Khôi phục nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ tu

.

Đầu năm 2018, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ tu xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) được khôi phục để bảo tồn và phát triển. Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, trải qua nhiều khó khăn, thách thức, các sản phẩm dệt may đã dần chinh phục khách hàng.

Việc khôi phục nghề dệt thổ cẩm sẽ làm thay đổi cuộc sống của người phụ nữ Cơ tu ở Hòa Bắc.
Việc khôi phục nghề dệt thổ cẩm sẽ làm thay đổi cuộc sống của người phụ nữ Cơ tu ở Hòa Bắc.

Trăn trở của nữ bí thư giàu tâm huyết

Nội dung phát triển du lịch cộng đồng kết hợp văn hóa truyền thống dân tộc Cơ tu, trong đó có nghề dệt thổ cẩm đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hòa Bắc, nhiệm kỳ 2015-2020. Tuy nhiên, trong hai năm đầu của nhiệm kỳ vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. “Thấy đồng bào Cơ tu ở các địa phương khác lưu giữ, phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống rất tốt, ở Hòa Bắc đã dần mai một, nên tôi trăn trở lắm. Phải làm cái gì đó cho bà con, phải khơi dậy, phục hồi những gì đã mai một”, bà Lê Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc kể về việc khôi phục nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào Cơ tu của xã.

Từ những chủ trương và sự trăn trở của lãnh đạo xã Hòa Bắc, đầu năm 2018, Tổ dệt thổ cẩm xã được thành lập với 20 phụ nữ tham gia. Xã đưa các phụ nữ đi tham quan, học tập tại 2 tổ dệt ở huyện Đông Giang và Nam Giang (tỉnh Quảng Nam). Tại đây, các chị thấy từ người già đến trẻ nhỏ đều dệt thành thục, làm ra sản phẩm truyền thống dân tộc mình và sử dụng chúng, bán sản phẩm thu lợi, kinh tế cải thiện đáng kể. Bà Lê Thị Thu Hà cho biết, sau khi đi thực tế về, “đoàn công tác” đặt quyết tâm rất cao, lao vào học nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Chỉ trong thời gian ngắn, hầu hết phụ nữ đều thành thạo đường chỉ, làm chủ được khung dệt. Tháng 6-2019, Tổ dệt thổ cẩm tiếp tục cử 5 chị em đi học nghề may để tạo ra sản phẩm dệt may bán cho khách hàng. “Đến nay, có thể khẳng định, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ tu ở Hòa Bắc đã được khôi phục, tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu khách hàng gần xa. Đây là tiền đề để sắp tới các giá trị văn hóa truyền thống của người Cơ tu khác cũng sẽ được phục hồi”, bà Hà nói.

Giải quyết đầu ra

Ngày nào cũng vậy, bà Nguyễn Thị Nga (37 tuổi, ở thôn Giàn Bí) đều lên rừng đốn củi, rút mây, bóc vỏ cây keo để mưu sinh và coi đó là nguồn thu nhập chính. Thế rồi, khi bà Nga dự cuộc họp Chi hội phụ nữ thôn thì đã có hướng đi mới, những suy nghĩ mới khi được nghe bà Lê Thị Thu Hà (khi đó là Chủ tịch UBND xã) đưa ra ý tưởng khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ tu. Bà Nga bộc bạch, lúc đó, có chị em nào biết nghề dệt đâu nhưng thấy lãnh đạo xã tâm huyết, nhiệt tình với nhiệm vụ khôi phục nghề dệt truyền thống dân tộc nên bà và nhiều chị em đồng ý tham gia.

Có nghệ nhân về xã dạy nghề nên bà Nga cũng như những phụ nữ khác rất tích cực học tập. Bây giờ, bà Nga là một thợ dệt thổ cẩm rành nghề; đang tích cực hoàn thành đơn hàng 61 cặp học sinh bằng vải thổ cẩm do Trường THCS Nguyễn Tri Phương đặt mua. Bà cũng vừa hoàn thành 30 tấm rèm che phòng cho homestay của anh Đinh Văn Như mới khai trương đầu tháng 10-2019 vừa qua. Nhiều phụ nữ khác của thôn Giàn Bí cũng có những công việc mới từ dệt thổ cẩm, ổn định cuộc sống. Mới đây, tham gia Ngày hội “Khởi nghiệp - sáng tạo” năm 2019, diễn ra tại chân cầu Rồng, gian hàng dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ tu (xã Hòa Bắc) nhận được sự quan tâm, thích thú của nhiều du khách trong và ngoài nước. Có khách nước ngoài bỏ hàng triệu đồng để mua hàng dệt thổ cẩm này. Vậy là, sản phẩm dệt may của người Cơ tu xã Hòa Bắc, sau chặng đường thử thách đã thành công bước đầu ngoài mong đợi.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Trương Thanh Nhân cho biết, việc khôi phục nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào Cơ tu hướng đến phục vụ du lịch là cả một quá trình, không thể ngày một ngày hai thành công ngay được. Về sản phẩm dệt, trước mắt, nếu tổ viên nào khó bán, xã sẽ thu mua, hỗ trợ đầu ra, cũng như tích cực vận động mọi nguồn lực để chung tay hỗ trợ, quảng bá sản phẩm.

Bài và ảnh: MINH SƠN

 

;
;
.
.
.
.
.