Hơn 25 năm qua, ông Huỳnh Phước Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin, Thể thao quận Ngũ Hành Sơn đã dày công lưu giữ nhiều thước phim quý giá về quận nhà. Đối với ông, những tư liệu đó là kỷ vật vô giá cần gìn giữ và là minh chứng cho sự phát triển của quận Ngũ Hành Sơn.
Ông Huỳnh Phước Hiền ghi hình cho phóng sự được phát nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: N.PHƯƠNG |
Dụng công lưu giữ
Gần nửa đời người gắn bó với nghề quay phim, mong muốn lớn nhất của ông Hiền là lưu giữ những tư liệu quý giá cho thế hệ mai sau. Năm 1997, về công tác tại Đài truyền thanh quận (nay là Trung tâm Văn hóa - Thông tin, Thể thao), công việc chính của ông Hiền là quay lại những sự kiện nổi bật cho đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong quận.
Với niềm say mê và tình yêu nghề mãnh liệt, ông Hiền tự mày mò, trui rèn để nâng cao kỹ thuật quay và dựng phim. Ông chú ý ghi hình, bắt trọn mọi khoảnh khắc với nhiều góc máy khác nhau. Càng gắn bó với nghề, ông thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa của những thước phim tư liệu. Cũng từ đây, ông bắt tay vào việc lưu giữ những thước phim về quận Ngũ Hành Sơn từ những ngày đầu thành lập.
“Ở thời điểm đó, việc lưu các thước phim không bắt buộc nên có rất nhiều đồng nghiệp khi quay xong sự kiện, phát thông tin thì lần sau họ lại ghi đè lên băng. Tôi tìm cách lưu những cuộn băng VHS có thời lượng 60 - 180 phút. Từ năm 1997 đến năm 2012, để ghi nhớ và tiện sắp xếp, theo dõi, sau mỗi lần quay hình, với mỗi cuộn băng tôi đều cẩn thận đặt tên, ghi ngày và thứ tự trong một cuốn sổ nhỏ”, ông Hiền chia sẻ.
Qua nhiều năm, bộ sưu tập của ông Hiền ngày một dày lên, với gần 300 cuộn băng ghi hình. Từ năm 2013, khi chuyển sang ghi hình bằng máy quay công nghệ mới, ông Hiền lo lắng bởi thời gian lưu trữ càng dài thì khả năng mốc, hỏng hóc băng lại càng lớn. Hơn nữa, mọi người đều chuyển đổi sang kỹ thuật mới, thiết bị để mở được những cuộn băng VHS cũng dần mất đi.
Nhiều năm sau đó, ông tìm kiếm những thiết bị có thể chuyển đổi để lưu giữ các thước phim tốt hơn. Mãi đến năm 2015, khi có được công nghệ để số hóa tư liệu từ Analog sang kỹ thuật số, ông mới yên tâm. “Có thiết bị để chuyển kỹ thuật số, tôi mất gần 3 năm mới có thể chuyển đổi hết số cuộn băng đó. Sau khi hoàn thành việc chuyển đổi dữ liệu, tôi cảm thấy an tâm và rất vui”, ông Hiền tâm sự.
Đến nay, các dữ liệu được lưu trữ qua thẻ nhớ dễ dàng. Dù vậy, những cuộn băng gốc vẫn được ông Hiền thường xuyên kiểm tra và bảo quản trong tình trạng tốt. Không chỉ gìn giữ các tư liệu tác nghiệp, ông Hiền còn dụng tâm sưu tầm những thước phim cũ của đồng nghiệp từ trước những năm 1997.
Lan tỏa những giá trị thời gian
Bên cạnh việc lưu giữ tư liệu, ông Hiền thường xuyên chia sẻ những đoạn tư liệu lịch sử lên mạng xã hội. Đây cũng là cách ông lan tỏa hình ảnh quý giá về những năm tháng đoàn kết, nỗ lực để xây dựng Ngũ Hành Sơn ngày càng phát triển như hôm nay.
Kể về những kỷ niệm đáng nhớ, ông Hiền nhớ lại, ngày xưa khu Mỹ Thị (nay là phường Khuê Mỹ) vẫn còn là con đường đất, hoang vu. Thời điểm đó, Quận ủy Ngũ Hành Sơn có chủ trương vận động Nhà nước góp 70% và người dân đóng góp 30% để làm đường bê-tông nông thôn. Ngày khánh thành, những hình ảnh xúc động, hân hoan của người dân khi nhìn thấy con đường khang trang được ông Hiền lưu giữ cẩn thận. Ngày nay, Mỹ Thị có nhiều đổi thay với những con đường lớn khang trang. Tuy nhiên, với nhiều người dân từng trải qua thời điểm khó khăn đó, thì đây là phần ký ức rất đáng trân trọng.
Ông Huỳnh Phước Hiền dày công lưu giữ những thước phim tư liệu về quận Ngũ Hành Sơn qua các giai đoạn. Ảnh: N.PHƯƠNG |
Hay những hình ảnh về trận lụt lịch sử năm 1999, quận Ngũ Hành Sơn chìm trong biển nước. Với những thước phim tư liệu về thầy và trò Trường Tiểu học Trần Quang Diệu chung tay quyên góp, hỗ trợ bà con được ông Hiền giữ và phát lại sau hơn 20 năm đã thật sự chạm đến xúc cảm của nhiều người xem.
“Tôi rất xúc động mỗi khi nhìn thấy những thước phim do ông Hiền chia sẻ trên trang cá nhân về con người và quê hương Ngũ Hành Sơn. Những thước phim đó đã góp phần lưu giữ những ký ức đẹp theo năm tháng từ những ngày đầu quận mới thành lập. Việc làm của ông Hiền có ý nghĩa rất lớn và đây là nguồn tư liệu quý để phục vụ cho việc tuyên truyền đến thế hệ trẻ mai sau”, anh Nguyễn Văn Ngãi, phường Hòa Hải chia sẻ.
Vừa qua, tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập quận, chỉ một đoạn phóng sự ngắn nhưng để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều người con của quê hương Ngũ Hành Sơn về quá trình xây dựng và phát triển. “Không chỉ người dân mà chính các vị lãnh đạo cũng rất xúc động khi xem lại hình ảnh của bản thân. Chính họ cũng đang có sự so sánh xưa và nay cùng những nỗ lực xuyên suốt trong suốt thời gian. Nhiều người đã liên hệ để xin tôi những thước phim đó làm tư liệu. Đó chính là niềm vui của người sưu tầm tư liệu như tôi”, ông Hiền nói.
NGỌC PHƯƠNG