78 tác phẩm được trao Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2020

.

Tối 17-1, tại Hà Nội, Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2020, vinh danh các nhạc sỹ, nghệ sỹ và công diễn một số tác phẩm đoạt Giải thưởng Âm nhạc năm 2020. Chương trình có sự tham dự của các đại biểu, các nhạc sỹ và đông đảo công chúng yêu nhạc.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát biểu khai mạc buổi lễ. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát biểu khai mạc buổi lễ. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

 Theo Ban tổ chức, năm 2020, Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã nhận được 205 tác phẩm của 205 tác giả, là hội viên từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước gửi tác phẩm tham dự Giải thưởng Âm nhạc ở các thể loại: Thanh nhạc, Khí nhạc, các công trình Lý luận phê bình và Báo chí âm nhạc, các chương trình biểu diễn âm nhạc. Trong đó có 162 tác phẩm thanh nhạc (gồm ca khúc và ca khúc thiếu nhi, hợp xướng và ca cảnh). 13 tác phẩm khí nhạc gồm (độc tấu, hòa tấu, giao hưởng thơ...), 18 công trình lý luận, gồm sách nghiên cứu, sách chuyên khảo, các bài báo viết về âm nhạc.

Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn và trao giải thưởng cho 78 công trình, tác phẩm có chất lượng xuất sắc ở các thể loại.

Cụ thể, ở hạng mục Ca khúc, Ban tổ chức trao 41 giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc. Trong đó có 3 giải A thuộc về các tác phẩm: “Tiếng khèn” của tác giả Vũ Duy Cương (thơ Hoàng Chiến Thắng), “Ơn thầy” của Đức Tân, “Nơi ấy tình yêu bắt đầu” của Phạm Anh Thông (thơ Nguyễn Hồng Sơn). Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trao 16 giải B và 22 giải C cho các ca khúc có chất lượng.

Hạng mục Ca khúc thiếu nhi, Ban tổ chức đã trao 2 giải A, gồm tác phẩm “Đêm trăng nhớ Cuội” của tác giả Phạm Quang Trung và “Biển hát lời mẹ Âu Cơ” của tác giả Văn Thành Nho. Ban tổ chức cũng trao 3 giải B và 5 giải C cho các tác giả, tác phẩm.

Hạng mục Giao hưởng có 1 giải A được trao cho tác phẩm giao hưởng thơ “Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản” của tác giả Nguyễn Ngọc Tú và 1 giải C. Hạng mục Hòa tấu - Thính phòng không có giải A, Ban tổ chức trao một giải B cho tác phẩm “Tứ tấu dây” của tác giả Mai Ngọc Hùng và 3 giải C cho các tác phẩm có chất lượng. Hạng mục Hợp xướng chỉ có 2 giải C.  

Ở mảng lý luận, hạng mục sách nghiên cứu không có giải A, Ban tổ chức trao 5 giải B và 1 giải Khuyến khích cho các công trình có chất lượng. Hạng mục tác phẩm Báo chí có 2 giải A thuộc về 10 bài báo nghiên cứu âm nhạc dân gian của tác giả Trần Thế Truyền và 10 bài báo về âm nhạc năm 2019, 2020 của tác giả Phan Thuận Thảo. Ban tổ chức cũng trao 2 giải B, 3 giải C và 1 giải Khuyến khích cho các tác phẩm báo chí chất lượng khác.

Tiết mục “Cùng hát cho đời vui”. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
Tiết mục “Cùng hát cho đời vui”. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Hạng mục Chương trình biểu diễn xuất sắc trong năm thuộc về 5 chương trình: Đêm nhạc Chu Minh “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam”, đêm nhạc Doãn Nho “Tiến bước dưới quân kỳ”, đêm nhạc Phó Đức Phương “Khúc hát phiêu ly”, liveshow Xuân Bình “Tôi người Hải Phòng”, chương trình “Cần Thơ hướng về miền Trung”.

Đánh giá về chất lượng Giải thưởng Âm nhạc năm 2020, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho biết, ở thể loại Khí nhạc, nhiều tác giả đã đi sâu vào đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, đề tài về tình yêu quê hương đất nước con người, đã biết khai thác tính dân tộc, kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và âm nhạc phương Tây. Có một số tác phẩm có tìm tòi sáng tạo trong cấu trúc và ngôn ngữ thể hiện, đã có tác phẩm giao hưởng thơ được viết khá chắc về bút pháp và được dàn nhạc quốc tế trình bày nên khá hấp dẫn... Tuy nhiên, vẫn còn có những tác phẩm quá đơn giản, cấu trúc không rõ ràng, chưa thể hiện dấu ấn cá nhân, tính chuyên nghiệp chưa cao, một số tác phẩm giữa âm thanh và tổng phổ chưa khớp nhau.

Về Thanh nhạc, số lượng ca khúc dự thi năm 2020 nhiều hơn năm ngoái. Tuy nhiên chưa có ca khúc nào mang tính bứt phá trong thủ pháp, đề tài, ngôn ngữ âm nhạc. Phần nhiều đều nghe quen thuộc, bút pháp theo lối cũ, nhiều bài còn giống nhau kể cả về giai điệu lẫn nội dung. Tuy nhiên, Hội đồng giám khảo đã chọn ra được một số ca khúc nổi trội hơn, phát hiện một số đề tài mang tính thời sự như ca ngợi tình hữu nghị quốc tế, biết ơn thầy cô, phòng chống dịch Covid-19...

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân cũng lưu ý các nhạc sỹ viết thanh nhạc dễ nhầm lẫn với những thể loại như hợp xướng, ca khúc nghệ thuật, với hợp ca và ca khúc có bè.

Ở mảng Ca khúc thiếu nhi, so với năm 2019, các sáng tác cho thiếu nhi năm 2020 có chất lượng tốt hơn cả về nội dung lẫn hình thức trình bày, đã có những ca khúc hay, phù hợp với lứa tuổi hồn nhiên trong sáng của các em.  

Tiết mục “Tứ tấu dây” của nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
Tiết mục “Tứ tấu dây” của nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Đối với các công trình về lý luận phê bình, các tác phẩm dự thi chủ yếu gồm 2 thể loại: Công trình nghiên cứu và tập hợp các bài báo. Theo đánh giá của Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, phần lớn các tác phẩm dự thi năm 2020 đều có chất lượng tốt, thể hiện trình độ và trách nhiệm của người cầm bút.

Hội đồng biểu dương các tác giả đã bỏ ra nhiều công sức để đóng góp trong lĩnh vực lý luận phê bình âm nhạc, vốn là một lĩnh vực khó và ít tác giả tham gia, biểu dương các tác giả đã có bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, theo Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, trong số các công trình lý luận phê bình, nhiều tác phẩm vẫn còn tồn tại một số vấn đề về tính khoa học, quan điểm đánh giá còn mang tính chủ quan, chưa đảm bảo tính chính xác và khách quan, chưa theo kịp với đời sống âm nhạc vốn sinh động và đa chiều.

Tại Lễ trao giải, Ban tổ chức đã công diễn một số tác phẩm đoạt Giải thưởng Âm nhạc năm 2020.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.
Bảng xsmb 30 ngày mới nhất