Bảo đảm vật tư, thiết bị, chủ động, kiên quyết các phương án phòng, chống Covid-19

.

Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Covid-19 vào ngày 7-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bảo đảm đủ thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch, phải quyết tâm, đoàn kết, trách nhiệm hơn nữa với các biện pháp mạnh mẽ, đặc biệt ở những địa bàn trọng điểm như Đà Nẵng.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm tại phường An Hải Đông,  quận Sơn Trà. (Ảnh chụp ngày 3-8)Ảnh: XUÂN SƠN
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm tại phường An Hải Đông, quận Sơn Trà. (Ảnh chụp ngày 3-8)Ảnh: XUÂN SƠN

Kiên quyết, chủ động phòng, chống dịch

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dịch bệnh đang lây lan nhanh ở mức cao, bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia, khu vực. Cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam đã bắt đầu sang thời kỳ cao điểm, lãnh đạo Chính phủ hoan nghênh Bộ Y tế, các địa phương đã hỗ trợ tích cực cho các trung tâm dịch, đặc biệt là Đà Nẵng, Quảng Nam thời gian qua với tinh thần trách nhiệm, tình đồng chí, nghĩa đồng bào.

Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất cao, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao hơn, với biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết hơn, nhất là trong hai tuần tới. “Các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tiễn để có những giải pháp cụ thể trong tổ chức thực hiện. Cần quán triệt tinh thần tập trung cao độ, phản ứng nhanh và hiệu quả, huy động tổng lực, phối kết hợp tốt, nhuần nhuyễn các lực lượng chống dịch, quyết tâm kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu các cơ sở y tế phải có biện pháp phòng, chống Covid-19, không được chủ quan để bùng phát dịch từ các bệnh viện. Bộ Y tế có trách nhiệm điều phối, hỗ trợ kịp thời cả phương tiện, năng lực xét nghiệm, vật tư, nhân lực, chuyên môn cho các địa phương; phải bảo đảm đủ thiết bị, vật tư y tế cho các địa phương có dịch, không để thiếu sinh phẩm, vật tư y tế; không lấy lý do vì cơ chế mà để chậm các nhiệm vụ quan trọng trong phòng, chống dịch. “Bên cạnh đó cần liên tục truyền thông để cộng đồng hiểu hơn về sự nguy hiểm của chủng virus mới và nâng cao ý thức dự phòng, luôn cảnh giác trước dịch bệnh”, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một chiến lược phòng, chống dịch hiệu quả và bền vững phải dựa trên cơ sở duy trì sự liên tục của các hoạt động kinh tế. Hoạt động kinh tế nhưng phải chú ý phòng dịch chặt chẽ. Không thể dừng các hoạt động kinh tế nhưng không phải vì kinh tế mà ảnh hưởng tới phòng, chống dịch bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân, đặc biệt là Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa, Quảng Ninh và nhiều tỉnh khác, xem xét tính toán nguồn dự trữ cung ứng lương thực thực phẩm đề phòng tình huống dịch kéo dài hơn dự kiến. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu ngành Giáo dục của tất cả các địa phương rà soát, hoàn chỉnh các biện pháp cụ thể, phù hợp, bảo đảm an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT, lưu ý chủ động các biện pháp phòng dịch. Đặc biệt, xử lý nghiêm nhóm đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả, nhất là thiết bị, vật tư, khẩu trang y tế…

Nhận định tình hình dịch bệnh giai đoạn 2 tại Việt Nam, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đợt dịch lần này có tốc độ lây lan nhanh. Đến nay Đà Nẵng ghi nhận 19 nhân viên y tế, 77 bệnh nhân, 90 người nhà, người chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ngoài ra, có 18 trường hợp lây nhiễm thứ phát từ những trường hợp mắc trong bệnh viện ra cộng đồng… Theo Bộ Y tế, bắt đầu từ ngày 3-8, Đà Nẵng đã tăng cường việc xét nghiệm tại cộng đồng nên số trường hợp mắc sẽ tiếp tục gia tăng với khoảng 30-40 trường hợp mắc/ngày và dự kiến đến khoảng sau 15-8 (qua 14 ngày thực hiện giãn cách xã hội), số trường hợp mắc mới bắt đầu có xu hướng giảm.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố nhấn mạnh, phương châm của Đà Nẵng trong phòng, chống Covid-19 giai đoạn này là truy vết - cách ly - xét nghiệm - dập dịch. Ngay sau khi xác định nguồn lây từ Bệnh viện Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đã lập tức gửi thông tin các trường hợp liên quan đến bệnh viện này về các địa phương. “Đến thời điểm hiện tại Đà Nẵng đã lấy hơn 35.000 mẫu xét nghiệm, trong đó hơn 30.000 mẫu đã có kết quả. Đây cũng là lý do vì sao số ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại Đà Nẵng tăng lên nhiều hơn trong những ngày qua, bởi năng lực xét nghiệm đã được huy động, nâng cao thấy rõ. Đà Nẵng hiện có 5 cơ sở đủ điều kiện xét nghiệm, kết hợp với phương pháp xét nghiệm gộp theo nhóm, số lượng mẫu được phân tích, xử lý trong thời gian tới có thể lên tới 20.000 mẫu/ngày”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết.

Ngoài việc gấp rút xây dựng các bệnh viện dã chiến, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố cũng đã thành lập hội đồng mua sắm nhanh để hỗ trợ tư vấn, tham gia công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế để đáp ứng nhu cầu cách ly, điều trị hiện nay. Đà Nẵng cũng kiến nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 và Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ nhân lực, thiết bị, vật tư một cách kịp thời cho địa phương. Bởi hiện nay, nguồn nhân lực y tế tại chỗ đang thiếu hụt do khối lượng công việc quá nhiều, một số trong đó đang cách ly vì liên quan đến Covid-19.

Tiếp tục truy vết các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng

Song song với quá trình làm sạch bên trong Bệnh viện Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các kế hoạch điều tra dịch tễ, truy vết những trường hợp đã đến khám chữa bệnh, thăm nuôi tại đây. Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố, đến thời điểm này ngành y tế đã xác định được 17.000 người tiếp xúc có nguy cơ, trong đó gần 9.000 người là F1 đang được cách ly, theo dõi.

Người dân được xét nghiệm theo phương pháp xét nghiệm RealTime-PCR để phát hiện kịp thời các ca mắc Covid-19. (Ảnh chụp tại phưòng An Hải Đông, quận Sơn Trà ngày 3-8) Ảnh: XUÂN SƠN
Người dân được xét nghiệm theo phương pháp xét nghiệm RealTime-PCR để phát hiện kịp thời các ca mắc Covid-19. (Ảnh chụp tại phưòng An Hải Đông, quận Sơn Trà ngày 3-8). Ảnh: XUÂN SƠN

Để kịp thời khoanh vùng, phong tỏa, cách ly dứt điểm trong phạm vi hẹp, không để bùng phát lây lan trên diện rộng, Sở Y tế yêu cầu các Trung tâm Y tế quận, huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng căn cứ theo danh sách bệnh nhân đã điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng xuất viện từ ngày 15-7 đến trước thời điểm cách ly để tổ chức điều tra và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho các bệnh nhân theo địa bàn quản lý. “Số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng khiến ngành y tế phải tìm mọi cách đẩy nhanh tốc độ, số lượng xét nghiệm, trong đó tập trung hướng đến nhóm các bệnh nhân, người nhà, người thăm nuôi từng đến Bệnh viện Đà Nẵng. Đây cũng là một trong những biện pháp được Bộ Y tế nghiên cứu, quyết định áp dụng cho Đà Nẵng, sau thời gian hỗ trợ địa phương tham gia chống dịch... Hiện nay việc lấy mẫu xét nghiệm đang được đẩy nhanh, ngành y tế đã bổ sung thêm 300 kỹ thuật viên”, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến cho biết.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng, việc truy vết, điều tra dịch tễ đối với các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng đang được gấp rút triển khai. “Chúng tôi đã gửi danh sách đến các Trung tâm Y tế quận, huyện để rà soát. Ngành y tế khuyến cáo, những người nào đã đến Bệnh viện Đà Nẵng từ ngày 1-7 thì liên hệ cơ sở y tế để cung cấp thông tin và lấy mẫu xét nghiệm để bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Hiện các Trung tâm Y tế quận, huyện đang gấp rút triển khai nhiệm vụ điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Phú Điềm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, công việc này rất khó khăn, mất thời gian, trong khi nhân lực y tế thì có hạn, cùng lúc làm quá nhiều nhiệm vụ. “Thông tin bệnh nhân, người thân được cung cấp không ghi cụ thể nên việc rà soát, xác minh mất nhiều thời gian. Hiện chúng tôi đang đề xuất cấp trên thay đổi một số biện pháp để việc truy vết có hiệu quả hơn, đáp ứng điều kiện cấp thiết như hiện nay, trong đó nhấn mạnh việc thông tin, truyền thông rộng rãi để người dân tự chủ động; ngoài ra phát huy vai trò của Tổ Công tác Covid-19 tại cộng đồng trong việc thực hiện nhiệm vụ này”, bác sĩ Điềm cho biết.

Nhằm tập trung triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ Công tác Covid-19 trong cộng đồng dân cư, trong đó tăng cường năng lực điều tra dịch tễ, truy vết, ngày 7-8, UBND thành phố đã có công văn yêu cầu UBND các quận huyện khẩn trương rà soát, kiện toàn hoặc thành lập ngay (đối với các địa phương, khu vực chưa thành lập Tổ công tác) các Tổ Công tác tại cộng đồng ở tất cả các khu dân cư trên địa bàn. Mỗi tổ gồm 2-3 người và huy động cán bộ tổ dân phố, các đoàn thể xã hội, tình nguyện viên tại khu dân cư, phân công cụ thể cho mỗi tổ phụ trách từ 30-50 hộ gia đình.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, đây là biện pháp cần thiết, cấp bách, không chỉ để tuyên truyền, giám sát các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ mà còn hỗ trợ kịp thời các biện pháp điều tra dịch tễ, truy vết trong cộng đồng. “Hằng ngày các Tổ Công tác Covid-19 trong cộng đồng sẽ thực hiện nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” nhằm tuyên truyền, nhắc nhở từng hộ gia đình về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng; thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của chính quyền thành phố và các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, lực lượng này có nhiệm vụ, vai trò giám sát, phát hiện và báo cáo ngay tất cả các trường hợp nghi mắc Covid-19, các trường hợp có một trong các triệu chứng sốt, ho, đau họng, đau ngực, khó thở, ốm mệt ở từng hộ gia đình để thông báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan y tế kịp thời tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm theo đúng quy định”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

PHAN CHUNG

 

;
;
Tin liên quan
.
.
.
.
.