Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

.

Thời gian qua, công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ từ việc tăng cường hiểu biết về các di tích lịch sử trên địa bàn được các ngành chức năng, địa phương, hội, đoàn thể nỗ lực với nhiều cách thức, hoạt động sáng tạo.

Cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu lịch sử trận kháng Pháp của quân và dân Đà Nẵng.   Ảnh: NGỌC HÀ
Cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu lịch sử trận kháng Pháp của quân và dân Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ

Những “địa chỉ đỏ” ở Đà Nẵng

Nói về những di tích lịch sử trên địa bàn thành phố, trước hết, phải kể đến những di tích minh chứng cho quá khứ hào hùng của nhân dân Đà Nẵng trong ngày đầu kháng Pháp như Thành Điện Hải, Nghĩa trủng Hòa Vang, Nghĩa trủng Phước Ninh.

Theo tài liệu lịch sử, rạng sáng ngày 1-9-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Suốt gần 19 tháng giao tranh ác liệt, đã có hàng ngàn nghĩa sĩ hy sinh anh dũng, góp phần quan trọng làm thất bại ý đồ nhanh chóng chiếm đóng Đà Nẵng của thực dân Pháp.

Trong điều kiện chiến tranh, việc quy tập, mai táng các nghĩa sĩ hy sinh lúc đó chỉ tạm thời. Khi Đà Nẵng được giải phóng, nhân dân đã lập các nghĩa trủng và quy tập hài cốt, xây đắp mộ cho những chiến sĩ vong trận tại đây. Theo đó, Nghĩa trủng Hòa Vang được hình thành vào năm 1866 tại làng Nghi An, thuộc tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang. Khi thực dân Pháp xây dựng sân bay Đà Nẵng (1925-1926), nhân dân phải dời Nghĩa trủng Hòa Vang về vườn Bá làng Khuê Trung. Năm 1962, sân bay Đà Nẵng tiếp tục mở rộng, Nghĩa trủng được chuyển về vị trí hiện nay (thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ).

Nghĩa trủng Phước Ninh từ năm 1988 trở về trước nằm giữa phường Nam Dương ngay trung tâm thành phố Đà Nẵng. Vào năm 1989, Di tích Nghĩa trủng Phước Ninh được giải tỏa một phần để xây dựng Nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương, phần các ngôi mộ được quy tập, chuyển dời lên Gò Cao, thuộc xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang; phần còn lại của di tích là các tấm bia và 2 ngôi mộ của hai vị tướng Phó Quản cơ họ Nguyễn, hiệu là Thượng Chất và ông Tiền bảo Nhị vệ Quản cơ Nguyễn Việt Thứ được để lại tu bổ, tôn tạo và tồn tại cho đến ngày nay.

Thành Điện Hải được xây dựng vào thời Gia Long thứ 12 (năm 1813) ở ven sông Hàn với tên gọi đồn Điện Hải. Đến đời vua Minh Mạng thứ 4 (năm 1823), đồn được di dời vào bên trong đất liền (nay thuộc địa phận phường Thạch Thang, quận Hải Châu), sau đó được đổi tên là Thành Điện Hải. Thành Điện Hải là đồn lũy quan trọng góp phần đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Đà Nẵng những năm 1858-1860, là nơi ghi dấu công lao của vị danh tướng Nguyễn Tri Phương.

Những di tích lịch sử như K20, Khu căn cứ Cách mạng Hồng Phước, Nhà tưởng niệm Mẹ Nhu và 7 dũng sĩ Thank Khê gắn liền với phong trào đấu tranh mạnh mẽ, bất khuất của nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Trách nhiệm của tuổi trẻ

Những năm qua, các ngành chức năng, địa phương nơi có các di tích này đã nỗ lực trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị. Điển hình công trình bảo tồn, tôn tạo Khu căn cứ cách mạng K20 sau khi được đầu tư gần 40 tỷ đồng (trong đó 50% vốn Trung ương, 50% vốn ngân sách địa phương) đã đi vào hoạt động từ năm 2016. Từ đó đến nay, di tích thu hút các đoàn tham quan là cựu chiến binh, học sinh, sinh viên, hội viên, đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, các đoàn hành hương về nguồn... đến học tập, nghiên cứu, trải nghiệm. Tính đến hết 2019, tại đây có 5.000 lượt khách tham quan.

Công trình thành Điện Hải được thành phố đầu tư trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2017-2019) với hơn 111 tỷ đồng để tiến hành giải phóng mặt bằng, di dời toàn bộ số hộ dân ra khỏi thành Điện Hải; tháo các kiến trúc không nguyên gốc, phục hồi kè, hào như nguyên trạng, xây dựng công viên, cây xanh, bãi đỗ xe, tạo không gian đệm cho di tích. Giai đoạn 2 (2019-2021), di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi thành Điện Hải và tiến hành tôn tạo, phục hồi các yếu tố gốc trong khu vực nội thành…

Cùng với trùng tu, tôn tạo, các di tích được các địa phương phát huy giá trị thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa. Cụ thể, hằng năm vào tháng 3 âm lịch, UBND phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ lại long trọng tổ chức Lễ tế nghĩa sĩ cùng với Hội làng Khuê Trung tại Khu di tích Nghĩa trủng Hòa Vang. Trong tiếng chiêng trống rền vang, các học sinh, đoàn viên, thanh niên thắp ngọn nến tưởng nhớ anh linh nghĩa sĩ. Những ngày lễ lớn như Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7, Quốc khánh 2-9, Ngày Giải phóng thành phố 29-3, Ngày Đà Nẵng kháng Pháp…, các trường học trên địa bàn quận Hải Châu đến tham quan, dọn dẹp vệ sinh khuôn viên di tích; UBND quận Hải Châu tổ chức thuyết trình về các nhân vật lịch sử, các địa danh, di tích lịch sử tiêu biểu như danh tướng Nguyễn Tri Phương, Nghĩa trủng Phước Ninh, Thành Điện Hải...

Trong khi đó, chương trình ngoại khóa tại bảo tàng được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức từ năm 2014 đến nay đã thu hút gần 13.500 lượt học sinh tham dự. Ngoài “Giờ học ngoại khóa tại bảo tàng” và “Em yêu lịch sử”, từ năm học 2019-2020, Bảo tàng Đà Nẵng xây dựng và phát triển chương trình “Ngược dòng ký ức” gồm 3 hoạt động chính: tham quan, giải mật thư, trò chơi vận động; qua đó, học sinh sẽ tham gia, trải nghiệm các tình huống, trả lời các câu hỏi về những kiến thức lịch sử - văn hóa theo đúng tiêu chí “học mà chơi, chơi mà học”. Ngoài ra, các cuộc thi “Hành trình cùng lịch sử”, chương trình “Nghe hiện vật kể”… được tổ chức sôi nổi tại Bảo tàng Đà Nẵng góp phần bồi đắp những hiểu biết lịch sử, văn hóa, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ.

Trong khi đó, theo Bí thư Quận Đoàn Cẩm Lệ Nguyễn Thị Vinh, thời gian qua, Quận Đoàn tổ chức các chuyến đi về nguồn bằng nhiều hình thức giúp các đoàn viên, thanh niên hiểu rõ về giá trị các di tích trên địa bàn quận như Nghĩa trủng Hòa Vang, Nhà thờ Ông Ích Khiêm, Mộ và Miếu thờ nhà yêu nước Ông Ích Đường… “Các hoạt động hướng về cội nguồn, báo công dâng hương, hội trại… được tổ chức ở những địa điểm di tích lịch sử không chỉ giúp tuổi trẻ hiểu biết lịch sử, tự hào biết ơn thế hệ đi trước mà còn là trách nhiệm của tuổi trẻ trong lưu giữ, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam; phát huy giá trị điểm đến di tích và từ đó tự soi lại mình, sống tốt, sống có ích hơn”, Bí thư Quận Đoàn Cẩm Lệ Nguyễn Thị Vinh nói.

Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao, đến nay, trên địa bàn thành phố có 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia, 55 di tích cấp thành phố.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.