Đà thành, vài mảnh ký ức…

.

1. Bạn từ nước ngoài về, ngày nào cũng nhờ người quen đánh xe đưa một vòng quanh Đà Nẵng để thỏa nỗi nhớ thành phố sau gần chục năm bôn ba xứ người. Lịch trình bạn đặt ra tựa hồ như một du khách lần đầu đặt chân tới thành phố, nào là đi ăn bánh mì Ông Tý “toàn chả, không rau”, ăn bánh tráng thịt heo mắm nêm, lang thang đường Bạch Đằng, lên Sơn Trà ngắm bình minh, tắm biển Mỹ Khê…

 

Bạn nói, chục năm ngửi mùi phô mai, hamburger rồi quăng mình trong vòng quay nơi xứ người, bạn chỉ nhớ quay quắt tiếng miếng bánh tráng tương giòn rôm rốp bên bờ biển, nhớ cảm giác đạp xe vòng vèo qua những ngả đường trung tâm hay được đứng “trả giá với một cô bán hàng ở chợ Cồn. “Ở bên ấy chỉ có vô siêu thị, lắm lúc lại thèm được “nói thách”, bạn kể.

Bạn háo hức cũng đúng, phần vì tâm trạng của kẻ xa quê lâu năm, phần vì Đà Nẵng trong mắt bạn đã và đang thay đổi quá nhanh, từ đường sá, nhà cửa, xe cộ cho tới cái hàng ăn vặt nho nhỏ ven đường. Theo chân bạn vòng vèo một hồi, mới thấy chính mình cũng đang nhớ, nhớ cái gọi là phố cũ trong lòng phố mới, nhớ không phải để hoài cổ hay luyến tiếc, mà là nhớ để thấy vui và tự hào vì thành phố đang chuyển mình mới mẻ.

 

2. Trường THPT Phan Châu Trinh được nhiều thế hệ học trò thân thương gọi tắt là Phan. Thế hệ chúng tôi vào trường năm 2008, ra trường năm 2011. Áng chừng gần đủ một thập niên. Đó là thời điểm may mắn, bởi còn được nhìn cơ sở cũ của Phan tại góc ngã tư đường Lê Lợi - Lê Duẩn. Cổng trường xây kiểu cũ, sân trường có tượng nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, có mấy cây bàng, cây phượng to cao phủ bóng. Phòng học thì y kiểu “trường xưa, lớp cũ” với tường vàng, cửa sổ xanh, ngói đỏ nâu phủ thêm lớp rêu xanh ám màu thời gian.

Những hình ảnh đó giờ chỉ là ký ức. Ký ức bay theo nụ cười hiền hậu của ông già râu bạc bán bánh mì trước cổng trường năm nào, theo ánh mắt nhẹ nhàng của thầy hiệu trưởng Lê Phú Kỳ trong buổi khai giảng. Giờ ông già râu bạc đã thành người thiên cổ, thầy Kỳ cũng đã rời xa chúng tôi về cõi vĩnh hằng. Mái trường đã được xây mới, học trò mới và những giáo viên cũng mới… 

 

Em gái tôi cũng học Phan, năm nay 17 tuổi, cũng ôm ấp nhiều hoài bão, mộng mơ hệt như thế hệ chúng tôi năm nào. Trên Facebook, những cô cậu học trò lập ra fanpage “Lạc ở PCT” làm nơi chia sẻ, giao lưu của các khối lớp. Các em, cũng như chúng tôi, đi đâu cũng tự hào mình là dân của Phan, tự hào vì trường được thành phố và các đơn vị liên quan chú trọng đầu tư, xây dựng bề thế, hiện đại.

3. Có một con đường đã “chở” chúng tôi đi suốt những năm tháng thơ bé, cho tới khi trưởng thành và đi làm. Đường tên Trần Phú, nơi có rạp Lê Độ - rạp chiếu phim quốc doanh cuối cùng của Đà Nẵng còn sót lại, rạp được ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố gọi là “của tin còn một chút này”. Trong ký ức của những người Đà Nẵng, đường Trần Phú đẹp, hiền hòa, tĩnh lặng như một góc an yên nào đó giữa lòng Đà thành.

 

Chúng tôi từng có những buổi chiều thong dong đạp xe dọc con đường, hứng lá bay bay từ những hàng cây lâu năm, ngẩn ngơ nhìn theo tà áo dài nào đó phất phơ buổi tan trường hay lang thang qua Thư viện Khoa học tổng hợp. Nguyễn Phương Thảo, sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ: “Ký ức của tôi là những buổi sáng cuối tuần được mẹ dẫn đi chợ Hàn, là những buổi trưa ôm sách lên thư viện để học bài và… ngủ, là buổi chiều tấp nập người xe. Trần Phú, với tôi là con đường đẹp và có gì đó khác lạ nhất so với những con đường khác ở Đà Nẵng, có lẽ vì nó vừa có sự sôi động, vừa có sự yên bình”.

Đó là người trẻ, còn với nhiều người già, ký ức ở Trần Phú là những ngày chưa có cầu Sông Hàn. Ông Lê Bân (83 tuổi, nhà ở đường Lê Đình Dương) hồi tưởng lại những ngày đạp xe ngang dọc Trần Phú, vòng ra bờ sông Hàn rồi nhìn những chuyến phà dọc ngang, nghe những thanh âm náo nhiệt từ những gánh hàng của dân “quận ba” gánh từ phà về chợ Hàn hay thưởng thức ly cà phê cóc đen đen thơm thơm của một hàng nước nép bên hông chợ.

 

Sau những năm tháng chuyển mình và đổi mới của thành phố, đường Trần Phú nay có diện mạo khang trang với một chiều đi xuyên suốt từ Đống Đa, 3 Tháng 2 về Nguyễn Văn Linh, dẫn lên cầu Rồng. Ông Bân kể, thỉnh thoảng ông vẫn nhắc lại hình ảnh con đường Độc Lập (tên cũ của đường Trần Phú) năm nào cho con cháu, nhắc không chỉ để hoài niệm mà để thế hệ sau hình dung những năm tháng cũ kỹ, để thấy thành phố đã phát triển đến nhường nào.

4. Bạn về nước lúc Covid-19 đang ảnh hưởng tới ngành du lịch. Đà Nẵng những ngày này vì vậy thưa vắng lượng khách quốc tế. Đi trên những con đường ít khách, bạn nói sao giống Đà Nẵng những năm sau đổi mới quá. Nhưng đó không phải là lời chê trách hay cảm thán buồn bã. Với chia sẻ của người làm du lịch, bạn bảo đó là dịp để thành phố nhìn lại, xây dựng và phát triển những giá trị sẵn có để đứng lên trong “tâm bão” Covid-19. Trước lúc lên máy bay, bạn gửi cho chúng tôi bản tin du lịch của một tờ báo, trong đó có thông tin Đà Nẵng đứng 7/25 điểm đến thịnh hành trên thế giới năm 2020, kèm nụ cười tự hào. Ký ức của bạn về Đà Nẵng nay lại có thêm một mảng màu đẹp và vui.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.