Phà xưa

.

Như để xứng với chiếc xe cũ kỹ mà tôi vừa nhận, rong ruổi một vòng quanh phố, dừng lại cuối đường Phan Đình Phùng, nơi con dốc ngày xưa đổ về cái bến phà chở tuổi thần tiên tôi từng ngày đến lớp. Con đường với biết bao kỷ niệm, hơn hai mươi năm trôi qua, nhớ thật nhiều những chuyến phà ngày trước.

Giêng hai, những vệt nắng hanh hao vừa đủ để nhắc đất trời sắp vào mùa hạ. Ở đây không có lá vàng phủ xao xuyến xuống những con đường như Hà Nội, không có những khắc khoải tiếng rao đêm như gọi mời ký ức. Thành phố một triệu dân năm rồi đón hơn bảy triệu du khách. Những chiếc khẩu trang nhiều hơn nhưng không che hết những khao khát cho một mùa biển hẹn. Nhộn nhịp và sôi động.

Phà ngang sông Hàn.  Ảnh: ĐÌNH LẠC
Phà ngang sông Hàn. Ảnh: ĐÌNH LẠC

Người phương xa đến để thấy biển, thấy núi nơi này hào phóng và thân thiện đủ để tạo thành cung bậc ngạc nhiên. Người thành phố, không nói ra nhưng ai cũng cảm thấy vui lắm từng ngày. Hạnh phúc được là người làm chứng cho sự đổi thay chưa từng của thành phố. Nhìn những sầm uất dọc theo đường Bạch Đằng phía tây và Trần Hưng Đạo phía đông của con sông Hàn mới thấy sự phát triển nhanh chóng.

Tôi đã nghe những người xa quê sau vài năm trở lại, ngỡ ngàng trước những  đổi thay mà người thành phố nhiều khi không để ý. Trong sự sôi động đó, nhiều khi cắc cớ lại nhớ những hình ảnh một thời chưa xa. Nhiều người nói rằng, cái làm nên vẻ đẹp mà ít có thành phố nào có được, đó là dòng sông Hàn chảy bình yên giữa lòng thành phố. Các nhà quy hoạch và thiết kế sẽ tạo những điểm nhấn dọc hai bờ con sông ngọc ngà này.

Trong dòng người tấp nập hối hả trên những cây cầu, có ai còn nhớ những chuyến phà ngày trước? Ngày ấy, tôi học bên “quận ba”, mỗi ngày hai chuyến đi về qua phà. Tuổi học trò vừa qua phổ thông, nên dễ nhớ những hình ảnh với nhiều cung bậc và cả tâm trạng dồn lại trên mặt phà rộng chưa đầy 60m2 ấy. Cảm giác chủ đạo là những vội vã mỗi khi phà sắp rời bến. Những ngày đầu, qua phà là một ám ảnh. Chiếc phà mỏi mệt như dồn hết sức tàn cất lên tiếng còi lẻ loi mà chẳng mấy ai để ý. Trên phà đủ các “thành phần”. Công việc và lứa tuổi khác nhau, nhưng tất cả đều giống nhau về sự tất bật. Những gánh cá, hoa… vội vã cho kịp chợ sớm, những khắc khoải đợi chờ vàng theo ánh nắng chiều cuối hạ. Những quang gánh tao tác mưu sinh, những chiếc xe đạp lao nhanh như cho kịp điểm danh trên mỗi chuyến phà. H - bạn thân cùng lớp với tôi, có lẽ vì nhà xa nên nhiều hôm đạp xe như đua cho kịp chuyến.

Một lần, xe vừa chạm mạn thì phà chạy. Người “bay” theo kịp, nhưng chiếc xe đạp không qua hẳn. Cái bánh trước chốc xuống và mạn phà rít lên trèo trẹo kẹp cái bánh xe tội nghiệp ấy vào bờ kè bê-tông, xẹp lép. H. sững người, cả phà nhốn nháo. H. lo không phải vì nát cái bánh xe, mà lo hơn là mất buổi học. Trên phà, chỉ là nơi đứng tạm dăm phút, nhưng đủ những sắc màu để làm nên bức tranh thời buổi đò giang cách trở. Tuổi vừa lớn hay lâu dần thành ám ảnh, đó là tiếng hát của đôi vợ chồng mù trên những chuyến phà tận tụy ấy. Khi phà có khách, người chồng lãy phím, người vợ nắm lấy vai chồng cất lên những ai oán não nùng. Ngày nào cũng vậy, chiếc phà và cả tiếng hát của đôi vợ chồng mù nhẫn nại đưa tôi qua lại. Trên phà, thường tôi đứng một góc, bé L. chừng 10 tuổi, bị liệt, hai cái chân như hai đoạn thịt thừa lặt lè trên chiếc nạng gỗ, chẳng hiểu vì sao, L. thường lân la bên tôi hỏi chuyện. Tôi vẫn còn nhớ như in ánh mắt rạng ngời và nụ cười thần tiên của em ngày ấy. Bây giờ L. đã 30 tuổi rồi, thảng hoặc tôi chợt nhớ đến L., cô bé bán vé số ngày nào, không biết bây giờ em đang ở đâu...

Cũng có khi vì lý do nào đó phà tắt máy giữa dòng và cứ thế trôi tự do. Hình như quen với cảnh phà kẹp phà vào bến nên chẳng thấy ai lo lắng. Việc phà không chạy cũng không là chuyện hiếm. Những lúc như vậy, chiếc ghe mỏng manh với năm bảy chiếc xe đạp nằm ngang, khách ngồi trên hai mạn, người phụ nữ cứng tuổi oằn mình chèo trong sự im lặng của khách mà nghe xao động bao nỗi tảo tần. Sông Hàn rộng bao nhiêu tôi không biết, nhưng nhìn hình dáng người chèo ghe một mình trong sóng gió ấy, mới thấy bề rộng và chiều sâu của chén cơm manh áo...

Hai mươi năm trôi qua, biết bao đổi thay trên dòng sông này, từ chỗ chỉ một chiếc cầu già nua nay có thêm cả chục cây cầu kiêu hãnh đang vươn lên trong khát khao, trong từng dấu ấn vươn mình đi lên của thành phố. Đã có những chuyến tàu du lịch lộng lẫy đưa khách thưởng ngoạn trên con sông Hàn thơ mộng này. Nhưng sao hôm nay, tự nhiên tôi ước chi ai đó làm một mô hình của chiếc phà ngày xưa, neo đúng chỗ bến phà nơi ấy. Đó không chỉ là hoài niệm về những chuyến phà bền bỉ hàng mấy chục năm đưa bao nhiêu triệu con người qua lại, mà còn là sự bao dung bởi chẳng ai phải “lụy” sự kiên nhẫn đò giang. Phà ơi tôi nhớ cái bến, nhớ những hối hả, nhớ những ánh mắt không vui không buồn khi chậm chuyển sang sông. Cảm ơn dòng sông, cảm ơn bến phà, bởi chuyện đò giang ngày ấy cho tôi kỷ niệm như một hoài niệm để thấy sự vạm vỡ và tiện nghi tạo ra sự sầm uất hai bên bờ sông hôm nay.

Tháng Ba, 2020. 

TRẦN THU THỦY
 

;
;
.
.
.
.
.