Nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) là những danh hiệu cao quý để phong tặng cho các cá nhân có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà. Đợt xét tặng danh hiệu này năm 2019 nhận được sự đồng tình của giới văn, nghệ sĩ bởi có nhiều trường hợp được đặc cách, giúp nhiều nghệ sĩ được vinh danh một cách xứng đáng.
Nếu không có điều chỉnh phù hợp, nhiều nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật nhưng vẫn không được tôn vinh. TRONG ẢNH: Trích đoạn tuồng do các diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn. |
Danh hiệu NSND, NSƯT được xét tặng 2 năm một lần dựa trên một số tiêu chí được quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29-9-2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.
Đối tượng được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND cần có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc thời gian hoạt động từ 15 năm trở lên, đã được phong tặng danh hiệu NSƯT từ 5 năm trở lên; có nhiều giải thưởng nghệ thuật là các huy chương vàng và bạc, trong đó có ít nhất 2 giải vàng quốc gia hoặc quốc tế, tính từ thời điểm sau khi được phong danh hiệu NSƯT.
Đối với danh hiệu NSƯT, để được xét tặng danh hiệu cần có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên; có nhiều giải thưởng nghệ thuật là các huy chương vàng và bạc, trong đó có ít nhất 2 giải vàng quốc gia hoặc quốc tế.
Tuy nhiên, trong đợt xét tặng danh hiệu này năm 2019 có nhiều trường hợp được đặc cách, giúp nhiều nghệ sĩ được vinh danh. NSƯT Tô Văn Kỳ (sinh năm 1964), diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chia sẻ, 20 tuổi ông đã đầu quân về Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, vừa làm vừa học nghề. Đến nay đã 35 năm nghệ sĩ Tô Văn Kỳ cống hiến cho nghệ thuật tuồng với các vai kép trắng, kép đỏ.
Tuy nhiên, thường thì ở các hội diễn, huy chương, giải vàng chủ yếu thuộc về các vai kép chính, đào chính bởi những nhân vật đó có nhiều đất diễn hơn. Vì thế, với tiêu chí “ít nhất 2 giải vàng quốc gia hoặc quốc tế” vô tình “đánh rớt” nhiều nghệ sĩ đã có cống hiến cho nghệ thuật.
“Năm nay, ngoài thâm niên cống hiến cho nghệ thuật, nghệ sĩ được cộng gộp 2 huy chương bạc được tính bằng 1 huy chương vàng, hoặc 2 giải bạc được tính bằng 1 giải vàng. Điều này rất hợp lý, không chỉ đem lại niềm vui cho những cá nhân được xét trao tặng danh hiệu, mà còn cho thấy sự công tâm, lắng nghe và cầu thị của cơ quan chủ quản trong chấp thuận hồ sơ và trình danh sách xét trao tặng”, NSƯT Tô Văn Kỳ nói.
Trong khi đó, NSƯT Hồ Đức Dũng (sinh năm 1956), đã rời làng quê Thanh Hóa năm 25 tuổi gia nhập Đoàn hát tuồng Khu ủy 5 hoạt động phục vụ bộ đội khắp các tỉnh khu 5 cũ và miền Nam đến hết chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau giải phóng, ông theo nghệ thuật tuồng đến khi nghỉ hưu gần đây.
Chuyên đảm trách những vai phản diện và được đánh giá cao, nhưng mãi đến năm 2019, nghệ sĩ Hồ Đức Dũng mới được phong tặng danh hiệu NSƯT. Nói về điều này, NSƯT Hồ Đức Dũng cho rằng, lâu nay, nhiều nghệ sĩ có thời gian cống hiến, đóng góp cho nghề gần hết nửa cuộc đời, nhưng vì không đoạt tiêu chuẩn huy chương, giải thưởng nên không được xét tặng. Bởi, không phải ai cũng để tâm đến những việc thi thố, đạt thành tích, mà nhiều nghệ sĩ chỉ chuyên tâm vào cống hiến cho khán giả bằng tất cả năng lực và tâm huyết của mình.
NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, thành viên Hội đồng nghệ thuật thành phố cho biết, trong đợt xét tặng danh hiệu năm nay, trong số các nghệ sĩ được xét trao tặng, truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT, có tới hơn một nửa là hồ sơ không đáp ứng được đủ tiêu chuẩn, quy định. Và lần đầu tiên, Chính phủ đã có một nghị quyết riêng đối với việc trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các cá nhân có nhiều cống hiến cho nền nghệ thuật Việt Nam nói chung và địa phương nói riêng, dù chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Theo ông Tuấn, các NSND, NSƯT của Đà Nẵng được phong tặng lần này là rất xứng đáng. “Tuy nhiên, tại Đà Nẵng, riêng trường hợp “bậc thầy” về nghệ thuật tuồng là thầy Hồ Hữu Có vẫn là điều khiến chúng tôi trăn trở nhất. Dù đã 3 lần làm hồ sơ nhưng đến nay chưa được.
Nếu xét ở góc độ nghệ nhân ưu tú thì thầy từng đứng lớp dạy học; nếu xét ở góc độ NSƯT, thầy lại chưa từng tham gia hội diễn, liên hoan... Chỉ có đặc cách thì mới mong những người thầy thầm lặng đóng góp cho nền nghệ thuật Việt Nam được tôn vinh.
Tôi được biết sắp tới có văn bản hướng dẫn về việc phong tặng, truy tặng những nghệ sĩ đóng góp cho nghệ thuật trước năm 1968. Tôi hy vọng văn bản này sẽ là mở nút thắt bấy lâu nay, để ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của các nghệ sĩ trọn vẹn, thấu đáo hơn nữa”, NSƯT Trần Ngọc Tuấn nói.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ