Trung tâm Văn hóa: Cần hoạt động đúng công năng, mục đích sử dụng

.

Hiện nay, nhiều địa phương vẫn lúng túng trong việc triển khai, xây dựng nội dung, tổ chức hoạt động để các Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VHTT) phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Chưa kể, do nguồn kinh phí hoạt động hằng năm khá khiêm tốn nên một số Trung tâm VHTT tận dụng không gian cho thuê để có thêm nguồn thu, từ đó phát sinh các câu chuyện khác như cơ sở vật chất của nhà văn hóa nhanh xuống cấp hoặc ô nhiễm tiếng ồn tại khu dân cư (KDC)...

Một tiết mục hát múa được biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Sơn Trà vào đầu tháng 10-2019.
Một tiết mục hát múa được biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Sơn Trà vào đầu tháng 10-2019.

Tránh gây ồn tại nhà văn hóa

Ông N.V.P. (sống tại đường Bàu Hạc 6, quận Thanh Khê) cho biết, gần 1 năm nay, cứ khoảng 5 giờ 30 mỗi sáng, nhạc của những bài thể dục dưỡng sinh lại vang lên tại Trung tâm VHTT phường Vĩnh Trung. Khu vực này có nhiều người già, trẻ con nên giấc ngủ thường xuyên bị ảnh hưởng. “Tôi phản ánh vấn đề này nhưng không được chính quyền địa phương quan tâm, giải quyết”, ông P. nói.  

Được biết, năm 2017, UBND quận Thanh Khê đã đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng Trung tâm VHTT trên diện tích 800m2 với khu nhà hai tầng tại đường Bàu Hạc 6. Hiện nay, tầng 1 dùng làm nơi sinh hoạt của các đoàn thể, tổ chức hoạt động thể thao, văn nghệ; tầng 2 cho thuê theo chủ trương xã hội hóa để bù vào nguồn chi cho công tác vệ sinh, điện, nước và bảo vệ.

Ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trung cho hay, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm VHTT phường Vĩnh Trung thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia.

Hiện trên địa bàn phường duy trì CLB Võ thuật, CLB Dưỡng sinh của Hội Người cao tuổi. Đặc biệt, từ 5 giờ 30, Trung tâm tạo điều kiện cho CLB Dưỡng sinh tập thể dục trên nền nhạc. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, địa phương đã nhắc nhở CLB điều chỉnh âm thanh, tập lúc 5 giờ 45 để tránh gây ồn.

“Trong thời gian tổ chức các hoạt động tại Trung tâm VHTT phường sẽ ảnh hưởng phần nào đến sinh hoạt của bà con trong khu vực, UBND phường xin chia sẻ và mong bà con thông cảm vì phong trào chung của phường”, ông Trí cho hay.

Sử dụng nhà văn hóa vào các mục đích khác

Không chỉ tận dụng không gian cho thuê, một số địa phương vì cơ sở vật chất còn thiếu nên tạm sử dụng nhà văn hóa (NVH) vào các mục đích khác. Đơn cử, hiện nay trong thời gian chờ đợi xây dựng trụ sở mới cho lực lượng công an xã và lực lượng dân phòng cơ động, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Hòa Nhơn thống nhất sử dụng NVH xã thành nơi làm việc của lực lượng công an.

Ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn lý giải, xã đang trong quá trình thực hiện đề án về xây dựng công an chính quy nhưng do điều kiện cơ quan khá chật chội, không có phòng làm việc với đối tượng nên trong thời gian chờ xây dựng trụ sở mới, xã tạm thời sử dụng NVH để bảo đảm công việc cho lực lượng công an.

“Bên cạnh NVH xã, địa phương còn nhiều thiết chế văn hóa khác tại các thôn, trung tâm thể thao, khu dưỡng sinh... có thể bảo đảm các hoạt động văn hóa, thể thao tại địa bàn dân cư”, ông Phát nói.  

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có 7/8 quận, huyện (trừ huyện Hoàng Sa) đã được quy hoạch bố trí đất xây dựng Trung tâm VHTT bảo đảm về diện tích và các hạng mục theo quy định. Tuy vậy, theo ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VHTT, công tác đầu tư của Trung tâm VHTT tại các quận, huyện vẫn chưa hoàn thiện (quận Hải Châu đạt 90%; huyện Hòa Vang đạt 80%; các quận Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ đạt 70%; quận Sơn Trà đạt 60% và quận Liên Chiểu 50%).

Bên cạnh đó, đầu tư hiện chủ yếu tập trung vào hạng mục kiến trúc, trong khi trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn chỉ được đầu tư cơ bản, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng. Một số công trình được đầu tư xây dựng theo hình thức “chìa khóa trao tay”, không đáp ứng nhu cầu sử dụng và tổ chức hoạt động theo chức năng của Trung tâm VHTT.

Cũng theo ông Hà Vỹ, số người đang công tác tại các Trung tâm VHTT được đào tạo chuyên môn về ngành VHTT chỉ chiếm 28,5%; còn lại 71,5% được đào tạo các chuyên ngành khác nên có sự hạn chế trong triển khai các phần việc liên quan lĩnh vực VHTT. Ngoài ra, nhân lực ở các phường, xã đa số là kiêm nhiệm, lại thực hiện rất nhiều việc nên quỹ thời gian triển khai các hoạt động văn hóa rất hạn chế.

Mới đây, Sở VHTT khảo sát thực trạng, tình hình hoạt động và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở trên địa bàn thành phố.

Theo kết quả khảo sát, các hoạt động văn hóa của đa số Trung tâm VHTT chưa đáp ứng yêu cầu theo Thông tư 11/TT-BVHTTDL ngày 22-12-2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy định tiêu chí Trung tâm VHTT quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh do số buổi tuyên truyền chỉ đạt bình quân 20-30% và số buổi hoạt động văn hóa, văn nghệ chỉ đạt từ 50-70% so với quy định.

Bà Lê Thị Thu Trang, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VHTT cho biết, kinh phí hoạt động của các Trung tâm VHTT chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước; UBND các quận, huyện cân đối cấp theo kế hoạch hoạt động cơ bản của các đơn vị, không được phân bổ theo số dân như quy định.

Ngoài ra, kinh phí mua sắm trang thiết bị, dụng cụ không được cấp riêng mà vẫn phải dùng trong kinh phí sự nghiệp mua sắm nhỏ nên hoạt động của các Trung tâm VHTT quận, huyện gặp không ít khó khăn, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư còn yếu.

Theo bà Trang, trước những khó khăn trên, Sở VHTT vừa kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo trực tiếp các địa phương nhanh chóng thực hiện các giải pháp nhằm quản lý, bảo quản và khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có của các Trung tâm VHTT, chịu trách nhiệm về những mất mát, hư hỏng cơ sở vật chất, trang thiết bị do chủ quan, thiếu trách nhiệm; đồng thời bảo đảm kinh phí cho hoạt động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị; kinh phí duy trì bộ máy và các hoạt động nghiệp vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm VHTT các cấp.

Tại Đà Nẵng, mỗi phường, xã được phê duyệt quy hoạch từ 2-3 điểm thiết chế văn hóa, riêng một vài địa bàn do quỹ đất hẹp nên bố trí 1 điểm. Tổng số điểm quy hoạch là 138 điểm/56 phường, xã. Trong đó, 56 vị trí chưa được đầu tư, 16 vị trí đã được phê duyệt nhưng phải chuyển đổi vì vướng quy hoạch hoặc chưa đủ cơ sở về pháp lý.

Về số lượng thiết chế văn hóa, tính đến tháng 8-2019, toàn thành phố có 30 nhà văn hóa, 25 khu thể thao, 8 khu vui chơi giải trí và 5 công viên vườn dạo.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.