Văn hóa - Giải trí

Kể chuyện tại công trình "lịch sử"

08:53, 29/03/2022 (GMT+7)

Sau khi di dời về tòa nhà 42-44 Bạch Đằng, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ tổ chức trưng bày trong không gian rộng hơn 3.500m² với 6 khu vực chính cùng nhiều chủ đề đa dạng. Ngoài việc tái hiện lịch sử Đà Nẵng các thời kỳ bằng công nghệ hiện đại, đây là lần đầu tiên các hiện vật trong kho bảo quản được ra mắt công chúng.

Chủ đề “Thiên nhiên và con người Đà Nẵng” tại khu trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Đà Nẵng.  Ảnh: ĐVCC
Chủ đề “Thiên nhiên và con người Đà Nẵng” tại khu trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: ĐVCC

Đa dạng không gian trưng bày

Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, đơn vị vừa báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy xin chủ trương nội dung đề cương trưng bày Bảo tàng Đà Nẵng. Sau khi lấy ý kiến các chuyên gia cũng như các bước dự thảo, nội dung trưng bày Bảo tàng Đà Nẵng có các điểm mới so với cơ sở hiện tại ở Thành Điện Hải như: mở rộng và nhấn mạnh nội dung về Đà Nẵng thời tiền - sơ sử; làm rõ nội dung về dấu ấn văn hóa Chăm tại Đà Nẵng; bổ sung nội dung lịch sử phát triển đô thị Đà Nẵng qua các thời kỳ; triển khai nội dung chủ đề từ các khía cạnh biên niên lịch sử, dân tộc học, nhân học, văn hóa học; ứng dụng công nghệ trưng bày của hệ thống bảo tàng thế giới nhằm đưa Bảo tàng Đà Nẵng phát triển theo xu hướng bảo tàng hiện đại, trở thành điểm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn công chúng.

Cụ thể, nội dung trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng mới được chia theo 6 khu vực, gồm: khu trưng bày thường xuyên, khu trưng bày chuyên đề, khu trưng bày kho mở; khu trưng bày có thời hạn, khu nghiên cứu phát triển và khu trưng bày ngoài trời. Tại các khu vực, bảo tàng cũng chia thành nhiều phần trưng bày, tương ứng với các chủ đề khác nhau nhằm khai thác tối đa giá trị của tài liệu, hiện vật; đồng thời, tăng cường sự gắn kết giữa nội dung trưng bày với đời sống xã hội của cộng đồng địa phương.

Theo đề cương, chuyến tham quan bảo tàng được bắt đầu từ khu trưng bày thường xuyên tại tầng 3. Nội dung cốt lõi của không gian này là giới thiệu tổng quan về Đà Nẵng trong bối cảnh lịch sử miền Trung và cả nước từ quá khứ đến hiện tại. Trong đó, mở đầu là không gian trưng bày khoảng 20 hình ảnh tiêu biểu về các dấu mốc lịch sử quan trọng như: sự kiện năm 1306 khi Đà Nẵng trở thành vùng đất thuộc quốc gia Đại Việt của nhà Trần, vấn đề xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, sự kiện Đà Nẵng mở đầu mặt trận chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860)…

Tiếp đến, công chúng lần lượt được tham quan các chủ đề: “Thiên nhiên và con người Đà Nẵng”, “Lịch sử phát triển đô thị Đà Nẵng trước năm 1975”, “Đà Nẵng và cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc”, “Chuyên đề chứng tích chiến tranh” và “Đà Nẵng thời kỳ xây dựng, hội nhập và phát triển”. Các chủ đề với khoảng 1.500 hiện vật được trưng bày tái hiện mảnh đất, con người Đà Nẵng tươi đẹp, kiên cường trong đánh đuổi ngoại xâm, yêu chuộng hòa bình và những nỗ lực trong công cuộc xây dựng, phát triển thành phố.

Ngoài ra, Bảo tàng Đà Nẵng cũng dành không gian gần 400m² cho 2 khu vực trưng bày có thời hạn và nghiên cứu phát triển. Trong đó, khu vực trưng bày có thời hạn là nơi tổ chức các trưng bày chuyên đề ngắn hạn 3-6 tháng. Các trưng bày chuyên đề tại khu vực này được thay đổi định kỳ và duy trì thường xuyên để góp phần làm tăng giá trị chuyến tham quan của du khách.

Còn khu vực trưng bày nghiên cứu phát triển là nơi dùng để giới thiệu các nghiên cứu, dự án và ứng dụng mới cũng như các hoạt động học thuật trong lĩnh vực bảo tàng học nhằm cập nhật thông tin đến du khách về hoạt động nghiên cứu khoa học của bảo tàng. Đây đồng thời là không gian để các cán bộ chuyên môn, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tàng, bảo tồn văn hóa tại thành phố có thể giới thiệu nghiên cứu mới, giao lưu, trao đổi học thuật nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật xu hướng mới của hoạt động bảo tàng và di sản văn hóa.

Kỳ vọng trở thành điểm đến ấn tượng

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, khu vực trưng bày chuyên đề có 3 phần, gồm: văn hóa, lịch sử Tòa thị chính và bộ sưu tập cổ vật. Trong đó, văn hóa được xác định là chủ đề quan trọng với nguồn tư liệu, hiện vật phong phú. Những nét đặc trưng, tiêu biểu nhất của văn hóa cộng đồng các dân tộc sinh sống tại Đà Nẵng và Quảng Nam như: Kinh, Cơ tu, Xơ Đăng, Giẻ Chiêng và cộng đồng người Hoa tại Đà Nẵng được giới thiệu sinh động. Khách tham quan được tìm hiểu về các lễ hội cổ truyền, âm nhạc, trang phục truyền thống, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, văn hóa biển, làng nghề…

Đặc biệt, tại khu vực trưng bày chuyên đề, chủ đề hứa hẹn khiến nhiều người cảm thấy thú vị là lịch sử Tòa thị chính, được bố trí trong không gian dọc theo khu hành lang. Nội dung trưng bày khoảng 100 hình ảnh tòa nhà thay đổi qua nhiều năm, các bản vẽ thiết kế xây dựng công trình; hình ảnh, tài liệu về hoạt động của các chính khách, nhân vật quan trọng tại tòa nhà này qua các thời kỳ. “Tòa thị chính không chỉ là điểm nhấn kiến trúc đô thị thời Pháp thuộc mà còn là dấu ấn của chính quyền cai trị thời kỳ này. Tồn tại từ năm 1898 đến nay, tòa nhà như một chứng nhân lịch sử, chứng kiến những thăng trầm, đổi thay, phát triển của thành phố. Do vậy, Bảo tàng Đà Nẵng quyết định bố trí không gian riêng để người dân, du khách có cơ hội tìm hiểu về công trình mang dấu ấn lịch sử này”, ông Thiện nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thiện, với không gian mới rộng rãi, Bảo tàng Đà Nẵng mới dành diện tích khá lớn trưng bày kho mở theo xu hướng của nhiều bảo tàng trên thế giới nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của công chúng. Tại khu vực này, bảo tàng giới thiệu các hiện vật dưới góc độ vừa là kho bảo quản, vừa là không gian trưng bày. Đây cũng được xem là kênh gắn kết giữa công chúng với bảo tàng, giúp du khách tiếp cận gần hơn với hoạt động chuyên môn như công tác kho, bảo quản hiện vật.

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý của không gian trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng là có khu vực ngoài trời để giới thiệu các hiện vật với thể khối lớn. Khu vực này được kỳ vọng là không gian lý tưởng cho khách tham quan thư giãn, hòa mình với thiên nhiên, chiêm ngưỡng giá trị hiện vật và chụp hình lưu niệm với những tác phẩm độc đáo như: nhà Gươl của người Cơtu, cây đàn nước của người Xơ Đăng, tác phẩm điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước…

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho rằng, điểm then chốt trong việc đưa Bảo tàng Đà Nẵng mới trở thành điểm đến ấn tượng với du khách là giải pháp trưng bày. Trong đó, lấy giá trị văn hóa, lịch sử và các câu chuyện liên quan đến sưu tập tài liệu, hiện vật làm cơ sở xuyên suốt. Cùng với đó, sử dụng các giải pháp công nghệ và phương tiện trưng bày hiện đại nhằm làm tăng giá trị hiện vật và tính thẩm mỹ, tạo sự hấp dẫn cho người xem; thực hiện một số không gian tái tạo để tạo điểm nhấn trong trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng. Đồng thời, tích hợp các hình thức trải nghiệm khác nhau trong trưng bày nhằm khai thác tối đa giá trị của tài liệu, hiện vật và tăng giá trị trải nghiệm cho du khách trong hệ thống trưng bày của bảo tàng.

XUÂN DŨNG

.