BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA

Bảo tàng chuyển đổi số để bắt nhịp thời đại

.

Việc chuyển đổi số từ bảo tàng truyền thống sang bảo tàng số là một bước tiến mới để bảo tàng ngày càng trở nên hấp dẫn, gần gũi hơn với công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ yêu thích tìm hiểu các hiện vật, tài liệu tại bảo tàng. Điều này cũng phù hợp hơn với xu thế phát triển chung trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và phổ biến như hiện nay.

Du khách tham quan tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: Đ.H.L
Du khách tham quan tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: Đ.H.L

Chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động, năm 2017, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã xác định chuyển đổi số là rất cần thiết trong quản lý hiện vật. Khởi đầu là hình thành trang website của bảo tàng và từng bước số hóa hiện vật để chuẩn bị tiến tới thực hiện số hóa.

Thuận lợi cho du khách tiếp cận hiện vật

Anh Trương Nguyễn Nguyên Kha, Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã tiến hành số hóa hơn 450 hiện vật bằng phần mềm quản lý hiện vật tích hợp với web của bảo tàng. Từ tháng 8-2020 đến nay, bảo tàng đã tổ chức thành công 4 cuộc trưng bày triển lãm trực tuyến với các chủ đề “Đà Nẵng qua đôi mắt người nghệ sĩ”, “Trung thu của em”, “Ký họa chiến trường”, “Đà Nẵng - Thành phố em yêu”, thu hút đông đảo công chúng, nhất là các em thiếu nhi và phụ huynh. Bên cạnh đó, đơn vị liên tục đăng tải hình ảnh, bài viết, thông tin về các tác giả, tác phẩm, bộ sưu tập thuộc sở hữu của bảo tàng.

“Thời gian qua, hơn 100 bài viết, 20 video clip đã được đăng tải trên website và mạng xã hội, thu hút sự quan tâm và tương tác của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Mặc dù đóng cửa đối với du khách trong thời gian giãn cách xã hội nhưng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vẫn thường xuyên nhận được tin nhắn của các bạn trẻ hỏi về thời gian mở cửa trở lại bởi có nhiều thông tin trên mạng xã hội nhận định Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng là điểm check-in tuyệt vời cần phải đến một lần”, anh Nguyên Kha bộc bạch.

Trong khi đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đẩy mạnh áp dụng công nghệ số trong trưng bày, đưa tư liệu hiện vật đến gần hơn với người xem, nhất là trong lúc xảy ra Covid-19. Hiện Bảo tàng Điêu khắc Chăm có hơn 80 hiện vật được công nghệ số hóa bằng mã QR trong số hơn 2.000 hiện vật lớn nhỏ đang được lưu giữ tại đây. Chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, hệ thống sẽ tự động đăng nhập đến điện thoại của du khách chi tiết thông tin về các hiện vật này. Điều này  không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan,  mà còn giúp giáo viên, học sinh, sinh viên có điều kiện tìm hiểu, học tập tại bảo tàng.

Thầy Lê Văn Sức, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) cho biết: “Với việc các bảo tàng đưa ứng dụng quét mã QR của hiện vật thì chỉ cần một chiếc smartphone, các em học sinh có thể chủ động tham quan, tìm hiểu đầy đủ thông tin về các hiện vật, thuận tiện hoàn thành nhiệm vụ học tập. Hiện nay, hầu hết giáo viên các trường THCS sau khi giảng dạy về lịch sử thành phố đều coi việc yêu cầu học sinh tự tìm hiểu và viết bài liên quan đến các hiện vật tại bảo tàng là một cách thực hành thiết thực, ý nghĩa”.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Hoàng Trà (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) cho biết, bản thân chị là người đam mê nghệ thuật và yêu thích tìm hiểu về văn hóa các dân tộc. Khi đến tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm, chị có thể chủ động tìm hiểu thông tin thông qua app tự động thay vì tìm hướng dẫn viên. Với mã QR, chị có thể nghe thuyết minh về hiện vật một cách đầy đủ và chi tiết.

Quảng bá di sản văn hóa

Bảo tàng Đà Nẵng là một trong những bảo tàng thực hiện chuyển đổi số sớm nhất. Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, hiện Bảo tàng Đà Nẵng có hơn 600 hiện vật trưng bày được số hóa và kèm theo hồ sơ thuyết minh trong tổng số hơn 25.000 hiện vật được lưu giữ tại kho. Để thực hiện đề án số hóa, bảo tàng đang tiến hành chuyển đổi số đối với toàn bộ hiện vật đang trưng bày cũng như đang bảo quản thông qua mã QR và xây dựng nội dung thuyết minh bằng 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Việt. Điều này giúp thuận tiện hơn cho công tác quản lý nội dung tài liệu hiện vật và cập nhật thông tin để phục vụ du khách tham quan.

Đối với chuyển đổi số trên lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, từ năm 2018, Bảo tàng Đà Nẵng chủ động xây dựng đề án chuyển đổi số thông qua nền tảng bandodisandanang.vn. Bảo tàng tiến hành thực hiện công tác số hóa bằng phim 3D, 2D; trong đó thực hiện công nghệ phim 3D đối với danh thắng Ngũ Hành Sơn, Hải Vân quan, Thành Điện Hải để quay toàn bộ các hình ảnh, hồ sơ, hiện trạng hiện vật được phục dựng; đồng thời số hóa công nghệ phim 3D với các hiện vật cấp quốc gia và thành phố.

“Hai nhiệm vụ chính của việc chuyển đổi số là lưu trữ và quảng bá giá trị các di sản văn hóa vật thể. Bảo tàng hình thành một ngân hàng dữ liệu lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến di tích để tiến đến công tác bảo tồn trùng tu di tích về lâu dài, có cơ sở khoa học giúp các nhà trùng tu đưa ra phương pháp bảo quản, bảo đảm giống với bản gốc, tránh chắp vá, vay mượn và bảo đảm kiến trúc văn hóa địa phương, vùng miền.Thông qua nền tảng bandodisandanang.vn, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng Covid-19, hàng chục ngàn người đã truy cập bản đồ số. Bảo tàng Đà Nẵng đang tiếp tục cập nhật số hóa các di tích còn lại chưa được công nhận xếp hạng, từ đó bảo tồn theo định hướng bền vững. Bảo tàng còn có ngân hàng di sản văn hóa phi vật thể, tất cả các phim về lễ hội, các văn hóa phi vật thể đều được quay phim, dựng hình và lưu trữ tại ngân hàng dữ liệu”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nhấn mạnh.

Lợi ích của việc số hóa là giúp du khách vừa tham quan vừa tương tác, từ đó tiếp cận, trải nghiệm sâu hơn về hiện vật không gian, câu chuyện được trưng bày. Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng khẳng định: “Covid-19 xảy ra, đòi hỏi bảo tàng tổ chức nhiều cuộc triển lãm trực tuyến. Qua đó cho thấy, việc chuyển đổi số rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển của bảo tàng theo kịp xu hướng quốc tế. Việc số hóa không chỉ giúp bảo tàng tiếp cận nhiều đối tượng công chúng và phát huy giá trị di sản văn hóa, mà còn tăng sự tương tác giữa bảo tàng với công chúng, quảng bá di sản văn hóa, từ đó góp phần thu hút khách du lịch phát triển kinh tế”.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.