Nhân kỷ niệm 150 năm Ngày sinh nhà yêu nước Phan Châu Trinh (9-9-1872 - 9-9-2022), sáng 9-9, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh".
Hội thảo khoa học "Tư tưởng canh tân của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh" thu hút hơn 200 đại biểu tham dự - Ảnh: Chinhphu.vn |
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định với trí tuệ thông minh và học vấn uyên thâm, nhà yêu nước Phan Châu Trinh dùng ngòi bút của mình để chuyển tải tư tưởng yêu nước, thương dân, đấu tranh, lên án chính sách bóc lột, đàn áp tàn bạo của thực dân, phong kiến. Các tác phẩm của Phan Châu Trinh đều thể hiện sự thiết tha của một tấm lòng, một nhân cách yêu nước vĩ đại.
Hơn 20 năm hoạt động cứu nước, ông đã cống hiến trọn đời mình cho nhân dân, cho dân tộc, từ bị giam cầm trong lao tù, vất vả lao động kiếm sống nơi đất khách quê người và lúc trở về cõi vĩnh hằng trong lòng vẫn mong cho dân tộc được độc lập, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Tại hội thảo, 50 tham luận và các ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên cả nước đã tập trung phân tích về bối cảnh lịch sử tác động đến việc hình thành tư tưởng của nhà yêu nước Phan Châu Trinh; tư tưởng canh tân của ông.
Các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm phát huy các giá trị tư tưởng canh tân, đổi mới của nhà yêu nước Phan Châu Trinh, nhất là tư tưởng về xây dựng ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.
Nhà yêu nước Phan Châu Trinh sinh ngày 9-9-1872 tại làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, nay thuộc thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
Năm 1900, ông đỗ Cử nhân, một năm sau đỗ Phó bảng; năm 1903, Phan Châu Trinh được bổ nhiệm Thừa biện Bộ Lễ của triều đình nhà Nguyễn.
Trong thời gian ở Huế, ông có đọc sách viết về công cuộc Duy tân ở Nhật Bản, tiếp cận chủ thuyết Tam dân "Dân tộc độc lập - Dân quyền tự do - Dân sinh hạnh phúc" của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, cùng với xu hướng dân chủ tư sản của các nhà dân chủ Pháp, những kế sách cải cách của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ...
Tất cả những điều này đã tác động mạnh đến tư tưởng của Phan Châu Trinh. Vì vậy, tuy sống và làm quan ở kinh đô nhưng tấm lòng luôn mang nặng nỗi đau của người dân mất nước. Do đó, từ năm 1904, ông từ quan trở về quê, tại làng Thạnh Bình (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) gặp Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu để bàn việc cứu nước.
Trước cảnh lầm than của nhân dân, Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước phải từ nội lực của nhân dân, cứu nước trước hết phải cứu dân, từ đó ông đưa ra chủ thuyết canh tân "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".
Năm 1905, Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp lên đường vào Nam và cùng các nhân sĩ hô hào duy tân, cải cách. Đầu năm 1906, ông ra Bắc, chuẩn bị thành lập cơ sở Duy tân tại Hà Nội, rồi lên Yên Thế, tìm hiểu hoạt động chống Pháp của Hoàng Hoa Thám; sau đó sang Trung Quốc, Nhật Bản gặp Phan Bội Châu, đồng thời tìm hiểu chính sách duy tân của nước Nhật.
Trên hành trình bôn ba trong nước, Phan Châu Trinh không ngừng truyền bá tư tưởng dân chủ, dân quyền với mục đích cuối cùng là giải phóng dân tộc, cứu dân thoát khỏi ách nô lệ. Với ảnh hưởng ấy, phong trào Duy Tân đã thu hút đông đảo các nhân sĩ yêu nước.
Phan Châu Trinh vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào cắt tóc ngắn, dùng hàng nội, học chữ quốc ngữ, bài trừ mê tín dị đoan..., nhờ đó, phong trào đã trở thành hành động phát triển mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân.
Với tư tưởng tự tôn dân tộc, Phan Châu Trinh vận động "Dĩ thương hợp quần", thành lập nhiều thương hội để tập hợp những người yêu nước, lo cho dân giàu, nước mạnh. Trong đó, Quảng Nam là nơi đầu tiên thực nghiệm chủ trương này với Hiệp thương Công ty ở Hội An, Thương học Công ty ở Tiên Phước, nhiều đồn điền khai khẩn ở Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn... được thành lập.
Về dân trí, các trường học duy tân được thành lập, trong đó tập trung nhiều nhất tại Quảng Nam như ở Diên Phong, Phước Bình, Phú Lâm, Đại Lộc... Với sự thành công của các mô hình cải cách tiến bộ này, các nhân sĩ yêu nước ở các tỉnh thành đã học tập, tiếp thu và nhân rộng ra cả nước.
Những năm tiếp theo, nền tảng tư tưởng dân chủ, dân sinh được bén rễ ở nông thôn và dưới ảnh hưởng hoạt động của nhà yêu nước Phan Châu Trinh, nhân dân nhiều nơi trên cả nước không thể chịu nổi áp bức, cường quyền, cuộc sống lầm than cơ cực, đã nhất tề vùng lên; phong trào chống sưu thuế là kết quả tất yếu của phong trào Duy Tân do nhà yêu nước Phan Châu Trinh khởi xướng, trong đó quy mô lớn nhất được khởi phát từ chính quê hương Quảng Nam vào năm 1908.
Từ đây, phong trào nhanh chóng lan ra khắp Trung Kỳ, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Lần đầu tiên trong lịch sử, có những cuộc biểu tình nổi dậy đòi dân sinh, dân chủ thể hiện sức mạnh của quần chúng nhân dân lao động, làm rung động cả chính quyền thực dân và phong kiến.
Theo Chinhphu.vn