Trước bối cảnh hội nhập, giao thoa văn hóa hiện nay, yêu cầu cấp thiết là xây dựng quy chuẩn hệ giá trị con người Việt Nam thật cụ thể để từ đó kích hoạt nguồn “sức mạnh mềm” của dân tộc Việt Nam.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu tham quan trưng bày triển lãm sách, tài liệu "Xây dựng và phát huy giá trị văn hoá chất sức mạnh con người Việt Nam." (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN) |
Những thông tin thời sự hàng ngày, hàng giờ trên truyền thông và mạng xã hội thời gian gần đây khiến chúng ta không khỏi “giật mình” quan ngại về chuẩn mực đạo đức và lối sống của con người.
Vụ việc con đổ xăng đốt mẹ, đóng đinh vào đầu bé gái… khiến dư luận và báo chí xôn xao, đặt câu hỏi phải chăng nhân tính của con người trong xã hội hiện đại đang băng hoại nghiêm trọng?
Trong bối cảnh đó, hội thảo "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" diễn ra ngày 29/11 đã “chạm” đến những vấn đề hết sức cấp thiết, đưa ra những giải pháp rất đúng và “trúng” để kích hoạt nguồn “sức mạnh mềm” của dân tộc Việt Nam.
Phát triển hệ giá trị con người để thay đổi xã hội
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo lắng rằng về tình trạng “sa mạc hóa” tâm hồn, “lệch chuẩn” đạo đức bởi các khái niệm, quy chuẩn hành xử của con người trong xã hội hiện đại còn nhiều điểm chưa rõ ràng.
Chẳng hạn, nói đến văn hóa, người ta thường nghĩ đến những hoạt động như biểu diễn, lễ hội… Thế nhưng, giáo sư-tiến sỹ Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương cho rằng quan điểm đó là chưa đầy đủ bởi nói về văn hóa cũng là nói về con người, vì văn hóa là của con người, do con người, vì con người, cốt lõi của xây dựng văn hóa là xây dựng con người.
“Phải xác định được tầm quan trọng của vấn đề, xác định được mục tiêu cao nhất, trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa là xây dựng, nuôi dưỡng, gìn giữ và phát triển các hệ giá trị con người thì chúng ta mới có thể tạo ra thay đổi trong xã hội,” giáo sư, tiến sỹ Đinh Xuân Dũng nói.
Phó giáo sư-tiến sỹ khoa học Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, đồng tình với quan điểm trên.
Ông cho rằng chất lượng của việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam "đang có vấn đề" nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, gây nên rất nhiều hệ lụy không mong muốn cho chính con người và xã hội, cản trở công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
“Hệ giá trị con người là yếu tố cốt lõi với nhiều giá trị xuyên suốt các hệ giá trị khác. Hệ giá trị con người ẩn chứa, kết tinh, thấm đẫm trong nhiều mặt, nhiều nội dung của các hệ giá trị khác,” ông Lương Đình Hải khẳng định.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người cho rằng nguồn lực các hệ giá trị là nội sinh, nếu không dùng sẽ bị lu mờ, hao mòn và mất đi sức mạnh, cạn kiệt dần. Ngược lại, chúng ta càng khai thác thì nguồn lực này càng được bổ sung, phát triển mạnh mẽ, có tác động sâu rộng và bùng lên mãnh liệt.
Cần có Nghị quyết về phát triển con người
Khẳng định tầm quan trọng của hệ giá trị con người trong đời sống ngày nay, các chuyên gia cho rằng Đảng cần có nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển con người, để có thể xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
“Mặc dù Đảng đã xác định con người là mục tiêu, là động lực, là trung tâm của sự phát triển; công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều phải do con người, vì con người, tuy nhiên, trong thực tế chúng ta chưa có nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển con người,” phó giáo sư-tiến sỹ khoa học Lương Đình Hải cho hay.
Ông đề xuất cần có một nghị quyết chuyền đề về xây dựng và phát triển con người với đầy đủ các nội dung phong phú về con người đối với phát triển bền vững đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người Việt Nam nói riêng, là những nội dung cơ bản không thể thiếu.
Đóng góp ý kiến về vấn đề này, phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Thị Lan, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay bà đồng thuận với 7 tiêu chí mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng đề xuất về hệ giá trị con người, bao gồm: Yêu nước, trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, trung thực, đoàn kết, nhân ái.
“Các giá trị yêu nước, đoàn kết, nhân ái thuộc về những giá trị truyền thống. Đây cũng là 3 giá trị điển hình tạo nên sức mạnh Việt Nam từ trong lịch sử đến hiện tại và đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Còn 4 giá trị tiếp theo: Trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, trung thực là những giá trị hiện đại, cũng là những điểm còn yếu trong phẩm chất con người Việt Nam hiện nay,” bà Đặng Thị Lan cho hay.
Chia sẻ với báo chí, tiến sỹ Hồ Bá Thâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam cần được thực hiện nhanh chóng, cụ thể, rõ ràng sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
“Những vấn đề không được đưa vào luật thì để dưới dạng quy ước cộng đồng gắn với các chuẩn mực về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, khu dân cư, đơn vị công tác. Cán bộ, Đảng viên phải là những người nêu gương, thực hiện hệ chuẩn mực con người Việt Nam cụ thể ở nơi sinh sống, công tác, học tập, lao động sản xuất. Thêm vào đó, chúng ta cần quy định đánh giá hàng năm và xem xét những nội dung cần bổ sung chỉnh lý và tổ chức rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai,” ông Hồ Bá Thâm đề xuất.
Theo Vietnam+