Gìn giữ phong tục Tết xưa ở làng Tân Thái

.

Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nhưng làng Tân Thái (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) vẫn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa cổ truyền, trong đó có lễ thượng nêu, lễ khai xuân đầu năm…

Người dân dựng cây nêu tại đình làng Tân Thái vào chiều 25 tháng Chạp năm Canh Tý 2020.Ảnh: NGỌC HÀ
Người dân dựng cây nêu tại đình làng Tân Thái vào chiều 25 tháng Chạp năm Canh Tý 2020. Ảnh: NGỌC HÀ

Nét đẹp cổ truyền

Bên tách trà chiều, cụ Phạm Văn Cho, Trưởng ban Khánh tiết đình làng Tân Thái kể về vùng đất nơi mình gắn cả cuộc đời. Theo cụ Cho, cũng giống như nhiều nơi khác, các vị tiền nhân lập làng rồi dựng đình. Đình làng Tân Thái được lập vào năm Canh Thân 1740, sơ khai ngôi đình dựng lên bằng thanh, tre, gỗ lấy từ núi Sơn Trà và có tên là đình Tân An (cùng với tên của làng). Đến năm 1903, tên đình đổi thành Tân Thái. Câu chuyện về đình làng đã đưa ông về với những năm tháng thuở thiếu thời. Hồi đó, ông theo người thân đến đình làng tham gia các hoạt động lễ hội, rộn ràng nhất là dịp Tết. Nối tiếp truyền thống cha ông, người dân làng Tân Thái ngày nay vẫn giữ những phong tục lễ thượng nêu, lễ khai xuân, lễ truy niệm tiền nhân, lễ tảo mộ, lễ cầu ngư…

Theo chân cụ Cho, chúng tôi ra đình làng Tân Thái. Các vị cao niên trong Ban Khánh tiết đình làng mặc áo dài, mang khăn mão chỉnh tề làm lễ thượng nêu. Tại sân đình, cây tre chọn làm nêu khá cao, to được chuẩn bị sẵn. Trước khi dựng nêu, chủ tế và một số vị cao niên tiến hành lễ cúng bái trang nghiêm theo nghi thức truyền thống. Sau đó, cây nêu bằng tre được dựng lên ở giữa sân đình; đến mồng Bảy tháng Giêng thì làm lễ hạ nêu. Các vị cao niên cho biết, lễ dựng nêu là nghi lễ cổ, có ý nghĩa trong đời sống tâm linh, tập tục truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam; là biểu tượng đấu tranh giữa cái thiện và điều ác; xua đuổi quỷ ma, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân.

Sau lễ thượng nêu, đến ngày 30 âm lịch, các vị cao niên trong làng tiếp tục chuẩn bị lễ khai xuân. Cũng theo các vị cao niên, ngày trước, những người được chọn làm lễ cúng bái phải ra ngoài đình ở hẳn 3 ngày (tức từ 27 Âm lịch đến 30 Âm lịch) để giữ cho thân mình sạch sẽ. Bây giờ, quy định khắt khe đó không còn nữa, nhưng từ chiều 30 Âm lịch, các vị cao niên trong Ban Khánh tiết đình làng có mặt chuẩn bị mọi thứ cho lễ cúng Giao thừa.

Sáng mồng Một, người dân bắt đầu đến đình làng dâng hương. Sau đó, cùng nhau quây quần trong sân đình. Tại đây đặt sẵn bàn ghế, trà, bánh mứt… Họ hỏi thăm, trò chuyện và cùng chúc nhau năm mới với nhiều điều tốt lành; những người có giọng hát hay có thể đăng ký hát tặng bà con bài ca xuân tươi vui, rộn ràng…

Lan tỏa văn hóa cộng đồng làng xã

Nhiều năm theo các vị cao niên lo việc làng, ông Huỳnh Văn Mười (con trai ông chủ bái Huỳnh Văn Mua đã mất cách đây vài năm) cũng học hỏi kha khá phong tục của cha ông. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, cư dân bản địa một phần đã chuyển đi nơi khác sinh sống, một phần bị cuốn theo lối sống hiện đại nên từ năm 2013 đến nay, gần đến Tết, Ban Khánh tiết gửi thiệp chúc xuân đến từng nhà, đặc biệt những người con xa xứ, kèm theo lời mời về dự lễ khai xuân.

Điều này được người dân của làng hưởng ứng, kể cả những người đang sinh sống tại hải ngoại. Qua kết nối của ông Mười, ông Nguyễn Văn Kháng (Việt kiều Canada) trò chuyện với chúng tôi: Xa quê gần 40 năm, nhưng trong ông, những nét đẹp văn hóa truyền thống của làng vẫn còn in đậm. Mấy năm gần đây, mỗi dịp Tết về quê ông đều dự lễ khai xuân của làng. “Đây là truyền thống tốt đẹp, tôi luôn hướng về làng quê và chung tay giữ gìn. Tôi vẫn mong mỗi năm được đón Tết ở quê nhà. Năm nay thì không thể, đành hẹn những năm khác”, ông Kháng nói.

Chia sẻ thêm, ông Mười hào hứng cho biết, nhờ có nhiều hoạt động ý nghĩa nên đình làng trở thành sợi dây gắn kết những người con làng Tân Thái, cùng nhau đóng góp, dựng xây quê hương. Nhiều năm nay, người dân cùng thành lập Quỹ khuyến học của làng Tân Thái, giúp các cháu mồ côi cha mẹ, các cháu nhà nghèo vượt khó vào dịp khai giảng, bế giảng, dịp Tết.

Mới đây, nhằm gìn giữ văn hóa của làng, ông Huỳnh Văn Mười và ông Trần Văn Đổng (cùng là người dân làng Tân Thái) có ý tưởng phục dựng lại hình ảnh làng biển quê hương Tân Thái (Mân Thái). Ý tưởng này ngay lập tức được người dân ủng hộ và sẵn lòng đóng góp kinh phí. Từ nguồn kinh phí này, Ban tổ chức (phần lớn là Ban khánh tiết đình làng) sẽ huy động những người đi biển lâu năm tái hiện lại cảnh trét ghe (thuyền) nhằm bảo quản, chống hư ghe của người dân đi biển; xương nghề (kết nhiều tay lưới lại thành giàn), giã vỏ thông, cườm thị để nhuộm lưới...  Đồng thời, sẽ quay phim làm tư liệu, lưu truyền cho thế hệ mai sau lưu giữ.

“Để duy trì phong tục truyền thống, giá trị văn hóa làng biển là cả quá trình chắt chiu, giữ gìn của các thế hệ đi trước. Nhiều vị cao niên của làng trăn trở về sự kế tục của lớp thế hệ sau. Nhưng nhìn vào những điều mà dân làng làm được thời gian qua, kể cả người không phải dân làng nhưng cũng đóng góp để bảo tồn giá trị văn hóa chung, chúng tôi hy vọng sẽ tạo nên sự lan tỏa về văn hóa cộng đồng, khơi dậy trong mỗi người tình cảm lớn lao về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ông Mười trải lòng.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.
Hỗ trợ thiết kế hộp quà tặng doanh nghiệp in logo