Văn hóa - Giải trí

Gần 1.000 trang sách tái hiện hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ

08:07, 17/12/2021 (GMT+7)

Cuốn sách kỷ yếu gồm 4 phần chính: "Từ Thành phố này Người đã ra đi"; "Hành trình tìm đường cứu nước"; "Người đi tìm hình của nước" và "Hồ Chí Minh sống mãi", với tổng số hơn 110 bài tham luận.

Từ ngày 25-30/12/1920, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Từ ngày 25-30-12-1920, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Ngày 16-12, Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành việc biên soạn và xuất bản kỷ yếu Hội thảo khoa học với chủ đề: “Sự kiện Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước. Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại” với gần 1.000 trang đã tái hiện một cách chân thực và đầy đủ hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh cũng như ý nghĩa của sự kiện đó đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Cuốn sách kỷ yếu gồm 4 phần chính: "Từ Thành phố này Người đã ra đi"; "Hành trình tìm đường cứu nước"; "Người đi tìm hình của nước" và "Hồ Chí Minh sống mãi", với tổng số hơn 110 bài tham luận của các nhà các chuyên gia, nhà khoa học tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Đây là những bài viết chất lượng, có hàm lượng khoa học cao thể hiện quá trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc của các tác giả.

Theo Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, trong phần "Từ Thành phố này Người đã ra đi", với nhiều góc độ khác nhau, các nhà khoa học đã cung cấp những tư liệu, dẫn chứng khoa học một cách cụ thể nhằm phân tích, lý giải làm sáng tỏ và sâu sắc thêm về những nhân tố khách quan và chủ quan hình thành nên quyết tâm và dẫn đến quyết định lịch sử: đi ra nước ngoài, sang phương Tây để tìm đường cứu nước, cứu dân của người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành.

Đối với phần "Hành trình tìm đường cứu nước", Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà cho biết, có một số bài tham luận đã cung cấp, khai thác và giới thiệu các tư liệu mới về thời kỳ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh sống, làm việc và hoạt động ở Pháp, Liên Xô. Những thông tin, tư liệu này sẽ góp phần quan trọng vào việc làm rõ hơn cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ thể như Hồ sơ theo dõi Nguyễn Ái Quốc của mật thám Pháp tại Kho lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp tại Aix-en-Provence, trong đó có những tài liệu chưa có trong "Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử và Hồ Chí Minh Toàn tập"; Những thông tin bổ sung về quá trình đi sưu tầm hai tài liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Liên bang Nga và Cộng hòa Pháp, đó là: bản in tiếng Nga cuốn sách “Chủng tộc da đen” do Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp vào khoảng những năm 1924-1925 và cuốn sổ “Nhật ký tàu Amiral Latouche Tréville”...

Trong phần "Người đi tìm hình của nước", nội dung tập trung đã phân tích, làm sáng tỏ những nhận thức của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc về thế giới và kẻ thù dân tộc, về con đường từ người thanh niên yêu nước trở thành người chiến sỹ cộng sản quốc tế, cũng như những hoạt động, cống hiến của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với vai trò là người khai tâm, mở đường và dẫn lối, đưa cách mạng Việt Nam đi đến thành công.

Cuối cùng, phần "Hồ Chí Minh sống mãi", không chỉ làm rõ tình cảm của nhân dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn phân tích, làm rõ sự cấp thiết, tầm quan trọng của việc lưu giữ, phát huy giá trị những di tích, địa điểm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và trong cả nước nói chung, cũng như việc phát huy giá trị các công trình tưởng niệm Hồ Chí Minh trên thế giới nhằm góp phần lan tỏa sâu rộng hơn nữa di sản tư tưởng và tấm gương đạo đức cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các thế hệ người Việt Nam ở trong, ngoài nước và bạn bè quốc tế.

Theo Tiến sỹ Vũ Mạnh Hà, 110 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, song ý nghĩa của sự kiện ấy vô cùng to lớn, vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời đại sâu sắc.

Ban Tổ chức hy vọng cuốn kỷ yếu sẽ góp phần giúp độc giả có thêm những hiểu biết toàn diện, sâu sắc trong quá trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thông qua đó, tiếp tục khẳng định ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của sự kiện ngày 5-6-1911 và hành trình đi tìm đường cứu nước của Người; góp phần lan tỏa sâu rộng hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến các thế hệ người Việt Nam ở trong và ngoài nước cũng như bạn bè quốc tế.

Theo TXVN/Vietnam+

.