'Big Bang' của lòng yêu nước

.

Một ngày đầu Xuân năm Bính Dần 1926, chí sĩ Phan Châu Trinh đã ra đi vĩnh viễn tại Sài Gòn. Đám tang của ông, dưới cái nhìn của nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn, là một “Big Bang của lòng yêu nước”.

Lễ tang Phan Châu Trinh năm 1926. (Ảnh tư liệu)
Lễ tang Phan Châu Trinh năm 1926. (Ảnh tư liệu)

Sau 14 năm sống trên đất Pháp với rất nhiều hoạt động sôi nổi, Phan Châu Trinh không còn mơ hồ về một nước Pháp theo tinh thần “dân quyền” của Montesquieu và J.J Rousseau và ông đã chua chát thốt lên: “Bấy lâu nay, bọn mình ở bên này có đăng báo chương, hô hào các hạng người Pháp có lương tâm ngõ hầu giúp người An Nam đánh đổ cường quyền áp chế, nhưng kết quả chẳng được là bao” (Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp, 1911-1925, NXB Đông Nam Á, 1983, trang 135).

Phan Châu Trinh quyết định về nước tiếp tục công cuộc đấu tranh bất bạo động, thực hiện đường lối khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Sau nhiều lần ông đòi chính phủ Pháp cho trở về nhưng bị từ chối, đến năm 1924, khi thấy sức khỏe ông đã suy kiệt, họ mới cho về. Ông liền viết thư gửi Nguyễn An Khương nhờ cụ cho người con trai là Nguyễn An Ninh sang đón về.

Ngày 29-5-1925, Phan Châu Trinh cùng Nguyễn An Ninh xuống tàu rời Pháp, ngày 28-6 về đến Sài Gòn. Được cụ Nguyễn An Khương và người em là thầy thuốc Nguyễn An Cư chăm sóc chu đáo nên sức khỏe của Phan Châu Trinh khá lên. Ông lao ngay vào các hoạt động, tiêu biểu là thực hiện hai cuộc diễn thuyết vào cuối năm 1925 với đề tài Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa, Đạo đức và luân lý Đông - Tây.

Sau Tết Bính Dần, bệnh ông trở nặng, đến đầu tháng Hai âm lịch, nhằm ngày 24-3-1926, lúc 21 giờ 30, ông trút hơi thở cuối cùng tại số nhà 54 Pellerin.

Nói về những giờ phút cuối của cha mình, bà Phan Thị Châu Liên cho biết trên Tạp chí Bách Khoa số tháng 3-1974: “Người ngoài khi nghe tin cậu tôi bị suy kiệt tưởng đâu đã phều phào không cựa nổi, không nói nổi. Nhưng thật ra cậu tôi vẫn còn nói và nói rất hăng, lời nói tự như từ tâm can vọt ra chứ không phải từ thể xác suy kiệt nữa… Đêm cuối cậu tôi bảo thay vải trải giường cho cậu nằm rồi vĩnh biệt hết bạn thân trước khi trút hơi thở cuối cùng, thanh thản ra đi”.

Huỳnh Thúc Kháng là người cuối cùng gặp Phan Châu Trinh, kể lại: “Khi đến Sài Gòn, bệnh Tây Hồ (hiệu của Phan Châu Trinh) đã trầm trọng, không ngồi dậy được chỉ ngó nhau cười nhưng nhân khi nói chuyện mà có lời vĩnh quyết: “Hai ta được thấy nhau trên trần gian này một khoản ngắn ngủi cũng đủ rồi, can trường bình sinh đã soi dọi nhau, không cần bàn nhiều”. Đêm đó Tây Hồ qua đời!”.

Linh cữu Phan Châu Trinh được quàn tại khách sạn Bá Huê Lầu, số 54 đường Pellerin (nay là đường Pasteur). Một Hội đồng Trị sự 16 người gồm đủ mọi thành phần và địa phương được thành lập do Bùi Quang Chiêu làm Chủ tịch để tổ chức “quốc tang” cho Phan Châu Trinh.

Trước khi tổ chức tang lễ, Phan Khôi viết lời hiệu triệu gửi quốc dân đồng bào thông báo cái chết và nêu công đức của nhà cách mạng. Ban tổ chức đã nêu rõ ý nghĩa và cách thức tổ chức tang lễ: “Nhà cách mạng Phan Châu Trinh suốt đời tranh đấu cho chính nghĩa quốc gia, cho áp bức của dân tộc, nay người tạ thế, thì toàn dân Việt Nam phải có bổn phận làm tang lễ linh đình để mọi người công dân tham dự, đền đáp một phần công ơn của người đối với quốc gia dân tộc”... “Ở Sài Gòn và vùng lân cận các trường học và nhà buôn công nghệ An Nam sẽ đóng cửa ngày 4-4. Mỗi tỉnh cử một đại biểu về Sài Gòn để dự lễ, nơi nào không về dự được thì tổ chức lễ truy điệu tại chỗ”. Lời đạt cũng căn dặn: “Ban tổ chức đã chuẩn bị vải đen, vải trắng làm băng tang. Xin đừng mua nhiều hương, vòng hoa mà lãng phí. Tiền phúng viếng dành để xây dựng mộ phần, dựng tượng cụ và xuất bản sách vở truyền bá tư tưởng của cụ”.

Tang lễ được cử hành theo nghi thức quốc tang. Đại diện các nhà cách mạng, các đảng phái, công chức, học sinh, thợ thuyền, các điền chủ đều đến nghiêng mình trước linh cữu người quá cố, mỗi ngày có đến hàng ngàn người. Tất cả các báo Sài Gòn đều đăng bài và hình ảnh về lễ quốc tang cùng lời phân ưu của các cá nhân, đoàn thể đối với gia đình Phan Châu Trinh.

Ngày đưa tang (4-4) có hơn 1/4 dân số Sài Gòn - Gia Định với độ 100.000 người để tang lặng lẽ theo sau quan tài (lúc này số dân nước ta khoảng 16 triệu, thành phố Sài Gòn - Gia Định chưa tới 350.000 người). Dọc hai bên đường di quan, các nhà hàng, tiệm buôn đều đóng cửa, nhiều nơi bày hương án trước nhà để tiễn đưa.

Tại khu vực nghĩa trang có hơn 200 biểu ngữ, bích chương, câu đối viết bằng ba thứ chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ ca ngợi nhà ái quốc vĩ đại. Theo GS. Chương Thâu, có đến hàng ngàn thư từ, câu đối, điện tín gửi đến Ban tổ chức với hàng chục ngàn người ký tên phía dưới. Trước khi hạ huyệt, nhiều bài điếu văn được tuyên đọc bằng những lời bi ai, xúc động, bày tỏ lòng thương tiếc Phan Châu Trinh và xin hứa sẽ kế tục sự nghiệp tranh đấu của ông cho đến khi thành công.

Có hàng trăm nhân vật nổi tiếng thuộc đủ mọi thành phần, quan điểm, khuynh hướng cả trong và ngoài nước đã tham dự lễ tang, lễ truy điệu hoặc gửi câu đối chia sẻ sự mất mát lớn lao này, tiêu biểu có: Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Ngô Đức Kế, Lê Huân, Huỳnh Thúc Kháng, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Lê Dư, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Trần Tuấn Khải, Lê Thước, Võ Liêm Sơn, Phạm Liệu, Bạch Thái Bưởi, Trần Đình Nam, Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Trần Huy Liệu… Cognaq (Thống đốc Nam Kỳ), Yves Chatel (Giám đốc Công chánh Đông Dương), Maurice Violette (Toàn quyền Algérie)...

Ban tổ chức cũng nhận được số tiền phúng điếu lên đến hơn 10.000 đồng (tương đương 18 tỷ đồng ngày nay) để xây phần mộ cho cụ.

GS. Chương Thâu nhận định: “Chưa có một nhân vật lịch sử, nhân vật văn hóa ở nước ta từ trước cho đến thời điểm đó đã dành được sự trọng vọng lớn lao và một cảm tình sâu sắc đến như vậy!”. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn, đám tang của Phan Châu Trinh là “Big Bang của lòng yêu nước”, mượn ý vụ nổ lớn mà nhiều nhà khoa học tin rằng đã tạo ra vũ trụ để nói về sự “kích hoạt” lòng ái quốc từ một đám tang.

LÊ THÍ

;
;
.
.
.
.
.