Nền tảng phát triển văn hóa Đà Nẵng

.

Thời gian qua, việc đầu tư đồng bộ các thiết chế văn hóa trọng điểm, thiết chế văn hóa cơ sở cũng như trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn thành phố đã tạo nền tảng cho phát triển văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, văn hóa tinh thần của người dân.

Ngoại khóa tại bảo tàng là hình thức giúp học sinh thêm yêu lịch sử. TRONG ẢNH: Giờ ngoại khóa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
Ngoại khóa tại bảo tàng là hình thức giúp học sinh thêm yêu lịch sử. TRONG ẢNH: Giờ ngoại khóa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Năm 2019, hoạt động tại các bảo tàng trên địa bàn thành phố diễn ra sôi nổi, phong phú. Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức hàng loạt triển lãm mỹ thuật trong nước và quốc tế (trung bình 2 triển lãm/tháng); Bảo tàng Đà Nẵng đã sưu tầm 74 hiện vật và ảnh tư liệu, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã cải tạo, chỉnh lý để trưng bày thêm kho mở, đưa vào sử dụng máy chiếu hình ảnh 3D, hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động...

Nhờ đó, các bảo tàng tiếp tục thực hiện tốt công tác phục vụ khách tham quan. Bảo tàng Điêu khắc Chăm có tổng lượt khách tham quan đạt 310.000 lượt (trong đó có 283.000 lượt khách quốc tế); Bảo tàng Đà Nẵng là 330.000 lượt (trong đó có 290.000 lượt khách quốc tế), tăng 38% so với cùng kỳ năm 2018; Bảo tàng Mỹ thuật đón 20.000 lượt (trong đó có 4.200 lượt khách quốc tế), tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018. Cũng trong năm 2019, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thực hiện chương trình nghệ thuật “Hồn Việt” biểu diễn phục vụ khách du lịch; rạp Lê Độ được đầu tư xây mới và bắt đầu khai thác thương mại...

Các dự án trùng tu, tôn tạo di tích được thực hiện bảo đảm tiến độ kế hoạch năm 2019 theo đề án được phê duyệt tại Quyết định số 2000/QĐ-UBND ngày 20-3-2013 của UBND thành phố về việc ban hành đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2015 và Quyết định số 4623/QĐ-UBND ngày 12-7-2018 của UBND thành phố về việc ban hành đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020. Theo đó, UBND thành phố đã bố trí số vốn 36,9 tỷ đồng để thực hiện trùng tu các di tích gồm: Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải; trùng tu, tôn tạo các đình Xuân Dương, Xuân Thiều, Nam Thọ, Phước Thuận, Quá Giáng, Thái Lai. Tính cả giai đoạn 2016-2019, đã có 29 di tích (cấp quốc gia và thành phố) được đầu tư với tổng kinh phí là 195,84 tỷ đồng.

Dự kiến trong năm 2020, ngành văn hóa sẽ tiếp tục triển khai trùng tu 10 di tích trong hệ thống đình làng, nhà thờ trên địa bàn thành phố gồm: đình Nại Hiên Đông; đình Phước Hưng; đình Phước Trường; đình Cẩm Toại; nhà thờ tộc Đinh; nhà thờ tiền hiền làng Nại Hiên; khu di tích Miếu Hàm Trung, miếu Trung Lập và Văn Thánh Xuân Thiều; miếu Cây Sung; nhà thờ tập linh nghề cá làng Thanh Khê; nhà thờ chư phái tộc Quá Giáng với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và đầu tư giai đoạn 2 của dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải; phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện trùng tu di tích Hải Vân Quan và thực hiện quy hoạch di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn; cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng thành Bảo tàng Đà Nẵng và rà soát các di tích xuống cấp chưa được trùng tu để tiếp tục tham mưu UBND thành phố bố trí kinh phí thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo Bảo tàng Đà Nẵng thực hiện lập “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Nhà cổ dân gian truyền thống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” để triển khai bảo vệ giai đoạn 2021-2025; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020; xây dựng hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO công nhận di sản Văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thế giới...

Ngành văn hóa tiếp tục rà soát và đẩy nhanh công tác đầu tư các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, nhất là thiết chế văn hóa - thể thao cấp cơ sở về quy mô, tổ chức quản lý và hoạt động, phát huy hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất của ngành đã được đầu tư.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao thành phố cho biết, năm 2020, hai công trình văn hóa tiêu biểu của thành phố sẽ được đầu tư gồm trùng tu, tôn tạo di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 2); công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng thành Bảo tàng Đà Nẵng với tổng kinh phí gần 508 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, thực hiện từ 2019- 2022. “Có thể nói, thời gian qua, thành phố đã quan tâm đầu tư đồng bộ các thiết chế văn hóa trọng điểm, thiết chế văn hóa cơ sở cũng như trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn thành phố đã tạo nền tảng cho phát triển văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh, văn hóa tinh thần của người dân. Tuy nhiên, một số đơn vị sự nghiệp của ngành như Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh thành phố chưa được bố trí địa điểm làm việc ổn định; kinh phí đầu tư, tôn tạo di tích chưa đáp ứng nhu cầu thực tế”, ông Huỳnh Văn Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Huỳnh Văn Hùng, để phát triển văn hóa Đà Nẵng toàn diện, trong năm 2020, Sở Văn hóa-Thể thao thành phố đã có những đề xuất, kiến nghị đến Bộ VH-TT&DL quan tâm xem xét đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án ưu tiên đã được phê duyệt trong Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Văn hóa, Gia đình, Thể thao và Du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 2054/QĐ-TTg ngày 13-11-2014 của Thủ tướng Chính phủ); cũng như tham mưu Chính phủ ban hành nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Đồng thời, đề xuất UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện quan tâm đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa phường, xã trên địa bàn thành phố theo quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa cơ sở được duyệt; ưu tiên quy hoạch đất cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao (Nhà hát lớn thành phố, Rạp chiếu phim, Trường quay...), tăng kinh phí cho các hoạt động sự nghiệp về văn hóa và thể thao, gia đình để đạt mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) là phải đặt ngang hàng văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội và phải thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.