Tại trụ sở của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ở Geneva (Thụy Sĩ), ngày 17-11, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva đã trao Văn kiện nộp lưu việc Việt Nam gia nhập Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WCT) cho Tổng giám đốc WIPO Daren Tang, Cơ quan lưu chiểu theo quy định của Hiệp ước.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva. Ảnh: TTXVN |
Hiệp ước WCT là một hiệp ước đặc biệt theo Công ước Berne liên quan đến việc bảo vệ các tác phẩm và quyền tác giả của tác phẩm trong môi trường số. Hiệp ước WCT đề cập đến hai đối tượng quan trọng cần được bảo vệ bởi quyền tác giả, đó là các chương trình máy tính được tạo ra dưới bất kỳ hình thức thể hiện nào và cơ sở dữ liệu ở bất kỳ hình thức nào, miễn là việc lựa chọn hoặc sắp xếp nội dung cơ sở dữ liệu có sáng tạo trí tuệ.
Tổng giám đốc WIPO Daren Tang nồng nhiệt chúc mừng Việt Nam gia nhập Hiệp ước WCT và bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong thời gian tới. Tổng giám đốc Tang nhấn mạnh: “Việc gia nhập này đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, trong đó ngành công nghiệp sáng tạo và công nghiệp văn hóa có tiềm năng tăng trưởng cao sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ”.
Phát biểu tại lễ trao văn kiện, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tuyên bố: “Việt Nam gia nhập Hiệp ước WCT không chỉ nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam mới tham gia, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) mà còn tạo nền tảng pháp lý hữu hiệu để bảo vệ tác phẩm và quyền tác giả trên môi trường số. Hiệp ước WCT đặc biệt hữu ích để phát triển công nghiệp phần mềm và các nền tảng số mà Việt Nam đang tập trung thúc đẩy”.
Theo Điều 21 của Hiệp ước WCT, các quy định của Hiệp ước sẽ chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam sau 3 tháng kể từ ngày Văn kiện được trao cho Tổng giám đốc WIPO.
Việc tuân thủ và thực hiện Hiệp ước này mang lại lợi ích cho các quốc gia dù quốc gia đó ở bất kể giai đoạn phát triển nào. Hiệp ước này tạo động lực kinh tế quan trọng để các cá nhân và công ty sáng tạo trong môi trường kỹ thuật số; cung cấp cơ sở pháp lý cho thương mại điện tử lành mạnh; duy trì các ngành công nghiệp bản quyền quốc gia, thu hút đầu tư và bảo vệ sự sáng tạo ở trong nước. Hiệp ước này hiện có 110 quốc gia thành viên.
Theo Báo Tin tức