Có một Đà Nẵng kiên cường qua tranh vẽ

.

Khi Covid-19 tái bùng phát ở Đà Nẵng, nhiều người trẻ đã sáng tác những bức tranh giàu cảm xúc. Họ không đơn thuần vẽ một bức hình đẹp mà vẽ để khích lệ những người ở tuyến đầu đang bảo vệ thành phố, vẽ để làm dịu bớt lo lắng và vẽ để người dân mọi miền đất nước yên tâm rằng, Đà Nẵng đang chống dịch rất tốt.

Bức tranh Giấc ngủ vội của Lê Thanh Tài
Bức tranh Giấc ngủ vội của Lê Thanh Tài

Mượn hình ảnh gửi lời cảm ơn

Hình ảnh y, bác sĩ ngày đêm mặc đồ bảo hộ, chạy đua với cuộc chiến chống Covid-19 đã khiến Vũ Phan Minh Trang (SN 1989, quản lý lớp vẽ Mặt trời bé con, phường Thanh Bình, quận Hải Châu) xúc động. Điều này thôi thúc Trang phải làm điều gì đó cổ vũ tinh thần những người đang vì sức khỏe cộng đồng mà không màng hiểm nguy của bản thân. Bao nhiêu yêu và thương dành cho các “thiên thần áo trắng” cũng như nơi chôn nhau cắt rốn được Trang dồn hết vào từng đường nét, họa tiết đầy trau chuốt, tỉ mỉ. Bức tranh của cô khắc họa hình ảnh y, bác sĩ trong đồ bảo hộ như người mẹ hiền đang ôm ấp, che chở và bảo vệ Đà Nẵng. Trong vòng tay dịu dàng ấy, những biểu tượng của thành phố như cầu Rồng, vòng quay mặt trời Sun Wheel, Trung tâm Hành chính thành phố, cầu Sông Hàn… bình yên đến lạ.

“Thông qua bức tranh, tôi muốn gửi gắm lòng biết ơn đến những “người hùng” trong cuộc chiến chống Covid-19. Tôi tin rằng, đội ngũ y, bác sĩ cùng như nền y học Việt Nam sẽ đẩy lùi dịch bệnh”, Trang tâm sự. Với Trang, mảnh đất nơi cô sinh ra và lớn lên luôn xinh đẹp và đáng sống. Tình yêu dành cho quê hương lớn lao đến nỗi Trang từ bỏ nhiều hứa hẹn tốt đẹp tại Thành phố Hồ Chí Minh để trở về phố biển sinh sống và làm việc, sau khi tốt nghiệp đại học. Người con của Đà Nẵng cho rằng, sự đánh đổi này rất xứng đáng và cô chưa từng hối hận.

Cũng như Trang, nhiều bạn trẻ khác cũng mượn hình ảnh thay lời nói để chia sẻ cảm nhận của mình. Tranh của Đinh Nhung (SN 1997, sinh viên Trường Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng) lấy cảm hứng từ bức ảnh y, bác sĩ trong khu cách ly giúp nhau cắt đi mái tóc dài để thuận lợi cho công tác chống dịch cường độ cao, áp lực lớn. Tranh của Nguyễn Minh Anh (sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) là hình ảnh cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế ngả lưng trên ghế đá hay nền nhà sau quãng thời gian làm việc căng thẳng. Lam Thạch (SN 1999, sinh viên Trường Đại học Duy Tân) khắc họa hình ảnh y, bác sĩ trong đồ bảo hộ như một “chiến binh” mạnh mẽ đang đương đầu với virus SARS-CoV-2.

Tôn vinh vẻ đẹp hy sinh

Những người trẻ ấy, có người sinh ra và lớn lên nơi phố biển, cũng có người từ địa phương khác đến rồi yêu và gắn bó với Đà Nẵng. Đơn cử như Lê Thanh Tài (sinh năm 1995, quê Quảng Trị, là Co-founder Công ty TNHH MTV Gon Design Studio, hiện trú tại 8 Tiên Sơn 8, Hòa Cường Nam, Hải Châu, Đà Nẵng). “Tôi cuốn hút trước vẻ đẹp thiên nhiên và những công trình kiến trúc khi lần đầu tiên đặt chân đến Đà Nẵng. Ngay lúc đó, tôi đã quyết định đây sẽ là nơi tôi viết tiếp những dự định tương lai của bản thân”, Tài hào hứng.

 Bức của Đinh Nhung lấy cảm hứng từ bức ảnh y, bác sĩ trong khu cách ly giúp nhau cắt đi mái tóc dài.
Bức tranh của Đinh Nhung lấy cảm hứng từ bức ảnh y, bác sĩ trong khu cách ly giúp nhau cắt đi mái tóc dài.

Thế là, chàng trai trẻ khăn gói trở lại Đà Nẵng vừa làm thêm, vừa ôn thi đại học. Anh chia sẻ, bảy năm gắn bó với thành phố, mảnh đất và con người nơi đây luôn mang lại những cảm xúc đặc biệt và níu giữ anh ở lại thay vì khám phá những vùng đất khác. Đà Nẵng trong anh bao giờ cũng ấm áp, như cái cách mà người chủ đầu tiên hào phóng tặng chiếc xe đạp mới khi hay chuyện cậu học trò nhỏ làm mất xe ngay ngày đầu đi làm. “Đến bây giờ, Đà Nẵng là quê nhà, nơi tôi luôn cảm thấy tràn đầy yêu thương”, Tài xúc động.

Cũng chính tình yêu ấy, Tài đã vẽ gần 20 bức tranh về thành phố. Riêng đợt dịch Covid-19, anh sáng tác 5 tác phẩm cổ vũ tinh thần người dân và đội ngũ chống dịch của Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung. Hưởng ứng thông điệp “đừng hủy vé, hãy dời vé” khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng, Tài cho ra đời bức tranh Du lịch Đà Nẵng với mong muốn du khách thông cảm, cổ vũ thành phố và trở lại vào dịp gần nhất. Từ Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội, bức tranh Stay Home mang màu sắc vui tươi, trẻ trung gửi gắm thông điệp tận hưởng cuộc sống ở nhà theo cách tích cực, lạc quan cùng gia đình. Ba bức tranh còn lại, Tài dành tặng những “thiên thần áo trắng”.

Cả ba tác phẩm đều lấy cảm hứng từ những hình ảnh thật: Nữ y tá tự động viên mình nơi hành lang, giấc ngủ vội của một nữ y tá, chiếc giường tạm từ giấy carton của đội ngũ y, bác sĩ. “Họ là những chiến binh quả cảm trong trận chiến chống dịch, phải hy sinh hạnh phúc gia đình để cứu chữa bệnh nhân khiến tôi vô cùng xúc động và cảm phục. Tôi mong muốn những nét vẽ của mình sẽ tôn vinh vẻ đẹp của sự hy sinh cao cả và lan tỏa thông điệp yêu thương, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh”, Tài bày tỏ.

Có thể nói, những bức tranh với nhiều thông điệp ý nghĩa đã góp phần không nhỏ trong cuộc chiến chống dịch bệnh khi lan tỏa yêu thương và kết nối sức mạnh cộng đồng. Như họa sĩ Vinh Vương (Trưởng nhóm bộ sách về miền Trung với 3 chủ đề: Thực (về ẩm thực), Kiến (về kiến trúc) và Tích (về tích cổ), hiện đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh), người khởi xướng phong trào vẽ tranh theo chủ đề Đà Nẵng kiên cường (gắn hashtag trên mạng xã hội facebook) chia sẻ: “Chúng ta không vẽ một bức hình đẹp. Chúng ta vẽ để khích lệ những người ở tuyến đầu đang bảo vệ chúng ta. Chúng ta vẽ để làm dịu bớt lo lắng của những người dân còn đang bồn chồn. Chúng ta vẽ để những người lo lắng cho chúng ta từ bên ngoài yên tâm rằng bên trong Đà Nẵng vẫn đang chống dịch rất tốt”.

KHA MIÊN

;
;
.
.
.
.
.