Kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 (diễn ra từ ngày 9 đến 24-11-2021 tại Paris) đã thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 - 2023 để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất. Tại kỳ họp này, hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cùng với 58 hồ sơ khác đã được thông qua.
Hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của Nữ sỹ Hồ Xuân Hương cùng với 58 hồ sơ khác đã được thông qua |
Các hồ sơ đề cử cần đáp ứng các tiêu chí do UNESCO đề ra, đặc biệt là phải phù hợp với lý tưởng và sứ mệnh của tổ chức UNESCO trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, thông tin truyền thông, góp phần thúc đẩy hòa bình, đối thoại văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, đồng thời mỗi sự kiện, nhân vật đề cử phải có tầm ảnh hưởng rộng rãi, được biết đến cả ở bên ngoài quốc gia đề cử.
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, tấm gương vượt lên những khó khăn của cuộc sống và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời của UNESCO. Bên cạnh đó, ông còn hành nghề đông y để chữa bệnh cứu người. Thơ văn của ông đậm tính nhân văn, khích lệ lòng yêu nước, ca ngợi những con người sẵn sàng làm việc nghĩa, vì lợi ích cộng đồng. Các tác phẩm chính của ông đều được sáng tác bằng chữ Nôm, trong đó nổi tiếng nhất là Tập thơ “Lục Vân Tiên”, chứa đựng nhiều ý nghĩa về đạo lí, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, được biết đến như “Bà chúa thơ Nôm”. Thơ Hồ Xuân Hương là biểu hiện của sự vận động, lạc quan. Với tư tưởng mới mẻ cùng lối làm thơ phá cách, ngôn ngữ bình dị và sáng tạo, các tác phẩm của bà đã đem lại nhiều ý nghĩa, giá trị và sức sống lâu bền từ quá khứ đến hiện tại. Các tác phẩm thơ của bà cũng mang nhiều nội dung về bình đẳng giới, đấu tranh cho việc giải phóng phụ nữ ở Việt Nam.
Trước đây, UNESCO đã từng thông qua nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các Danh nhân Việt Nam như kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990), 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi (1980), 250 ngày sinh Nguyễn Du (2015), 650 năm ngày mất của Nhà giáo Chu Văn An (2019). Việc UNESCO và các nước thành viên thông qua nghị quyết cùng tôn vinh các Danh nhân Việt Nam mang lại sự ghi nhận toàn cầu đối với những lý tưởng về hòa bình, bình đẳng xã hội, học tập suốt đời mà Việt Nam cùng chia sẻ với thế giới, phù hợp với những mục tiêu chung của tổ chức và những nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ của con người Việt Nam.
Việc thông qua nghị quyết cùng kỷ niệm năm sinh/ năm mất của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và Nữ sĩ Hồ Xuân Hương lần này khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị về văn hóa, giáo dục của Việt Nam, đồng thời góp phần quảng bá cho các mục tiêu phát triển tự do, bình đẳng và đặc biệt là bình đẳng trong giáo dục cho tất cả mọi người mà UNESCO đang thúc đẩy. Đây là thành quả của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua của UBND tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh Nghệ An với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, các chuyên gia và nhà khoa học của Việt Nam.
Theo Baochinhphu.vn