Dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo Thành Điện Hải giai đoạn 2: Nâng tầm giá trị di tích quốc gia đặc biệt

.

Ngày 4-5, Chủ tịch UBND thành phố ký Quyết định 1202/QĐ-UBND phê duyệt dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải giai đoạn 2 (2019-2024) với kinh phí hơn 84 tỷ đồng. Quyết định này nhận được sự đồng tình, ủng hộ đông đảo người dân, nhà văn hóa và cơ quan quản lý; đồng thời khẳng định sự quan tâm, đầu tư kịp thời, đúng hướng của thành phố đối với các công trình, di tích lịch sử trên địa bàn.

Dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải giai đoạn 2 (2019-2024) được thành phố đầu tư kinh phí hơn 84 tỷ đồng.  Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp
Dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải giai đoạn 2 (2019-2024) được thành phố đầu tư kinh phí hơn 84 tỷ đồng. Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp

Nhiều hạng mục quan trọng

Theo quyết định, trong giai đoạn 2, thành phố sẽ thực hiện các hạng mục bên trong khuôn viên 26.519m² của Thành Điện Hải gồm: di dời Bảo tàng Đà Nẵng hiện hữu sang cơ sở 42 Bạch Đằng; phục dựng Kỳ đài, nhà để súng thần công, cổng thành phía đông; tôn tạo tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương; xây dựng cầu cổng phía tây, miếu thờ nghĩa sĩ, nhà trưng bày và các hạng mục khác. Trước đó, giai đoạn 1 (2017-2019) của dự án đã hoàn thành đúng tiến độ với việc di dời 80 hộ dân và 3 cơ quan Nhà nước ra khỏi di tích; khôi phục toàn bộ hệ thống tường cao hào sâu, làm công viên cây xanh phía bắc và phía tây...

Liên quan đến Bảo tàng Đà Nẵng đang tọa lạc nơi vùng lõi di tích, hiện các đơn vị, cơ quan chức năng đang khẩn trương cải tạo tòa nhà 42 Bạch Đằng nhằm trả lại không gian vốn có cho Thành Điện Hải. Theo kế hoạch, phần xây lắp khối bảo tàng xây mới và hạng mục cải tạo cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Các vấn đề liên quan như thiết kế kiến trúc, đề cương trưng bày Bảo tàng Đà Nẵng tại cơ sở mới cũng đã hoàn thành. Đây là các điều kiện quan trọng để Bảo tàng Đà Nẵng sớm chuyển đến vị trí mới, phục vụ cho công tác tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải giai đoạn 2.

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, ngoài Cố đô Huế, Thành Điện Hải là di tích duy nhất về thành lũy quân sự cổ còn lại ở miền Trung, gắn với câu chuyện lịch sử quan trọng của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng trong buổi đầu chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha. Đây là dấu ấn ghi nhớ truyền thống cách mạng vẻ vang, tự hào của dân tộc trong công cuộc đấu đấu tranh bảo vệ lãnh thổ. Cùng với sự đổi thay đáng kể của hai bờ sông Hàn và khu vực lân cận, di tích Thành Điện Hải đã trở thành điểm nhấn trong không gian văn hóa, lịch sử của thành phố.

“Việc lãnh đạo thành phố quan tâm, đầu tư dự án tu bổ và phục hồi di tích Thành Điện Hải là quyết định kịp thời, hết sức ý nghĩa, hướng đến sự phát triển bền vững. Với giai đoạn 2, dự án sẽ bảo tồn tối đa các thành phần, dấu vết cấu thành di tích gốc, tái tạo một phần không gian cảnh quan và thành phần kiến trúc gốc trong khu vực thành nội. Đặc biệt, bổ sung một số thành phần kiến trúc mới nhằm làm rõ hơn giá trị di tích; đồng thời, góp phần tôn vinh, phát huy Thành Điện Hải trong cuộc sống đương đại”, ông Thiện thông tin.

Dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải giai đoạn 2 (2019-2024) được thành phố đầu tư kinh phí hơn 84 tỷ đồng. Ảnh: XUÂN SƠN
Dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải giai đoạn 2 (2019-2024) được thành phố đầu tư kinh phí hơn 84 tỷ đồng. Ảnh: XUÂN SƠN

Phát huy hiệu quả giá trị Thành Điện Hải

Việc triển khai giai đoạn 2 của dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải được đông đảo người dân và các nhà văn hóa trên địa bàn đồng tình, ủng hộ. Là người gắn bó từ đầu với dự án này, NSND Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, giai đoạn 1 của dự án hoàn thành từ năm 2019, nhưng do ảnh hưởng của Covid-19 trong 2 năm qua, đến nay thành phố mới có thể tiếp tục triển khai giai đoạn 2. Dù chậm hơn so với dự kiến, nhưng đây là nỗ lực rất lớn của thành phố trong bối cảnh hiện nay. “Có thể khẳng định, đây là sự quan tâm rất đúng mực, cần thiết đối với di sản văn hóa của thành phố”, ông Hùng bày tỏ.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2 này, dự án được TS. Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với sự tư vấn của GS.TS. Hoàng Đạo Kính - nhà khoa học đầu ngành về bảo tồn di tích, trực tiếp chủ trì thiết kế đồ án. Điều này khẳng định tầm quan trọng, giá trị lịch sử đặc biệt của dự án. Đây cũng là cơ sở để chúng ta hoàn toàn yên tâm về thiết kế, kiến trúc cũng như thẩm mỹ công trình này.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Vỹ cho biết, với quyết định phê duyệt dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải giai đoạn 2, sở tiếp tục chỉ đạo đơn vị điều hành dự án khẩn trương hoàn thành hồ sơ thiết kế, phấn đấu trong quý 4 năm 2022 sẽ triển khai thi công. Đối với giai đoạn này, một vấn đề quan trọng là hạ giải, tháo dỡ, di dời các thành phần, công trình không phù hợp.

Trong đó, sở sẽ phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với đơn vị chủ đầu tư, điều hành, thi công dự án Bảo tàng Đà Nẵng cơ sở mới bảo đảm tiến độ đề ra, nhằm nhanh chóng triển khai các hạng mục tại Thành Điện Hải. Cùng với đó, có kế hoạch di dời các thành phần trưng bày không liên quan liên quan tới lịch sử Thành Điện Hải như: máy bay trực thăng, chậu cảnh và phá dỡ hệ thống sân, đường hiện trạng không phù hợp. “Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, Thành Điện Hải sẽ tạo nên một không gian lịch sử, trưng bày, kết nối với Bảo tàng Đà Nẵng mới, Quảng trường trung tâm và hệ thống thiết chế văn hóa, địa điểm di tích xung quanh. Thông qua đó, góp phần phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, thu hút khách tham quan, phát triển du lịch trên cơ sở phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử của thành phố Đà Nẵng”, ông Vỹ nhấn mạnh.

Thành Điện Hải sẽ có nhà trưng bày dưới lòng đất
Theo quyết định phê duyệt dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải giai đoạn 2, hạng mục nhà trưng bày được xây ngầm toàn bộ dưới lòng đất. Công trình có quy mô tổng diện tích hơn 450m², chìm phía dưới không cản trở tầm nhìn bao quát chung toàn bộ tổng thể khu di tích. Theo đó, nhà trưng bày gồm 1 phòng trưng bày chính, 1 phòng trải nghiệm thực tế ảo 3D và các hạng mục phục vụ công việc điều hành, âm thanh, ánh sáng… Nội dung trưng bày, trình diễn và mô phỏng di tích có ba phần cơ bản, gồm: hệ thống trưng bày các hiện vật lịch sử, tranh ảnh, tài liệu, tư liệu, bản đồ liên quan đến quá trình hình thành di tích Thành Điện Hải; hệ thống trình diễn sa bàn 3D về lịch sử, địa thế Thành Điện Hải, có kết hợp sử dụng âm thanh, ánh sáng; xây dựng phim 3D về lịch sử hình thành kiến trúc Thành Điện Hải.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.