Văn hóa - Giải trí

Phát huy truyền thống làng văn hóa biển Kim Liên

09:20, 04/06/2022 (GMT+7)

Sau gần 15 năm thực hiện mô hình khu dân cư (KDC) văn hóa biển Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), điều kiện kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần, nhận thức của người dân từng bước được nâng cao, song điều đáng quý là những đổi thay không làm mai một đặc trưng, bản sắc riêng của làng chài truyền thống.

Sau gần 15 năm thực hiện mô hình khu dân cư văn hóa biển Kim Liên, kinh tế, đời sống của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn mang nhiều đặc trưng, bản sắc riêng của làng chài truyền thống. Ảnh: XUÂN DŨNG
Sau gần 15 năm thực hiện mô hình khu dân cư văn hóa biển Kim Liên, kinh tế, đời sống của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn mang nhiều đặc trưng, bản sắc riêng của làng chài truyền thống. Ảnh: XUÂN DŨNG

Gắn kết cộng đồng

Nằm dưới chân đèo Hải Vân, Kim Liên là tên một ngôi làng nhỏ ôm trọn bãi biển Nam Ô vào lòng như vòng tay người mẹ. Tuy là ngôi làng nhỏ, nhưng nơi đây có bề dày lịch sử lâu đời, gắn liền với nghề chài lưới truyền thống của ông cha. Cho đến nay, làng Kim Liên vẫn giữ được nét đẹp khá hoang sơ và yên bình.

Mỗi sáng hằng ngày, Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Hòa Hiệp Bắc lại mang cá tôm trở về sau một chuyến đánh bắt gần bờ. Tổ này được thành lập năm 2017, theo ý tưởng đề xuất của Chi cục Thủy sản thành phố, UBND phường Hòa Hiệp Bắc và Đồn Biên phòng Hải Vân.

Ông Nguyễn Quang (ngư dân làng Kim Liên) - tổ trưởng cho biết, bên cạnh việc đánh bắt thủy sản, nhiệm vụ của tổ là phối hợp lực lượng chức năng thực hiện các buổi tuyên truyền, vận động người dân, du khách về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển. Bên cạnh đó, những thành viên của tổ còn có vai trò là “tai mắt”, “cánh tay” đắc lực của lực lượng chức năng trong theo dõi, phát hiện những trường hợp vi phạm quy định về đánh bắt hải sản và xâm hại môi trường biển.

“Khi tham gia vào tổ, các ngư dân cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau trong việc vươn khơi đánh cá và những vấn đề liên quan trong nghề. Đây là một hoạt động điển hình của mô hình KDC văn hóa biển Kim Liên, giúp xây dựng tình làng nghĩa xóm, gắn kết cộng đồng ngư nghiệp tại địa phương”, ông Quang chia sẻ.

KDC văn hóa biển Kim Liên là mô hình thí điểm được UBND phường Hòa Hiệp Bắc và Đồn Biên phòng Hải Vân phối hợp triển khai từ năm 2008, nhằm xây dựng đời sống văn hóa ở KDC ven tuyến biên phòng. Kim Liên cũng là làng đầu tiên trên địa bàn thành phố thực hiện mô hình này.

Đến nay, sau gần 15 năm, mô hình vẫn được duy trì và mang lại hiệu quả, giúp thay đổi đời sống của người dân làng Kim Liên theo hướng tích cực.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Bí thư Chi bộ KDC số 9 (phường Hòa Hiệp Bắc) cho biết, nhiều năm trước, ngư nghiệp là nghề mưu sinh chính của người dân làng Kim Liên. Đến nay, dù chỉ còn khoảng 60/350 hộ gia đình còn theo nghề này nhưng nét đẹp làng chài vẫn được người dân gìn giữ, trân trọng.

Theo bà Nga, từ khi triển khai mô hình, các hộ gia đình chung sức xây dựng tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ nhau bằng cả vật chất lẫn tinh thần để vượt qua những khó khăn. Nhờ vậy, đời sống kinh tế, nhận thức của người dân từng bước được nâng lên; nhiều hoạt động văn hóa lành mạnh, phong phú được tổ chức với sự tham gia của toàn thể nhân dân.

“Điểm nổi bật nhất trong thực hiện mô hình KDC văn hóa biển Kim Liên là sự chuyển biến trong ý thức người dân. Nếu như trước đây, tình hình an ninh trật tự KDC không ổn định, môi trường nhếch nhác thì nay văn hóa ứng xử, lối sống lành mạnh, tinh thần đoàn kết của người dân được nâng lên rõ rệt. Bãi biển sạch đẹp, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí, thể dục - thể thao của nhân dân toàn phường”, bà Nga nhấn mạnh.

Giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống

Nhắc đến KDC văn hóa biển Kim Liên, không thể không nói đến bản sắc văn hóa đặc trưng của một làng chài truyền thống. Sở dĩ Kim Liên duy trì tốt mô hình KDC văn hóa biển cũng một phần nhờ bà con rất coi trọng những giá trị văn hóa đặc trưng của cư dân miền biển.

Ông Huỳnh Văn Lộc, cao niên làng Kim Liên cho biết, từ khi có mô hình, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng được người dân quan tâm gìn giữ, tự nguyện tham gia đóng góp tu sửa, nâng cấp công trình văn hóa - lịch sử. Tại KDC có Lăng Ông là di tích lịch sử cấp thành phố, có ý nghĩa quan trong trong đời sống tinh thần người dân. Mỗi dịp đầu năm mới (17-2 âm lịch), bà con KDC văn hóa biển Kim Liên lại tưng bừng tổ chức lễ hội văn hóa biển tại đây. Trong đó, có lễ cầu an, cầu ngư mong một năm mưa thuận, gió hòa, đánh bắt được nhiều hải sản.

“Chúng tôi rất tự hào, phấn khởi và cảm ơn thành phố đã hỗ trợ triển khai mô hình KDC văn hóa biển tại đây. Từ khi có mô hình, các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông được toàn bộ người dân quan tâm, tham gia hưởng ứng, đóng góp một cách tích cực. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức xây dựng KDC văn hóa biển Kim Liên thành một điểm sáng trong việc toàn dân xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”, ông Lộc chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc Nguyễn Minh Hoàng cho biết, sau gần 15 năm thực hiện mô hình KDC văn hóa biển, mọi mặt từ đời sống, văn hóa, kinh tế của làng Kim Liên nói riêng, phường Hòa Hiệp Bắc nói chung đều được nâng lên rõ rệt. Nhằm duy trì, phát huy tốt mô hình KDC văn hóa biển Kim Liên, địa phương xác định tiếp tục tập trung vào lĩnh vực phát triển kinh tế.

Trong đó, trọng tâm là đầu tư xây dựng KDC văn hóa biển Kim Liên trở thành một làng nghề truyền thống theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ về hình thành mỗi phường, xã một sản phẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục bổ sung, thay đổi các quy ước cộng đồng về xây dựng KDC văn hóa biển nhằm nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi của người dân.

Đồng thời, định hướng Hội Người cao tuổi tham gia tập huấn cho đội ngũ thế hệ trẻ về các bản sắc văn hóa của KDC văn hóa biển. Qua đó, bảo tồn, phát huy tốt truyền thống của quê hương trong quá trình đô thị hóa hiện nay.

XUÂN DŨNG

.