Văn hóa - Giải trí

Xung quanh chữ "lễ"

08:15, 04/12/2021 (GMT+7)

Cuối năm 2016, tại hội thảo “Xây dựng môi trường văn hóa trường học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức, nhiều đại biểu đề xuất xem xét lại khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Khi ấy, chủ đề này không gây xôn xao dư luận như xung quanh ý kiến của giáo sư Trần Ngọc Thêm về chữ “lễ” tại hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp Bộ GD&ĐT; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 21-11.

Khẩu hiệu trên xuất phát từ tư tưởng Khổng Tử (Ngũ thường), một trong 5 phẩm chất của một người quân tử. Trong phạm vi khẩu hiệu trên, chữ lễ như thông điệp căn bản của thầy lẫn trò - học (và dạy) làm người trước, kiến thức sau. Tuy nhiên, theo biến chuyển của cuộc sống, mọi người đều nhận ra, trong môi trường giáo dục, chữ nào cũng quan trọng, lễ không thể tách rời nhân, nghĩa, trí, tín (và văn). Thực tế, nhiều trường, đặc biệt trường tư đã linh hoạt thay đổi khẩu hiệu, đi từ Nam đến Bắc chúng ta dễ dàng nhận ra khẩu hiệu tại các trường không giống nhau.

Trong Công văn 282/BGDĐT-CTHSSV về việc đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra những định hướng khẩu hiệu đa dạng phù hợp với từng cấp học. Đó chính là cách để tăng quyền chủ động và sáng tạo cho cơ sở.

Thực tế, ở các quốc gia khác cũng vậy, mỗi trường có một thông điệp khác nhau. Còn nhớ, lúc tham quan Trường Đại học Washington, Mỹ - ngôi trường xếp thứ 17 trên 100 trường hàng đầu thế giới, tôi cảm thấy thú vị xen lẫn ngạc nhiên khi khẩu hiệu truyền thống của trường này thật đơn giản: “Qua chân lý, giành lấy sức mạnh”. Trong một bữa tiệc tại California, tôi hỏi các cháu chuyện khẩu hiệu của trường đang theo học thì nhận được nhiều câu khẩu hiệu dung dị: “Học, cống hiến và thành đạt”, “Luôn nghĩ sẽ làm được, học hành chăm chỉ, trở thành thông minh và hãy tốt bụng”, “Nghĩ kỹ và mở mang đầu óc, hãy kết nối, và giữ tinh thần cao thượng”, “Học để tự học, cống hiến cho vùng, quốc gia và toàn cầu”...

Tôi không có ý so sánh, chỉ muốn nói rằng việc “dạy thực, học thực, nhân tài thực” mới là quan trọng. Tất cả những khẩu hiệu mang tính hình thức, xơ cứng, bệnh thành tích trong giáo dục đến lúc cần được cáo chung, nhường chỗ cho tinh thần khai phóng, khai mở, sáng tạo.

Không phải ngẫu nhiên mà Phan Châu Trinh tặng quốc dân đồng bào lập ngôn quý báu: “Chi bằng học”. Năm 1906, sau khi ở Nhật một thời gian, quan sát những chuyển biến thần kỳ trên nhiều mặt của xã hội Nhật Bản, nhất là tư tưởng thực học, học hành theo phương pháp khoa học hiện đại, Phan Châu Trinh nhận ra một yêu cầu cấp bách - yêu cầu phải thực học, việc học tập phải đại chúng, thường xuyên với mọi thành phần trong xã hội. Chỉ một khi nền dân trí được nâng cao, thông qua việc học tập miệt mài, ưu việt thì mới mở được chìa khóa chấn hưng dân khí, tiệm cận đến văn minh nhân loại.

Vậy nên, chữ “lễ” chỉ là một trong nhiều chữ cần được coi trọng, bồi đắp trên tinh thần nền giáo dục thực sự coi trọng việc thực học. Chính giáo sư Trần Ngọc Thêm cũng đã phải “nói lại cho rõ” bởi nhiều người hiểu lầm ý của ông, rằng ông đề xuất bỏ cách nói “tiên học lễ” chứ không phải bỏ việc học lễ. Chuẩn mực giáo dục của con người xưa nay luôn luôn phải bao gồm hai vế đức và tài, phẩm chất và năng lực, không thể bỏ mặt nào.

THẢO UYÊN

.