Văn hóa - Giải trí

Gắn bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ tu với phát triển du lịch

10:39, 07/01/2023 (GMT+7)

Nhằm làm phong phú thêm sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, thành phố đã và đang triển khai một số hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số, trong đó có nghề dệt thổ cẩm của người Cơ tu.

Nghệ nhân người Cơ tu trình diễn nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại Bảo tàng Đà Nẵng.  Ảnh: X.D
Nghệ nhân người Cơ tu trình diễn nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: X.D

Cuối năm 2022, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, UBND huyện Hòa Vang tổ chức tập huấn thực hành di sản phi vật thể “Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ tu”. Đây là một hoạt động trong dự án mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa phi vật thể (Cục Di sản văn hóa) cho biết, dự án là hoạt động nhằm triển khai kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Dự án này sử dụng các di sản văn hóa phi vật thể có tính chất tương đồng của dân tộc thiểu số để tạo thành những điểm đến trong hành trình du lịch di sản ở quy mô vùng, miền hoặc liên tỉnh, liên vùng. Trong đó, nghề dệt thổ cẩm của người Cơ tu ở huyện Hòa Vang và huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) được lựa chọn là nơi thực hiện dự án, gắn với hành trình du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng. “Đây là cơ hội để những người đang thực hành nghề dệt truyền thống của người Cơ tu chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, bà Trang nói.

Tham gia vào dự án, chị Trần Thị Phương, thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) cho biết, dệt vải thổ cẩm không dễ, tốn nhiều thời gian và công sức. Đầu tiên là phải chọn màu và cuốn từng loại chỉ thành các cuộn tròn to, phải làm bằng tay và cuốn theo đúng cách để chỉ không bị rối khi dệt, sau đó căng từng sợi chỉ lên các thanh gỗ của khung cửi, cuối cùng mới đến công đoạn dệt từng sợi chỉ thành tấm vải. Trung bình phải mất từ 10 đến 15 ngày mới dệt xong một mảnh vải. Trong khi đó, giá thành của sản phẩm dệt thổ cẩm không cao, chỉ dao động khoảng trên dưới 1 triệu đồng nên không thu hút được người theo nghề.

“Được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, chúng tôi được trao đổi kinh nghiệm trong công tác truyền dạy nghề và có kỹ năng giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm cho khách du lịch. Đặc biệt, thông qua dự án, chị em theo nghề dệt thổ cẩm cũng yên tâm hơn vì được các cấp chính quyền hỗ trợ giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm để ổn định thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình”, chị Phương chia sẻ.

Những năm qua, thành phố, huyện Hòa Vang đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội nhằm huy động nguồn lực cho bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân cho biết, từ năm 2018, huyện đã tổ chức cho đồng bào Cơ tu học nghề dệt ở Quảng Nam; tổ chức các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ Cơ tu của huyện. Đến nay, nghề dệt thổ cẩm của người Cơ tu đang được khôi phục dần với những sản phẩm chất lượng.

Vừa qua, thành phố ban hành đề án xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Cơ tu trên địa bàn giai đoạn 2022-2030. Trong đó, có nội dung sẽ đầu tư mua sắm trang phục cho người dân, học sinh, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm tại chỗ. Điều này sẽ góp phần tăng đầu ra sản phẩm, kích thích sự phát triển nghề dệt thổ cẩm của bà con Cơ tu.

“Hiện nay, huyện Hòa Vang có hơn 20 phụ nữ làm nghề dệt thổ cẩm. Để phát triển nghề này, gần một năm nay, huyện triển khai tour giáo dục văn hóa, đưa khách du lịch đến các thôn của người Cơ tu và họ rất thích sản phẩm dệt thổ cẩm. Ngoài ra, huyện cũng tổ chức thêm các lớp tập huấn kỹ năng phục vụ du lịch cho người Cơ tu theo hướng chuyên nghiệp hơn để phát triển loại hình du lịch di sản trên địa bàn”, ông Tân thông tin.

Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, người Cơ tu là một tộc người còn bảo lưu tương đối nguyên vẹn các yếu tố văn hóa truyền thống có giá trị, trong đó có nghề dệt và trang phục. Đây là một trong những thành tố góp phần hình thành không gian văn hóa đặc sắc của tộc người Cơ tu cư trú trên dải Trường Sơn. Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ tu thể hiện sức sống mãnh liệt của nền văn hóa dân tộc thiểu số. Mỗi sản phẩm dệt Cơ tu có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, vừa là của cải, thể hiện sự giàu có. Đặc biệt, sản phẩm dệt thổ cẩm còn được ví như những tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng nhiều tinh hoa, nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa dân tộc. Các hoạt động tập huấn, dự án di sản kết nối cho đồng bào Cơ tu tại huyện Hòa Vang vừa qua bước đầu giúp nâng cao năng lực cho chính quyền và cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. “Nghề dệt thổ cẩm Cơ tu sẽ trở thành một sản phẩm du lịch di sản đặc sắc của huyện Hòa Vang trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thêm các di sản có tiềm năng khác để trở thành sản phẩm du lịch phục vụ nhân dân và du khách”, ông Thiện nói.

XUÂN DŨNG

.