gia các hội sách một phần do việc tổ chức quá dày đặc, dàn trải. “Điều này gây khó cho các đơn vị. Họ không có đầu sách mới giới thiệu thì khó thu hút bạn đọc, người mua ít, ảnh hưởng đến doanh thu trong khi chi phí tổ chức sự kiện tốn kém. Vì thế, chỉ có một số đơn vị có chiến lược dài hạn mới đồng hành với các hội sách. Riêng Fahasha cam kết sẽ tham gia tất cả hội sách với mục tiêu chung tay đưa văn hóa đọc đến với cộng đồng”, ông Lê Ngọc Thạnh chia sẻ.

Trong khi đó, ông Hà Huy Chiến, Giám đốc Công ty CP Sách Huế C&C, cho rằng đầu tư vào phiên chợ sách gặp nhiều khó khăn hơn ông dự tính trước đó. Nhưng ông Chiến cho rằng dù có “lỗ” vẫn kiên trì đồng hành. Quan điểm của ông là xây dựng phiên chợ sách trở thành điểm đến văn hóa của người dân. Phiên chợ sách không cần phải phụ thuộc vào các đơn vị phát hành, nhà xuất bản mà dựa vào chính nội lực của người dân. Ông Chiến kỳ vọng phiên chợ sách được tổ chức 1 tuần/lần; ở đó, sẽ đặt những cái bàn, cái sạp, thậm chí trải chiếu; người dân ai có sách thì mang ra bán, trao đổi, thậm chí các em học sinh cũng có thể tham gia để bán sách và mua sách theo nhu cầu... “Phiên chợ sách những lần vừa qua bạn đọc có thể chưa hài lòng và bản thân tôi cũng chưa hài lòng. Bởi tôi không muốn đó là những gian hàng sách vì như thế nó tương tự hội sách, không có gì đặc trưng. Nhưng dù là hội sách, phiên chợ sách, chúng ta cần tập trung làm, làm một cách chuyên nghiệp thì mới mong thu hút công chúng”, ông Chiến chia sẻ.

Một số ý kiến khác mà chúng tôi ghi nhận cũng cho rằng tại các hội sách, phiên chợ sách các hoạt động dù được các đơn vị tham gia phối hợp tổ chức nhưng nội dung đơn điệu, nặng tính hình thức. Trong khi đó, độc giả mong muốn tìm đến với hội sách như đến một địa chỉ văn hóa vì nếu chỉ đơn thuần để kinh doanh sách, thì độc giả có nhiều lựa chọn khác phù hợp hơn. Vì thế, cần tính chuyên nghiệp từ khâu trưng bày, giới thiệu sách, chất lượng sách đến hoạt động phụ trợ mới mong thu hút bạn đọc.

Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua, Công ty CP Ngôi Sao Biển Sài Gòn - Chi nhánh Đà Nẵng có văn bản gửi thành phố về việc đầu tư Công viên sách tại thành phố Đà Nẵng. Sở Thông tin và và Truyền thông được UBND thành phố giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan của thành phố và Công ty CP Ngôi Sao Biển Sài Gòn - Chi nhánh Đà Nẵng, tham mưu báo cáo UBND thành phố các vấn đề liên quan phương án đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành Công viên sách Đà Nẵng. Để có cơ sở tham mưu UBND thành phố, hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương liên quan của thành phố đối với việc xây dựng Công viên sách tại Đà Nẵng

Theo Sở Thông tin và và Truyền thông, Công viên sách ra đời là rất cần thiết, nhằm tạo không gian văn hóa mở, phục vụ cho các hoạt động văn hóa, tạo thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc và thúc đẩy hoạt động trên lĩnh vực xuất bản, phát hành sách tại thành phố.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.