Gần một tháng nay, những thành viên CLB Bài chòi Nại Hiên Đông tích cực luyện tập kịch bản dân ca “Hồn biển” do Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông Cao Văn Minh chắp bút. Đây là kịch bản dân ca - bài chòi do chính ngư dân biểu diễn tại Lễ hội cầu ngư phường Nại Hiên Đông, diễn ra vào trung tuần tháng 3 âm lịch.
Hai ngư dân Cao Văn Minh (trái) và Nguyễn Thực đang tích cực luyện tập kịch bản “Hồn biển” phục vụ Lễ hội cầu ngư ở phường Nại Hiên Đông tổ chức trong năm 2021. Ảnh: TIỂU YẾN |
Ngồi ở hội trường UBND phường Nại Hiên Đông giữa cái lạnh ngày cuối năm, ông Cao Văn Minh chăm chú dò từng dòng kịch bản dân ca “Hồn biển” theo tiếng đàn, tiếng hát của các thành viên CLB Bài chòi Nại Hiên Đông. Thỉnh thoảng ông nhắm nghiền mắt, tay gõ nhịp mặt bàn cảm nhận sức sống của ca từ qua giọng ngân lúc trầm, lúc bổng, lúc nhanh, lúc chậm của các nghệ nhân phường nhà. Là người am hiểu văn hóa làng biển nhưng với ông Minh, đây là lần đầu tiên ông dành hết tâm huyết viết một kịch bản về biển để biểu diễn trong 2 đêm lễ hội với nhiều phân đoạn, ngữ cảnh khác nhau.
Ngồi bên ông Minh, nghệ nhân dân gian bài chòi Nguyễn Thực, thành viên CLB Bài chòi Nại Hiên Đông nhiệt tình hướng dẫn các thành viên còn lại ở những phân đoạn khó. Ông Thực kể, bản thân vốn là ngư dân nên rất cảm động khi cầm kịch bản “Hồn biển” trên tay. Kịch bản gồm 3 phần, 13 cảnh, đầy đủ các nhân vật truyền trưởng, cán bộ thủy sản, chủ tàu, người đi biển và cả sự xuất hiện của cán bộ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm hàng hải khu vực II, hay vị thần Nam Hải... Theo ông Thực, điều ông cảm kích là kịch bản này rất gần gũi, dung dị bởi câu từ, đúng với tâm tư, nguyện vọng người đi biển. Trong đó có những phân đoạn mang sắc thái nghề nghiệp như “Vầng dương rực ánh ban mai/Mành đèn lưới rút miệt mài xa khơi” hay “Mênh mông sóng vỗ điệp trùng/Câu dàn mành nổi rê chuồn khơi xa/Ngư dân coi biển là nhà”. Ngoài ra, có nhiều phân đoạn kể về nỗi khổ của nghề đi biển mà chỉ ngư dân mới hiểu thấu: “Chẳng qua đánh bạc giữa trời/Mùa màng thất bát vốn lời đi luôn/Cha con, chồng vợ u buồn/Chủ tàu mang nợ, nghề buôn vẫn lời/Nực cười nhiều kẻ ở đời/Nghề gì không chọn, chọn nghề biển khơi”... “Những hình ảnh, câu từ quen thuộc với ngư dân nên tôi mới đọc qua đã thuộc và có thể ngân nga theo giai điệu dân ca, bài chòi. Đây là lần đầu tiên CLB Bài chòi Nại Hiên Đông tập vở kịch 2 đêm diễn nên chúng tôi sẽ cố gắng hết sức vì thành công của lễ hội năm nay”, ông Thực nói.
Sử dụng dàn diễn viên “cây nhà lá vườn” nhưng ông Cao Văn Minh khá yên tâm bởi tin rằng, giọng ca khỏe khoắn kết hợp kinh nghiệm đi biển sẽ giúp ngư dân địa phương chuyển tải đầy đủ nội dung kịch bản mà ông dày công chắp bút. Ông Minh chia sẻ ông viết kịch bản “Hồn biển” khi đã hiểu đúng, hiểu đủ về văn hóa làng biển và nghề đánh bắt xa bờ. Trong đó, phần cao trào được đẩy lên khi xây dựng hình ảnh con tàu ĐNa 0311 có 10 thành viên chết máy giữa cơn bão dữ: “Sóng to gió lớn điên cuồng/Sấm giăng chớp giật mưa buồn thê lương/Giữa lòng sâu thẳm đại dương/Mênh mông biển nước biết đâu là bờ”. Và khi mọi liên lạc dường như không thể thực hiện được thì ngư dân trên bờ, dưới biển chắp tay cầu khẩn thần Nam Hải cứu nguy...
Có thể nói, việc sân khấu hóa hành trình đi biển bao biến cố cho thấy, với ngư dân, biển luôn khó lường, khi yên ấm bội thu, khi đối mặt với bao hiểm nguy rình rập. Dù vậy, họ vẫn không bỏ biển bởi tin rằng ở hiền gặp lành; yêu biển, bảo vệ ngư trường biển sẽ được thần biển bao bọc và cho tôm cá đầy thuyền. Ông Cao Văn Minh chia sẻ ý tưởng viết kịch bản dựa theo từ “biển giả”. Theo ông, với người đi biển thì thật - giả, may - rủi luôn song hành, ví như có người cả đời đi biển tưởng thành công, an hưởng tuổi già nhưng chỉ cần một trận cuồng phong nhấn chìm con tàu là cuốn đi mọi thứ, chưa kể có người phải mất mạng khơi xa. Do đó, “Hồn biển” vừa kể câu chuyện đi biển được thần linh phù hộ, vừa khuyên ngư dân khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản để muôn đời ấm no.
Được biết từ tháng 5-2020, UBND phường Nại Hiên Đông hoàn thành việc xây dựng đề án tổ chức Lễ hội cầu ngư phường Nại Hiên Đông tại Lăng Ông cửa khẩu sông Hàn năm 2021. Chủ tịch UBND phường Cao Đình Hải cho biết, đến nay toàn phường có 398 tàu cá với tổng công suất 184.385CV. Trong đó có 257 tàu khai thác đánh bắt xa bờ và 141 tàu khai thác vùng lộng, hằng năm mang về cho ngư dân 8.300 tấn hải sản các loại, trị giá hơn 320 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho 4.000 lao động trong và ngoài địa phương. Chính vì thế, lễ hội cầu ngư hằng năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với người dân địa phương.
Ông Cao Đình Hải thông tin Lễ hội cầu ngư phường Nại Hiên Đông năm 2021 sẽ diễn ra với nhiều hoạt động như Lễ thỉnh sắc thần Nam Hải để cầu mùa, cầu ngư, cầu an, Lễ đưa Long chu tàu thế (là nghi thức trả lễ cho người âm để mong âm thịnh, dương thái) và các hội thi đua thuyền truyền thống, lắc thúng, đan lưới, kéo co, đẩy gậy, đá bóng, thi đan lưới, làm gỏi cá, hội hát bài chòi, dân ca, bả trạo... “Ngoài tri ân công đức thần Nam Hải, lễ hội cũng là dịp địa phương tăng cường công tác quản lý, phát huy giá trị di tích văn hóa tâm linh, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong lễ hội như ngồi đồng, đội bóng, mê tín dị đoan cũng như xây dựng mô hình du lịch biển gắn với văn hóa bản địa”, ông Hải nói.
TIỂU YẾN