Lễ hội Quán Thế Âm 2023: Dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân, du khách

.

Diễn ra từ ngày 8 đến hết ngày 10-3, lễ hội Quán Thế Âm năm 2023 có 32 hoạt động tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, thể thao trong cả phần lễ và hội. Đặc biệt, các nghi thức Phật giáo đan xen và hòa quyện với phần hội truyền thống, tiếp tục trở thành điểm nhấn văn hóa tâm linh, để lại dấu ấn khó phai trong lòng người dân và du khách thập phương.

Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm thu hút hàng vạn tăng ni, Phật tử, người dân và du khách đến tham dự, chiêm bái. Ảnh: X.D
Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm thu hút hàng vạn tăng ni, Phật tử, người dân và du khách đến tham dự, chiêm bái. Ảnh: X.D

An toàn, văn minh

Với quy mô cấp thành phố, năm nay, lễ hội có 32 hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, đa dạng, thu hút hàng vạn đồng bào Phật tử, nhân dân và du khách tham gia.

Dẫn đoàn nữ Phật tử Tâm Chánh, chùa Pháp Lâm (quận Hải Châu) tham gia lễ hội, bà Nguyễn Thị Hường cho biết, năm nào đoàn cũng về dự lễ hội từ ngày 17-2 âm lịch. Qua thời gian đại dịch, năm nay thành phố khôi phục và tổ chức lễ hội rất hoành tráng, trang nghiêm.

Đặc biệt, dấu ấn văn hóa Phật giáo được thể hiện rất rõ nét thông qua các hoạt động lễ và phần hội, để lại cho cộng đồng Phật tử nhiều ấn tượng, niềm vui. “Gia đình tôi có truyền thống theo đạo Phật. Do đó, cứ đến ngày lễ hội, tôi cùng gia đình và đoàn nữ Phật tử đến lễ hội để cầu mong sức khỏe, hạnh phúc cho bản thân, gia đình, tìm thấy sự an yên trong cuộc sống. Đồng thời, chúng tôi có thể tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn hóa Phật giáo”, bà Hường chia sẻ.

Lần đầu đến với thành phố, ông Trần Minh Đức, du khách đến từ tỉnh Bắc Giang cho rằng, lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức rất tôn nghiêm, không khí cũng rất rộn ràng, nhộn nhịp. Bên cạnh đó, những hoạt động ở lễ hội đặc sắc, hấp dẫn người xem.

“Tôi rất thích không khí tại lễ hội này. Tôi cảm nhận đây là một lễ hội rất quan trọng đối với người dân Đà Nẵng. Hy vọng trong tương lai sẽ có cơ hội quay trở lại Đà Nẵng, vào đúng dịp diễn ra lễ hội này để tham quan và tìm hiểu thêm những nét đặc sắc của văn hóa Phật giáo nói riêng, văn hóa Đà Nẵng nói chung”, ông Đức chia sẻ.

Trong khi đó, anh Hoàng Xuân Quỳnh, du khách đến từ tỉnh Nghệ An bày tỏ, lễ hội Quán Thế Âm rất tuyệt vời. Đặc biệt, công tác an ninh trật tự được triển khai rất quy củ, giúp du khách yên tâm, không lo bị mất cắp, móc túi như ở nhiều nơi khác.

Ngoài ra, giá cả các gian hàng phải chăng, đồ ăn ngon, vệ sinh môi trường tại khu vực diễn ra lễ hội được bảo đảm.

“Phải nói rằng, tôi rất ấn tượng với công tác tổ chức lễ hội của thành phố Đà Nẵng. Tôi cũng đã đi lễ hội ở nhiều nơi, song đến lễ hội Quán Thế Âm, tôi vô cùng yên tâm, thoải mái tham quan, chiêm bái. Nhất định, năm sau tôi sẽ còn quay trở lại đây, tham dự lễ hội này”, anh Quỳnh khẳng định.

Nâng tầm lễ hội

Lễ hội Quán Thế Âm tại Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn là một trong những lễ hội dân gian mang tín ngưỡng Phật giáo quan trọng nhất của Đà Nẵng.

Năm 2021, lễ hội này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh, năm nay, UBND thành phố trực tiếp chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố và chùa Quán Thế Âm, cùng sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tổ chức lễ hội với mong muốn tổ chức chuyên nghiệp, quy củ hơn; đưa lễ hội đến với đông đảo người dân, du khách và tạo thêm những cầu nối về văn hóa đối với những đất nước có nền văn hóa Phật giáo tương đồng.

Qua đó, ngày càng phát huy hiệu quả những giá trị của danh thắng Ngũ Hành Sơn nói chung, lễ hội Quán Thế Âm nói riêng, xứng đáng với danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được phong tặng.

Lễ hội Quán Thế Âm tại Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn là một trong những lễ hội dân gian mang tín ngưỡng Phật giáo quan trọng nhất của Đà Nẵng. Ảnh: X.D
Lễ hội Quán Thế Âm tại Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn là một trong những lễ hội dân gian mang tín ngưỡng Phật giáo quan trọng nhất của Đà Nẵng. Ảnh: X.D

Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Tạ Tự Bình cho biết, trên cơ sở kinh nghiệm công tác tổ chức từ các mùa lễ hội trước, năm nay, ban tổ chức lễ hội đề nghị các tiểu ban giúp việc tập trung phối hợp đồng bộ để mang lại một lễ hội an toàn.

Thực hiện tiêu chí “5 không” (không có trộm, cướp và tệ nạn xã hội; không có lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng; không xả rác, không vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; không chèo kéo khách, không nâng giá, ép giá; không phóng sinh và các hoạt động mê tín dị đoan), trong 3 ngày diễn ra lễ hội, tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được bảo đảm.

Ở các hàng quán ăn uống, giải khát, giá cả được niêm yết rõ ràng; các cửa hàng dịch vụ buôn bán quà lưu niệm bố trí gọn gàng. Ngoài ra, những vấn đề như: nâng giá giữ xe, bán hàng rong, ăn xin trá hình, nạn bán chim, cá phóng sinh, các hoạt động mê tín dị đoan… tồn tại ở những mùa lễ hội trước cũng đã được dẹp triệt để.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến - Trưởng ban tổ chức lễ hội, khởi nguyên từ một lễ hội thuần túy tôn giáo, ngày nay, lễ hội Quán Thế Âm đã trở thành một trong những lễ hội quan trọng của đời sống tinh thần của quý Chư - Tôn - Đức, Tăng - Ni, bà con Phật tử nói riêng, của người dân Đà Nẵng nói chung.

Bên cạnh đó, lễ hội Quán Thế Âm còn là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và con người, vùng đất Ngũ Hành Sơn, biểu hiện rõ nét sự kết hợp hài hòa giữa đạo pháp với dân tộc, dân tộc với đạo pháp.

 Vì vậy, lễ hội này không chỉ là điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương trong nước, mà còn là dịp để du khách quốc tế trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam.

“Với quy mô cấp thành phố cùng với nhiều hoạt động hấp dẫn, lễ hội năm nay khẳng định nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân địa phương trong việc phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thành công lớn của lễ hội là người dân và du khách đến chiêm bái, tham gia lễ hội trong không khí vui tươi, tâm lý thoải mái. Hy vọng, du khách sẽ có kỷ niệm đẹp, khoảnh khắc ấn tượng về một lễ hội văn hóa tâm linh mang đậm tính nhân văn của thành phố Đà Nẵng”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh.

XUÂN DŨNG

Lễ hội Quán Thế Âm năm 2023 thành công tốt đẹp

Chiều 10-3, Ban tổ chức lễ hội Quán Thế Âm năm 2023 tổ chức bế mạc lễ hội.

Theo đó, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức lễ hội Quán Thế Âm năm 2023 Nguyễn Hòa khẳng định, lễ hội năm nay tổ chức thành công tốt đẹp, bảo đảm là lễ hội “5 không”, đúng với phương châm “Trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả”.

Công tác chuẩn bị ngay từ đầu của Ban tổ chức, các tiểu ban được thực hiện chu đáo từ xây dựng kế hoạch, chương trình, kịch bản chi tiết các hoạt động tại lễ hội. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, quảng bá được các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình quan tâm, giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và y tế bảo đảm an toàn. Ngoài ra, công tác xã hội hóa các hoạt động lễ hội được chú trọng, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ. Qua đó, làm cho chương trình lễ hội năm nay thêm phong phú, sinh động và hấp dẫn hơn. Đây cũng là tiền đề để Ban tổ chức lễ hội Quán Thế Âm phát huy những kết quả đã đạt được, hướng đến tổ chức lễ hội với nhiều sự kiện mới, đặc sắc và ấn tượng hơn để phục vụ du khách đến tham quan, trẩy hội.

Sáng cùng ngày diễn ra lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm. Đến dự có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cùng lãnh đạo các ban trực thuộc Thành ủy, sở, ngành thành phố. Phát biểu tại lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết, năm nay, Ban tổ chức đã nỗ lực, không ngừng đổi mới để chương trình lễ hội ngày càng phong phú, hấp dẫn, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chiêm ngưỡng lễ bái của đồng bào theo đạo Phật và du khách gần xa.

Tại lễ hội, những giá trị văn hóa lịch sử địa phương được chuyển tải đến với du khách thể hiện tinh thần dân tộc, thể hiện sự hòa hợp giữa đạo pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm là nghi lễ quan trọng nhất trong lễ hội Quán Thế Âm.

Từ sáng sớm, hàng ngàn tăng ni, Phật tử, du khách thập phương đã hành hương về chùa để tham gia lễ này với lòng thành về Đức Quán Thế Âm, cầu nguyện cho đất nước luôn được hòa bình, ấm no, nhân dân an lạc, hạnh phúc.

 

;
;
.
.
.
.
.