Nhà thơ Trúc Thông - tác giả tập thơ "Chầm chậm tới mình" qua đời sáng ngày 26/12, hưởng thọ 82 tuổi sau một thời gian dài bị tai biến, để lại sự tiếc thương về một cuộc đời văn chương đáng ngưỡng mộ.
Nhà thơ, nhà phê bình văn học Trúc Thông. |
Nhà thơ, nhà phê bình văn học Trúc Thông - chủ nhân Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016, tác giả bài thơ “Cao Bằng” được in trong sách Tiếng Việt lớp 5, tập 2 đã qua đời ngày 26-12.
Trước khi qua đời, nhà thơ Trúc Thông đã nhiều lần bị tai biến mạch máu não. Theo chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến với báo chí, trong 13 năm kể từ 2008 đến nay, ông từng nhiều lần phải nhập viện để được điều trị khẩn cấp. Cuối năm 2020, nhà thơ Trúc Thông dù chưa bị liệt hoàn toàn xong chỉ có thể nằm giường và được vợ con chăm sóc hàng ngày.
Thông tin cho biết đến sáng ngày 26-12, ông ra đi tại nhà riêng trong sự thương tiếc của gia đình, bạn bè và cộng đồng người yêu văn nghệ thuật. Lễ truy điệu và đưa tang ông sẽ diễn ra ngày 27-12, linh cữu ông sẽ được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, nghĩa trang Văn Điển, sau đó sẽ được đưa về an táng tại quê nhà ở Hà Nam.
Nhà thơ Trúc Thông tên thật là Đào Mạnh Thông, sinh năm 1940 ở Bình Lục và là cựu sinh viên khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cố nhà thơ đã để lại nhiều dấu ấn riêng đáng nhớ trong sự nghiệp sáng tác của mình. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thiều trong lời vĩnh biệt đã gọi cố thi sỹ là người đi đầu trong các nhà thơ đổi mới ở miền Bắc, là người coi thơ là Thánh địa của đời sống. "Dù cả đời sống trong yên lặng, nhưng thơ ca chính là thứ rền vang trong con người ông," nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét.
Tập thơ nổi tiếng nhất của nhà thơ Trúc Thông có lẽ là “Chầm chậm tới mình” (1985) - tác phẩm mang về cho ông giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016. Bên cạnh "Chầm chậm tới mình," ông cũng đã cho ra mắt các tập “Maratong" (1993), "Một ngọn đèn xanh" (2000, đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam) và "Vừa đi vừa ở.” Cùng với đó là tập bình thơ “Mẹ và em” (2006), tác phẩm “Trúc Thông tiểu luận bình thơ” (2013), tác phẩm lý luận phê bình “Văn chương ngẫu luận” (2003)...
Tài năng của ông đã được công nhận không chỉ qua các giải thưởng cao quý của Nhà nước năm 2016 và Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2000, các Giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội 1990 - 1995 và Giải B Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000 cũng đã ghi nhận cho một sự nghiệp văn chương đáng ngưỡng mộ của ông.
Theo Vietnam+