Phim tài liệu đầu tiên về Hội Nhà báo Việt Nam

.

Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề "Hội Nhà báo Việt Nam: Một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang".

Đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm “Hội Nhà báo Việt Nam: Một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang”. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm “Hội Nhà báo Việt Nam: Một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang”. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Đây cũng chính là tên bộ phim tài liệu đầu tiên dài 30 phút về Hội Nhà báo Việt Nam đã được Bảo tàng Báo chí Việt Nam hoàn thiện và vừa được cấp có thẩm quyền thẩm định về chất lượng, nội dung để kịp trình chiếu rộng rãi trong những ngày tổ chức Đại hội XI, hướng tới Kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: Đất nước ta hôm nay được đánh giá là đang có một cơ đồ, tiềm lực, vị thế chưa từng có. Thế kỷ 20 đã ghi vào lịch sử những cuộc chiến tranh vệ quốc chống lại những kẻ thù hung bạo nhất thế giới mà Việt Nam oanh liệt giành chiến thắng. Thế kỷ 21 tiếp tục chứng kiến một Việt Nam thống nhất, đổi mới, kiên cường vượt mọi khó khăn, thách thức với khát vọng mạnh mẽ nhằm phát triển đất nước hùng cường, hạnh phúc… Viết nên những trang sử vẻ vang đó, có đóng góp to lớn, rất đáng tự hào của đội ngũ nhà báo cách mạng - Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, đội quân tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu khai mạc. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu khai mạc. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Ngày 27-12-1945, tại Hà Nội, Đoàn Báo chí Việt Nam ra đời ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập, tự do. Hai năm sau, năm 1947, Đoàn Báo chí Kháng chiến được thành lập, tập hợp báo giới trong một đoàn thể cứu quốc thống nhất, có tổ chức chặt chẽ, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh. Đây là hai tổ chức nghề nghiệp đầu tiên của báo giới được thành lập sau 1945. Ngày 21-4-1950, Hội Nhà báo Việt Nam chính thức ra đời, với tên gọi ban đầu là Hội Những người viết báo Việt Nam, tại thôn Roòng Khoa, Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên. Nhà báo Xuân Thủy làm Hội trưởng, là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội.

Nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam hiến tặng Bảo tàng máy ảnh Asahi Pentax của phóng viên Báo ảnh Việt Nam (TTXVN) tác nghiệp tại chiến trường Miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam hiến tặng Bảo tàng máy ảnh Asahi Pentax của phóng viên Báo ảnh Việt Nam (TTXVN) tác nghiệp tại chiến trường Miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Gần 72 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã tiến hành 10 kỳ Đại hội, nhiệm kỳ sau kế thừa nhiệm kỳ trước, kiên cường, bền bỉ, nỗ lực thực thi sứ mệnh xây dựng nền móng vững vàng của báo chí cách mạng; đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhà báo - chiến sĩ một lòng vì Tổ quốc; bảo vệ, nâng cao địa vị của những người làm báo. Năm 2020, 2021, do tình hình dịch Covid-19, Hội không tổ chức được Lễ kỷ niệm ngày thành lập. Năm 2021, trong những ngày cuối cùng của tháng 12, toàn thể hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong khắp các vùng miền đất nước đang sôi nổi, tích cực chuẩn bị cho Đại hội XI. Trưng bày chuyên đề và bộ phim tài liệu lịch sử của Bảo tàng sẽ là sự khẳng định sống động, thuyết phục nhất về hình ảnh Hội Nhà báo Việt Nam trong trái tim các hội viên, nhà báo - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nêu rõ.

Khu trưng bày kỷ vật tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Khu trưng bày kỷ vật tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Trưng bày chuyên đề giới thiệu các hiện vật gốc, các tư liệu, hình ảnh quý giá về Hội Nhà báo Việt Nam trong 7 thập kỷ hình thành, phát triển, trong đó có nhiều hiện vật, tài liệu gốc lần đầu tiên được công bố. Có thể kể đến một số hiện vật tiêu biểu như: Sổ tay ghi chép của Nhà báo Nguyễn Tường Phượng; Bộ ký giả của Chủ tịch Hội , nhà báo Xuân Thủy sử dụng tại Đại hội II năm 1959 và các cuộc tiếp khách đối ngoại những năm 1960; Bộ bàn ghế mây của Nhà báo Hoàng Tùng; Áo trấn thủ của Phó Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân Trần Công Mân do đồng nghiệp làm báo Bulgaria tặng; tài liệu họp báo quốc tế của phái đoàn ta tại Paris thời kỳ 1968-1973…

Đại biểu dâng hoa tưởng nhớ những người làm báo đã hy sinh vì Tổ quốc và nhân dân, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Đại biểu dâng hoa tưởng nhớ những người làm báo đã hy sinh vì Tổ quốc và nhân dân, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Đồng thời, dịp này, các hội viên, nhà báo, công chúng cả nước sẽ có dịp xem phim tư liệu, ôn lại những chặng đường lịch sử của đất nước, của báo chí nước nhà, thông qua những kỷ vật nghề báo, những câu chuyện làm nghề trong những năm tháng làm báo gian nan, vất vả, nhiều mất mát, hy sinh nhưng cũng đầy vinh quang và tự hào... của các nhà báo, hội viên lớp trước.

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.