Không gian để lưu giữ ký ức làng chài trong quá trình đô thị hóa là vấn đề được đặt ra bởi các làng chài được ví như “căn cước” để nhận dạng văn hóa biển có từ lâu đời của người Đà Nẵng.
Những hiện vật, tư liệu về làng chài Nam Thọ được NSƯT Đoàn Huy Giao sưu tầm trong nhiều năm. |
Nỗ lực khôi phục văn hóa biển
Những ai từng đến Bảo tàng Đồng Đình (tại bán đảo Sơn Trà) khó có thể quên không gian “Ký ức làng chài”. Ấn tượng với du khách không chỉ là các loại ngư cụ, vật dụng nghề biển của cha ông ngày trước mà sườn nhà, rường, cột... được làm từ những mảnh vỡ được vá lại từ xác 2 con thuyền gỗ 3 con thuyền nan và 5 cái thúng chai của làng chài Nam Thọ, bị tàn phá sau một cơn bão.
Chị Nguyễn Thị Kim (du khách đến từ Cần Thơ) chia sẻ, nếu không được “thổ địa” ở đây giới thiệu, gia đình chắc chắn không biết có một nơi thú vị như thế này. Chồng của chị Kim vốn là người làm phim tài liệu nên những hình ảnh này nhanh chóng lọt vào ống kính của anh.
Nhà thơ, đạo diễn, NSƯT Đoàn Huy Giao - chủ nhân của Bảo tàng Đồng Đình cho biết, Đà Nẵng từng tồn tại rất nhiều làng chài, nhưng ông chỉ chọn trưng bày riêng lẻ về làng chài Nam Thọ. Theo ông, từ hơn 600 năm trước, những cư dân đầu tiên từ ngoài Bắc vượt Ải Vân vào hạ quang gánh dựng làng lập ấp là chính tại Sơn Trà đầu biển cuối sông này. Họ vốn không chuyên nghề biển.
Vị tiền hiền ban đầu làm nghề nông ở khu Suối Đá, sau dần chuyển sang nghề biển, lập làng chài Nam Thọ. Những mẻ cá đầu tiên được đánh bắt bằng chiếc lưới tết từ vỏ cây rừng Sơn Trà. Rồi làm thúng, đóng thuyền. Vật liệu nhuộm lưới, trét ghe cũng từ rừng... Điều này cho thấy, làng chài Nam Thọ và những làng chài lân cận có sự gắn bó mật thiết, thân thiện với núi Sơn Trà và ông chỉ muốn lưu lại những hình ảnh đó như là minh chứng.
Ngoài Bảo tàng Đồng Đình, Bảo tàng Đà Nẵng cũng dành không gian trưng bày chủ đề “Đời sống ngư dân và cảng biển Đà Nẵng”. Tại đây có các hiện vật, hình ảnh tư liệu giới thiệu đời sống cư dân biển và lễ hội văn hóa biển Đà Nẵng; trong đó, nổi bật là mô hình chiếc ghe bầu - đặc trưng của xứ Quảng nói riêng và của cư dân biển miền Nam Trung Bộ nói chung, thịnh hành vào khoảng thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII; các phương tiện đánh bắt thô sơ gần bờ, các loại ngư cụ truyền thống chủ yếu do ngư dân tự làm ra và cải tiến trong quá trình sử dụng như ghe biển, thuyền thúng, lưới, câu, cào, vợt...; tái tạo lại không gian lễ hội Cầu Ngư tại lăng thờ Đức ngư ông ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà cùng một số trang phục và đồ dùng trong lễ hội.
Tại các nhà truyền thống, đình làng của quận Thanh Khê và Sơn Trà như nhà thờ tập linh nghề cá, còn được gọi là nhà thờ truyền thống nghề cá quận Thanh Khê; nhà truyền thống nghề cá làng An Hải Tây (quận Sơn Trà)... cũng trưng bày một số dụng cụ nghề cá của ngư dân qua nhiều thế hệ.
Cần không gian quy mô
Có thể nói, các không gian trưng bày về văn hóa biển Đà Nẵng thời gian qua đã đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, tham quan của người dân và du khách. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, các làng chài ở Đà Nẵng dần không còn nữa, nghề biển cũng dần thu hẹp thì việc hình thành không gian lưu giữ văn hóa biển, đặc biệt những làng chài xưa là điều cần nên làm. NSƯT Đoàn Huy Giao tâm sự, ông từng ấp ủ dự định lưu giữ ký ức các làng chài ở Đà Nẵng từ Nam Ô về đến An Hải Tây vì mỗi làng chài vẫn có nét đặc trưng riêng; ghi lại những dòng tộc khai phá làng chài... Nhưng bây giờ sức khỏe, kinh phí không cho phép ông thực hiện điều đó.
“Ngày nay, hàng loạt thuyền nhỏ, thuyền thúng... lần lượt bị xả bản để chuyển đổi phương tiện phù hợp hơn, vươn biển lớn; các làng chài cũng dần mất hết. Đó cũng là tất yếu. Nhưng đối với người Đà Nẵng, văn hóa biển cực kỳ quan trọng và làng chài được ví như “căn cước” để nhận dạng văn hóa biển có từ lâu đời nên cần thiết lưu giữ ký ức về làng chài cho thế hệ hôm nay và mai sau”, NSƯT Đoàn Huy Giao nói.
Là một người dành tình cảm đặc biệt với văn hóa biển, ông Nguyễn Văn Mỹ (nghệ danh Mỹ Dũng, hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam) đã từng đưa ra ý tưởng “Đưa nghệ thuật cộng đồng vào không gian sống - Bảo tồn làng biển xưa Đà Nẵng” khu vực 2 làng chài An Tân và An Đồn thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà. Ý tưởng này đã được UBND thành phố giao cho UBND quận Sơn Trà triển khai thành đề án vào năm 2016. Tuy nhiên, đến nay đề án vẫn chưa triển khai.
Trao đổi về điều này, ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, khi bắt tay vào thực hiện đề án mới thấy rất khó khả thi. Có nhiều nguyên nhân như: khu vực này ngày nay hầu như người dân không còn đi biển để giới thiệu nghề biển đặc trưng; những ngôi nhà tại khu vực này cũng không được xác định là nhà cổ được bảo tồn theo quy định nên khó yêu cầu người dân giữ nguyên hiện trạng; khu vực này nằm trong quy hoạch, giải tỏa của thành phố...
“Tại khu vực này, chúng tôi chú trọng bảo tồn những di tích cấp thành phố, cấp quận như lăng ông, miếu bà, cây đa, giếng nước cổ, lễ hội cầu ngư... Riêng về bảo tồn văn hóa biển, trong Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang, Mân Thái do Sở Du lịch xây dựng, chúng tôi cũng đã tham mưu, đề xuất lấy các lễ hội truyền thống Nghinh Ông - Cầu Ngư, Lăng Ông, Lăng Bà; hoạt động thể thao miền biển như lắc thúng chai, đan thúng, đan lưới; các ghe thuyền, thúng chai... làm nét văn hóa đặc trưng gắn với các loại hình dịch vụ ven biển phục vụ người dân và du khách”, ông Nguyễn Đắc Xứng cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng, đến nay Đà Nẵng vẫn chưa có không gian trưng bày, giới thiệu về nghề biển qua các thời kỳ có quy mô. Do đó, nếu nghiên cứu, đầu tư một cách bài bản thì sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng bày tỏ: “Tôi đã tìm hiểu 2 làng chài An Tân và An Đồn rất lâu, không thực hiện được cũng là điều đáng tiếc. Nhưng tôi vẫn mong Đà Nẵng có một không gian tái hiện đầy đủ về văn hóa làng biển trong thời gian tới”.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ