Văn hóa - Giải trí
Bốn chủ đề sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng mới
Các đơn vị, nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Bảo tàng Đà Nẵng mới tại khu đất 42-44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú (gọi chung là khu 42 Bạch Đằng) trên cơ sở nâng cấp, cải tạo hạ tầng hiện trạng. Sau khi hoàn thành, Bảo tàng Đà Nẵng mới sẽ có 4 chủ đề trưng bày. Nơi đây sẽ là điểm giáo dục truyền thống lịch sử, tham quan, du lịch hấp dẫn của thành phố.
Phối cảnh công trình Bảo tàng Đà Nẵng mới tại khu vực sử dụng đất số 42 đường Bạch Đằng, quận Hải Châu. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Bảo tàng Đà Nẵng mới được UBND thành phố phê duyệt dự án đầu tư xây dựng “Công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng” theo định Quyết định số 1667/QĐ-UBND ngày 15-5-2020 với tổng mức đầu tư gần 505 tỷ đồng. Sở Xây dựng thông tin, trên cơ sở lập quy hoạch và thiết kế kiến trúc cảnh quan, Bảo tàng Đà Nẵng mới sẽ thay thế Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay tại khu vực Thành Điện Hải với định hướng phát triển bảo tàng theo quy mô lớn, vừa mang giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc, vừa mang tính hiện đại tương xứng với tầm vóc của một đô thị lớn, trung tâm kinh tế của miền Trung, cửa ngõ giao thương quan trọng của đất nước.
Bảo tàng Đà Nẵng có không gian trưng bày ngoài trời kết nối với quảng trường xung quanh Thành Điện Hải, Thư viện Tổng hợp và cảnh quan bờ tây sông Hàn, trong đó lưu ý có giải pháp đậu, đỗ xe và dừng đón, trả cho khách tham quan, cho cán bộ, nhân viên bảo tàng. Bảo tàng Đà Nẵng mới sau khi hoàn thành có 4 khu vực trưng bày.
Phần 1 là dẫn nhập giới thiệu tổng quan về nội dung trưng bày, giới thiệu tổng quan về thành phố Đà Nẵng trong bối cảnh miền Trung và cả nước từ quá khứ đến hiện tại, bản đồ thành phố Đà Nẵng, sơ đồ tham quan bảo tàng, quầy thông tin.
Phần 2 chủ đề “Lịch sử thiên nhiên và con người thành phố Đà Nẵng”, trưng bày, giới thiệu những cảnh quan văn hóa tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng, giới thiệu các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh với bộ sưu tập hiện vật khảo cổ học tiền sử, sơ sử dấu vết của con người tại Đà Nẵng; bức tranh cư dân thời hiện đại theo quá trình tụ cư của các dân tộc tại thành phố Đà Nẵng, hình thành diện mạo cư dân Đà Nẵng hiện tại.
Phần 3 có chủ đề “Lịch sử phát triển đô thị Đà Nẵng” qua hệ thống chính quyền các thời kỳ phong kiến; thuộc Pháp; thời kỳ Việt Nam cộng hòa; Đà Nẵng sau năm 1975, thành phố Đà Nẵng trong 10 năm sau ngày giải phóng, Đà Nẵng trong 30 năm đổi mới đất nước; kiến trúc và quy hoạch phát triển Đà Nẵng với kiến trúc Đà Nẵng; mạng lưới giao thông; công nghiệp Đà Nẵng; thương mại dịch vụ; báo chí - truyền thông. Đà Nẵng quy hoạch phát triển tương lai. Phần lịch sử xã hội thành phố Đà Nẵng có trưng bày hiện vật, tài liệu, mô hình thời kỳ Đà Nẵng mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược như: trận chiến năm 1847; trận chiến những năm 1858 - 1960. Đà Nẵng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc qua các thời kỳ: các hoạt động phong trào Nghĩa hội và Duy Tân; các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX; các cuộc đấu tranh của công nhân; tổ chức cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên ở Đà Nẵng; Thị ủy Đà Nẵng và Đảng bộ Quảng Nam trong những năm 1930 - 1945; các cuộc đấu tranh của nhân dân Đà Nẵng dưới sự lãnh đạo của Đảng từ 1930-1945; Cách mạng Tháng Tám-1945 và thành lập chính quyền cách mạng thành phố Đà Nẵng. Đà Nẵng trong 30 năm kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc: hệ thống chính trị, sức mạnh quân sự và sự kìm kẹp, đàn áp của Pháp - Mỹ; củng cố và xây dựng chính quyền cách mạng; kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Tiếp đó là trưng bày nội dung Đà Nẵng - Thành phố anh hùng: chủ đề khái quát 117 năm chống ngoại xâm của nhân dân Đà Nẵng (1858-1975) và quá trình xây dựng và phát triển của thành phố trong hòa bình; giới thiệu những sự kiện và nhân vật lịch sử tiêu biểu; giới thiệu các tập thể và cá nhân anh hùng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và trong xây dựng.
Phần 4, trưng bày mảng nội dung về văn hóa: các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam - Đà Nẵng và khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tại đây sẽ trưng bày theo dạng tổ hợp mỗi nhóm dân tộc, nêu bật những đặc điểm riêng của mỗi dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Nam và Đà Nẵng nhằm thể hiện rõ những đặc điểm về đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc Cơ tu, Xơ Đăng, Gié - Triêng… Bảo tàng có trưng bày về chủ đề văn hóa biển với nội dung biển và quá trình hình thành, phát triển đô thị cảng biển; sinh thái biển thể hiện tính đa dạng về nguồn tài nguyên biển; dấu ấn văn hóa biển Đà Nẵng; lịch sử chủ quyền biển, đảo; tôn giáo, tín ngưỡng biển miền Trung; các kỹ thuật đóng tàu, thuyền và đi biển; văn hóa ngư dân.
Bảo tàng cũng trưng bày về văn hóa nông nghiệp: thời tiền sử, sơ sử Đà Nẵng trong vùng lịch sử văn hóa xứ Quảng; trưng bày các sưu tập cổ vật thuộc sở hữu của bảo tàng; truyền thống nông nghiệp và cư dân bản địa Đà Nẵng; ngành nghề thủ công truyền thống; văn hóa đô thị với nếp sống đô thị; văn hóa kinh doanh; nghệ thuật trình diễn... Ngoài ra, Bảo tàng Đà Nẵng mới cũng thực hiện các nội dung triển lãm phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa theo thời sự của địa phương và cả nước.
Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình và dân dụng công nghiệp Đà Nẵng Nguyễn Hữu Hinh vừa cho biết, tiến độ thực hiện dự án “Cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng sẽ được tổ chức thi công hoàn thành trước ngày 31-12-2022, sớm hơn 2,5 tháng so với tiến độ theo hợp đồng”.
|
TRIỆU TÙNG