Đôi khi người ta ăn không hẳn vì đói mà chỉ vì một nỗi nhớ quê cồn cào trong tâm khảm…
Một xe bán khoai lang nướng tại góc ngã ba tuyến đường Điện Biên Phủ - Hải Phòng.Ảnh: N.H |
1. Miền Trung đang mùa mưa, trời trở lạnh. Những chiếc xe máy co ro chạy qua những cây cầu bắc qua sông Hàn rồi ùa vào các ngõ ngách trong thành phố. Trong dòng người vội vã ấy, chiều nay bỗng sững lại một giây trước các ngã ba, ngã tư không phải vì đèn đỏ mà vì mùi khoai lang nướng từ chiếc xe đẩy ven đường.
Chẳng hiểu hàng khoai lang nướng đầu tiên xuất phát từ đâu, lúc nào trong thành phố. Chỉ biết mấy năm nay, vào những chiều đông rét lạnh, những xe đẩy bán khoai lang nướng yên vị ở các giao lộ đông người qua lại, hồn nhiên phả vào không gian phố phường chút hương vị quê nhà.
Thực ra khoai lang nướng chỉ là món ăn vặt thường ngày ở quê không được liệt vào những món ngon dân dã nhưng lại là món gây thương nhớ nhất. Cái ngon không nằm trong món ăn, mà nằm trong hoài niệm về một quá khứ trong trẻo hồn nhiên nay đã trở thành quá vãng. Đó là lúc chăn trâu ngoài đồng, trời lạnh như cắt da cắt thịt. Trẻ mục đồng thường vơ củi khô đốt lửa sưởi ấm rồi tranh thủ vùi thêm vài củ khoai lang hoặc sắn vào đống lửa đang cháy đỏ. Vừa sưởi ấm đôi tay vừa có cái xoa dịu cái bụng đói meo vì lạnh. Cũng có khi mấy đứa con gái ngồi nấu cơm, tiếc bếp lửa chưa tàn nên nướng thêm mấy củ khoai để tối rủ mấy đứa bạn trong xóm qua chơi ăn cho ấm bụng.
Nghĩ cũng lạ. Người thành phố ăn khoai lang nướng, một món ăn vặt quê mùa mà cứ háo hức như thưởng thức món ngon vật lạ. Kẻ chưa bao giờ ăn thì thử xem cho biết mùi vị ra sao. Người đã từng ăn rồi thì ăn để tìm trong ký ức những kỷ niệm ấu thơ mang bóng dáng quê nhà. Chính vì vậy, hàng khoai nướng vào những chiều đông ở phố tha hồ đắt khách. Những người bán khoai nướng chung quanh khu vực Công viên 29 Tháng 3 và khu vực siêu thị Bài Thơ (cũ) cho biết, mỗi đêm bán được hơn chục ký khoai. Khách đến ăn tại chỗ cũng có mà mang về cũng không ít.
Khoai lang sống mua ở chợ giá tròm trèm 15.000 đồng một ký, nhưng một khi trở thành món khoai nướng đượm chất quê nhà sẽ có giá gấp 3, 4 lần. Nếu ai so đo tính toán thì mua khoai về nhà tự nướng hẵng xem. E rằng, với không gian chật hẹp của những ngôi nhà ống ở phố thì chưa thấy mùi khoai nướng lãng đãng bay lên đã thấy khói than mù mịt tỏa cày xè đôi con mắt.
Không gian thuần Việt được tái hiện ở Bếp Hên, đường Lê Hồng Phong. Ảnh: N.H |
2. Bây giờ muốn tìm về hương vị quê nhà, dường như chúng ta phải trả tiền nhiều hơn. Chẳng phải những lễ hội các món ăn Việt Nam được tổ chức ở các khách sạn, các khu du lịch sang trọng đã sử dụng rất nhiều lá chuối, mẹt tre, ống tre, nồi đất… để đựng thức ăn đó sao? Còn ngày thường, hầu như ở các quán ăn lớn nhỏ khắp thành phố, thậm chí cả đến vùng nông thôn như huyện Hòa Vang, cũng khó mà tìm được.
Người ta nói bây giờ là thời đại của nhựa tổng hợp, quả thật không hề sai. Những vật liệu thiên nhiên dùng để gói, nắm, đựng thức ăn hàng ngày như lá chuối, lá vả, mo cau, mẹt tre… dần dần tuyệt tích. Thức ăn bây giờ hầu như được đựng trong bao nilon, hộp xốp - những loại bao bì không chỉ làm giảm đi hương vị của món ăn mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nếu sử dụng bừa bãi và không đúng cách.
Đôi khi thèm một gói xôi đúng hương vị quê ở giữa thời hiện đại thật là khó. Đó phải là một gói xôi được gói bằng lá chuối mới hái tươi ngòn ngọt, chan chát nhựa cây. Xôi nóng vừa xới ra từ nồi ủ hãy còn bốc khói sẽ làm cho phiến lá chuối chín dần. Mùi thơm của lá chuối quyện với mùi thơm của nếp thành một thứ hương đồng gió nội tự nhiên không dễ gì quên được.
Mười năm trước, ở Đà Nẵng vẫn còn đâu đó những bà hàng xôi bắp, xôi đậu… gói bằng lá chuối. Khi bà cụ bán xôi nóng ở trước nhà sách Phương Nam trên đường Phan Châu Trinh nghỉ bán thì nhiều người dân Đà Nẵng đã tiếc nuối như vừa đánh mất một thứ gì quý giá, bởi mỗi lần cầm gói xôi trên tay là như thấy hồn vía quê nhà về giữa phố thị.
Không chỉ vấn vương vì một miếng lá chuối gói xôi mà nhiều người thuộc thế hệ 8X trở về trước còn thương nhớ khôn nguôi chiếc “chèo” tre dùng để ăn bành bèo. Đó là một thứ dao nhỏ vót bằng tre có hình dáng giống mái chèo. Người Quảng trước đây không dùng muỗng (thìa) để ăn bánh bèo chén như bây giờ mà dùng chiếc chèo tre vót nhọn một đầu. Mỗi lần ăn, cầm chén bánh trên tay ngắm nghía cái xoáy tròn đổ đầy những tôm thịt, rồi nhẹ nhàng đưa chiếc dao tre cắt bánh theo đường chéo hình hoa thị. Xong lại đưa lưỡi chèo lượn một vòng tròn sát cạnh chén để bánh lóc hoàn toàn. Cuối cùng là xóc bánh đưa vào miệng…
Thời gian trôi qua, món bánh bèo vẫn như xưa nhưng mái “chèo” nhỏ ngày nào đã không còn nữa. Thay vào đó là chiếc muỗng inox sáng loáng vô hồn.
3. Không phải bỗng dưng mà người thành phố lại luôn mơ về một căn nhà lá trong sân vườn mênh mang cây trái chín. Ở đó những cái chum, cái vại sắp hàng trước hiên nhà đựng nước mưa trong vắt mát lạnh. Cái giếng cuối vườn sóng sánh tiếng chim gù gù gọi bạn tình về làm tổ trên cây khế chín vàng ươm. Bởi phố phường chật hẹp với những ngồi nhà ống kín bưng, xe cộ đông mườm nượp, hơn bao giờ hết, người thành thị thấy thèm không gian quê tĩnh lặng để neo đậu cõi lòng sau những bôn ba mệt nhoài.
Bắt kịp nhu cầu tinh thần này, nhiều quán ăn, nhà hàng mở ra với một không gian đậm chất thuần nông. Ngay những cái tên quán Bếp Hên, Bếp Nhà ta, Cơm niêu Làng Chuồn, Giỏ cua đồng… cũng dung dị như một phần kỷ niệm hiện hữu trong ký ức của những đứa con xa nhà. Không gian các quán tuy không lớn lắm nhưng cũng đủ chất chứa cả thế giới đồ vật gợi nhớ. Từ những bộ bàn gỗ, tràng kỷ, chạn đựng thức ăn đến cái ly, cái chén… đều đượm màu thời gian. Khách đến ăn cơm có thể đắm mình trong những thân tình cũ bên mâm cơm với những món ăn quen thuộc từ con rô, con giếc ở sông quê.
Chủ quán Bếp Hên trên đường Lê Hồng Phong, Đà Nẵng, là chàng trai thế hệ 8X Hải Duy, vốn là dân xây dựng dân dụng nhưng mang niềm yêu say đắm món ăn Việt. Anh đã “thai nghén” một dự án Ẩm thực Việt kiểu gia đình truyền thống từ những năm còn rất trẻ. Có lần anh chủ quán nói vui rằng: “Bếp Hên không bán cơm mà chỉ bán kỷ niệm…”. Vì vậy có thể nói, ở đây là thế giới gợi nhớ kỷ niệm về gia đình và quê hương của mỗi người.
Để tái hiện lại một không gian Bếp Hên ấm áp, gần gũi như gia đình, Hải Duy tự tay trang trí, bày biện mọi thứ sao cho khách tới ăn cơm như trở về nhà. Thực khách đến quán của Hải Duy cảm thấy mọi thứ đều rất quen thuộc và bình yên khi ngồi vào chiếc bàn gỗ tróc sơn cũ kỹ, ngó ra cửa sổ thấy giàn mướp trổ hoa vàng.
Ông Nguyễn Văn Tâm, người đã rời quê nhà Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, ra Đà Nẵng lập nghiệp gần 40 năm khi đến ăn cơm tại nhà Bếp Hên, trải lòng: “Bưng chén cơm cá đồng kho khế mà rưng rưng nhớ vị phù sa sông Thu Bồn”. Thế mới biết, đôi khi người ta ăn không hẳn vì đói mà chỉ vì một nỗi nhớ quê cồn cào trong tâm khảm…
NHƯ HẠNH