Văn hóa - Giải trí

Lan tỏa phong trào hiến tặng hiện vật cho bảo tàng

13:42, 26/11/2022 (GMT+7)

Các bảo tàng tại Đà Nẵng luôn được những nhà nghiên cứu, sưu tầm, nghệ nhân trên cả nước quan tâm, hiến tặng hiện vật. Đây là việc làm ý nghĩa, giúp các bảo tàng thêm đa dạng, phong phú nguồn tư liệu, hiện vật trưng bày cho công chúng; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa - nghệ thuật truyền thống quý báu của quê hương, đất nước.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Vỹ (bên phải) tặng giấy khen cho nhà nghiên cứu, sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa. Ảnh: X.D
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Vỹ (bên phải) tặng giấy khen cho nhà nghiên cứu, sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa. Ảnh: X.D

Phong trào hiến tặng hiện vật cho các bảo tàng diễn ra từ nhiều năm nay và ngày càng khởi sắc, thu hút đông đảo tổ chức, cá nhân trên cả nước tham gia đóng góp. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, từ khi thành lập năm 2016 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận gần 1.200 hiện vật được hiến tặng. Riêng trong năm 2022, bảo tàng này tiếp nhận 262 hiện vật đã được các họa sĩ, nhà sưu tầm, nghệ nhân trân trọng gìn giữ nhiều năm qua.

Đặc biệt, trong số đó có đến 240 hiện vật tranh dân gian do nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội hiến tặng. Các tranh dân gian này thuộc nhiều dòng như: tranh Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ, tranh đồ thế vẽ tay Huế, tranh kính Huế…; được nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa dày công nghiên cứu, sưu tầm hàng chục năm với nhiều tác phẩm mộc bản quý hiếm.

Nói về cơ duyên hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng là một trong số những bảo tàng có diện tích rộng, vị trí ở trung tâm thành phố, chuyên môn tốt, trưng bày đẹp. Trong bảo tàng có một không gian trưng bày tranh dân gian làng Sình, dù không lớn nhưng chứng tỏ đây là một đơn vị chú trọng mảng tranh dân gian. Do đó, bà quyết định hiến tặng để bổ sung, làm phong phú thêm mảng tranh dân gian của bảo tàng, phục vụ tốt hơn cho người dân và du khách.

Theo nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, bản chất việc hiến tặng cho bảo tàng công trước hết có ý nghĩa giúp hiện vật có thể được gìn giữ bền lâu và có điều kiện phát huy hiệu quả giá trị. Tiếp đó, giúp lan tỏa phong trào hiến tặng hiện vật, huy động sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản.

“Tôi sẽ tiếp tục sưu tầm và hiến tặng thêm cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng để hoàn hiện hệ thống tranh dân gian của cả nước. Tôi tin tưởng rằng, với chuyên môn, năng lực và những con người tâm huyết, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sẽ bảo tồn, phát huy tốt các hiện vật này. Qua đó, lan tỏa giá trị văn hóa - nghệ thuật truyền thống đến công chúng”, bà Hòa bày tỏ.

Tại Bảo tàng Đà Nẵng, phong trào hiến tặng hiện vật được phát động từ năm 2012 đến nay và mang lại hiệu quả thiết thực. Suốt thời gian qua, nhiều cuộc vận động hiến tặng tài liệu, hiện vật nhằm đa dạng hóa các hoạt động trưng bày, đáp ứng nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hóa của công chúng và du khách.

Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Phan Công Hải cho biết, trong 10 năm nay, đơn vị tiếp nhận hơn 100 hiện vật hiến tặng cách mạng, kỷ vật kháng chiến từ các tổ chức, cá nhân. Trong đó, nhiều hiện vật có giá trị rất lớn như: hiện vật của gia đình đồng chí Hồ Nghinh hiến tặng; kỷ vật của đồng chí Trần Thận, nguyên Khu ủy viên Khu 5… Riêng năm 2022, Bảo tàng Đà Nẵng tiếp nhận 27 tài liệu, hiện vật của 9 cá nhân. “Với trách nhiệm của mình, bảo tàng sẽ lưu giữ, khai thác hiệu quả những hiện vật được hiến tặng. Đây cũng là cách tôn trọng, tri ân quá khứ, đồng thời phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi người dân. Bảo tàng cũng hy vọng tiếp tục nhận thêm sự chung tay, hưởng ửng của cộng đồng trong phong trào này. Vì mỗi sự chậm trễ lúc này có thể làm 1 bức ảnh quý bị thất lạc, 1 hiện vật giá trị bị hư hỏng hay mất dấu”, ông Hải nói.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Vỹ, trong những năm qua, công bảo tồn và phát huy giá trị di sản của thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, các bảo tàng nhận được rất nhiều sự quan tâm của công chúng về nhiều mặt, đặc biệt là sự tham gia hiến tặng hiện vật của các tác giả, nhà sưu tầm trong và ngoài nước. Đây là hành động rất ý nghĩa, góp phần làm phong phú bộ sưu tập tài liệu, hiện vật của các bảo tàng. Qua đó, đem đến cho công chúng những giá trị văn hóa đa dạng về loại hình, nội dung. Đối với những hiện vật được hiến tặng, ngành văn hóa luôn đánh giá một cách nghiêm túc giá trị lịch sử, nghệ thuật, kinh tế của di sản. Đồng thời, có kế hoạch trưng bày phù hợp với từng thời điểm, đối tượng để phát huy tối đa những di sản được tiếp nhận.

“Nhân ngày di sản văn hóa Việt Nam 23-11, chúng tôi mong muốn trong thời gian đến các cấp chính quyền, tổ chức xã hội và người dân dành sự quan tâm hơn nữa đến giá trị di sản văn hóa của thành phố. Từ đó, đưa giá trị di sản đi vào vào đời sống kinh tế - xã hội của thành phố ngày càng tốt hơn”, ông Vỹ bày tỏ.

XUÂN DŨNG

.