Văn hóa - Giải trí
Khi nghệ thuật truyền thống đến gần với công chúng
ĐNO - Tối 8-2, tại sân khấu khu công viên Hà Khê (quận Thanh Khê), nhiều tiết mục nghệ thuật truyền thống được các nghệ sỹ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trình diễn, thu hút đông đảo người dân đến thưởng thức. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê 2023 được tổ chức từ ngày 8 đến 10-2.
Trích đoạn trong vở tuồng Thoại Khanh - Châu Tuấn đã mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc khó quên. |
Tại chương trình, đa dạng các tiết mục được biểu diễn như: hoà tấu nhạc cụ dân tộc, độc tấu đàn bầu, hát tuồng (trích đoạn trong vở Thoại Khanh - Châu Tuấn), hát chầu văn, hát sắc bùa, múa truyền thống…Các tiết mục hướng đến chủ đề nông nghiệp, đời sống của người dân vùng biển, những nghĩa tình giữa người với người (đạo hiếu, đạo vợ chồng), mang lại cho khán giả những tiếng cười sảng khoái nhưng không kém phần sâu sắc.
Có mặt tại địa điểm văn nghệ từ lúc mở màn đến khi kết thúc chương trình, vợ chồng ông Nguyễn Thà (SN 1944, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) không ngừng bày tỏ sự yêu thích với các tiết mục bằng những tràng pháo tay giòn giã. Dù đã từng xem vở tuồng Thoại Khanh - Châu Tuấn từ rất lâu nhưng khi được xem lại, vợ chồng ông vẫn cảm thấy rất lôi cuốn.
Ông Thà chia sẻ: “Tôi cảm thấy lần xem này còn hay hơn cả lần trước. Được thưởng thức nghệ thuật truyền thống trong một không gian thoáng đãng, mát mẻ, miễn phí và chỉn chu như vậy, đối với tôi thật sự rất ý nghĩa. Những chương trình như thế này sẽ giúp bà con không quên văn hóa của dân tộc”.
Bà Nguyễn Thị Dương (SN 1957), vợ ông Thà bày tỏ: “Tiết mục nào cũng hay và đặc sắc. Tôi thấy rất vui sướng khi được thưởng thức đầy đủ và trọn vẹn các tiết mục. Những món ăn tinh thần như hôm nay cần được phát huy hơn nữa”.
Một tiết mục hát chầu văn tại đêm diễn |
Là một người trẻ có đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, chị Phan Nguyễn Bảo Duyên (SN 1997, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) vừa dõi theo, vừa ghi lại những cảm nhận, những chi tiết hay sau mỗi tiết mục. Chị Duyên tâm sự: “Tôi rất xúc động khi xem tiết mục trích đoạn Thoại Khanh - Châu Tuấn. Dù là chuyện xưa nhưng những bài học ẩn chứa trong đó vẫn có giá trị trong cuộc sống hiện đại. Đặc biệt, chi tiết người mẹ dặn con trước khi lên đường đã chạm đến trái tim tôi, khiến tôi hiểu được sự quan tâm lo lắng của ba mẹ khi con cái sống xa nhà”.
Bên cạnh đó, theo chị Duyên, chương trình đã giúp chị biết nhiều hơn về văn hóa truyền thống của ông cha. Đây là dịp để những người trẻ có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống. Đồng thời, chị Duyên cảm nhận, đêm diễn đã mang đến một sức sống mới cho người dân nơi đây trong dịp xuân.
Lần đầu tiên được xem các tiết mục múa, hát truyền thống, em Đinh Lê Khánh Ly (SN 2011, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) không ngừng chăm chú dõi theo từng chuyển động của các nghệ sỹ biểu diễn trên sân khấu, những điều mà lâu nay em chỉ được nhìn thấy qua điện thoại, tivi.
“Được xem biểu diễn trực tiếp như thế này em thấy rất sinh động, các cô chú diễn rất vui. Em hy vọng sẽ có thêm thật nhiều chương trình như vậy để khi trở về từ chuyến đi biển, ba em cũng được xem”, Ly hào hứng chia sẻ.
Ông Alain, du khách đến từ Pháp, dù gặp rào cản về ngôn ngữ nhưng ông là một trong những khán giả đã thưởng thức toàn bộ chương trình. Ông chia sẻ: "Tôi rất thích và ấn tượng với show diễn nghệ thuật này. Tôi theo dõi các tiết mục từ đầu tới cuối và nhận thấy dù không phải được tổ chức ở sân khấu trong nhà hoành tráng, nhưng những màn biểu diễn đều đầy màu sắc và rất thu hút. Tôi rất vui khi có mặt ở đây tối nay".
Ông Alain (đầu tiên, từ trái qua), du khách đến từ Pháp chăm chú thưởng thức các tiết mục. |
Tham gia biểu diễn tại chương trình, nghệ sỹ Nguyễn Tấn Đông, diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh bày tỏ: “Dù trong không gian nào, khi đã lên sân khấu biểu diễn, nghệ sĩ cũng sẽ sống hết mình với vai diễn để mang đến cho khán giả những tiết mục trọn vẹn nhất. Nhìn thấy khán giả theo dõi chăm chú, bản thân tôi cũng rất hạnh phúc”.
Chương trình diễn ra trong khoảng hai giờ, dù vào giữa tuần nhưng lượng khán giả khá đông đúc và đa dạng ở mọi lứa tuổi. Điều đó phần nào cho thấy người dân vẫn luôn có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, đặc biệt là tình yêu với nghệ thuật truyền thống và mong muốn tìm hiểu về những giá trị xưa cũ trong guồng quay của cuộc sống hiện đại. Và những “sân khấu ngoài trời” là cơ hội để công chúng được biết, được tìm hiểu và kết nối với nghệ thuật truyền thống.
THU DUYÊN