Văn hóa - Giải trí

Từ vụ việc các sắc phong bị rao bán trên mạng - Bài học về công tác quản lý, bảo vệ di sản

06:23, 21/04/2023 (GMT+7)

Những ngày qua, dư luận xã hội rất bất ngờ trước thông tin, nhiều đạo sắc phong bị rao bán đấu giá công khai trên mạng ở Trung Quốc, có khả năng có nguồn gốc từ Việt Nam, trong đó có tỉnh Phú Thọ và một số địa phương khác.

Các thành viên ban quản lý di tích Đền Quốc Tế bên các cuốn sách cổ và sắc phong hiện được lưu giữ tại nhà dân. Ảnh: TTXVN
Các thành viên ban quản lý di tích Đền Quốc Tế bên các cuốn sách cổ và sắc phong hiện được lưu giữ tại nhà dân. Ảnh: TTXVN

Chiều 20-4, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, thông tin về việc một số đạo sắc phong của Việt Nam bị đưa ra bán đấu giá ở Trung Quốc, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, sau khi trao đổi với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải đã liên hệ và làm việc với các cơ quan chức năng của thành phố Thượng Hải, đề nghị tạm dừng đấu giá các bản sắc phong này.

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải yêu cầu phía Thượng Hải cung cấp các thông tin liên quan đến các sắc phong. Ngày 19-4, đại diện của Cục Văn hóa và Du lịch Thượng Hải thông báo là đã quyết định tạm dừng cuộc bán đấu giá này và sẵn sàng phối hợp với phía Việt Nam để cung cấp các thông tin liên quan.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch, các địa phương liên quan, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục theo sát sự việc này, trao đổi và có các biện pháp xử lý tiếp theo.

Liên quan vụ việc này, phóng viên TTXVN tại Phú Thọ đã tìm hiểu và được biết, thời gian qua tại địa bàn, nhiều cổ vật, di vật quý, trong đó có gần 40 đạo sắc phong đã bị đánh cắp. Ông Nguyễn Hồng Minh, Chủ tịch UBND xã Dị Nậu chia sẻ, tháng 5-2021, 39 sắc phong được lưu giữ tại Đền Quốc Tế cùng nhiều văn bản hán nôm cổ đã bị kẻ gian lấy cắp. Tại thời điểm đó, chính quyền xã đã có văn bản gửi tới các cấp có thẩm quyền và các cơ quan điều tra nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra dấu tích.

Ông Tạ Đình Hạp 85 tuổi, nhà giáo, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân gian đã có hàng chục năm nghiên cứu, ghi chép, sưu tầm những tư liệu về làng quê mình bộc bạch: “Người dân Dị Nậu mong muốn tỉnh Phú Thọ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhanh chóng vào cuộc truy tìm các “báu vật của làng” để được tiếp tục phát huy và bảo tồn những giá trị văn hóa vô giá vốn có từ hàng ngàn năm nay.

Liên quan đến vụ việc sắc phong “thất lạc” bị rao bán trên mạng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã báo cáo sơ bộ và đề xuất gửi UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo. Ngay sau đó, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có công văn gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương đề nghị khẩn trương, xác minh tính xác thực của các sắc phong đang rao bán; thu thập và cung cấp các thông tin pháp lý về sắc phong (bao gồm hình ảnh, kích thước, chất liệu… và các văn bản pháp lý có liên quan) để thực hiện các cam kết, quyền lợi, trách nhiệm theo nội dung Công ước UNESCO 1970 (về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa).

Ông Nguyễn Hồng Minh, Chủ tịch UBND xã Dị Nậu khẳng định, các đạo sắc phong Đền Quốc Tế, xã Dị Nậu, là tài sản vô cùng quý giá, có ý nghĩa rất lớn về lịch sử văn hóa với địa phương, sự việc xảy ra là việc không mong muốn và cũng là bài học đắt giá đối với chính quyền, nhân dân trong xã. Trước sự việc này, chính quyền, nhân dân xã Dị Nậu mong mỏi và hy vọng nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, để có thể đưa được các đạo sắc phong quý giá sớm trở về.

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ xác nhận, qua đối chiếu, xác minh ban đầu tại địa phương, một số sắc phong có khả năng là hiện vật gốc. Sở đang tiếp tục thu thập thông tin, xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chuyên môn tiến hành các bước thẩm định tiếp theo.

Sắc phong là một loại văn bản hành chính do Triều đình (Vua) ban hành để ban-phong, gia phong, truy tặng chức tước cho những người có công hoặc ban-phong, gia phong cho thần.

Không chỉ đẹp bởi nét vàng son rồng bay trên giấy gấm, sắc phong còn đặc biệt bởi được cả cộng đồng đời nối đời gửi gắm niềm tin vào sự linh thiêng, mất sắc phong là mất đi báu vật của làng.

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, sắc phong nằm trong hệ thống di sản vật thể, do vậy, hành vi mua bán sắc phong cùng các cổ vật, hiện vật trộm cắp là hành vi vi phạm pháp luật. Những đối tượng mua bán cổ vật, hiện vật trộm cắp sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, đây là sự việc mang tính chất phức tạp, nhạy cảm, trong quá trình xử lý cần có sự phối hợp chặt chẽ, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, các hiệp ước đã được ký kết, đặc biệt là Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa. 

Vụ việc mất sắc phong tại Đền Quốc Tế còn chưa lắng xuống, tháng 3-2022, Đình Hạ, xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông lại bị mất một số cổ vật, hiện vật trong đó có hai bản sắc phong giá trị. Thực tế này bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ di sản. Sự lơ là, thiếu giám sát an ninh cùng tình trạng xuống cấp tại một số di tích đã “vẽ đường” cho kẻ xấu trộm đi những di sản, tài sản quý giá.

Để bị mất, trộm cắp di vật, cổ vật, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban Quản lý di tích và chính quyền địa phương tại chính nơi có di tích đó. Thông thường, Trưởng Ban Quản lý di tích sẽ được phân công một lãnh đạo xã phụ trách (thường là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã). Tuy nhiên, việc trông coi, bảo vệ, bảo quản di, cổ vật, hiện vật và thực hành các nghi lễ lại giao cho các thành viên khác thực hiện, chủ yếu là các bậc cao niên - những người tâm huyết, có kinh nghiệm và hiểu biết về các phong tục, lễ nghi tại địa phương. Tuy nhiên, các thành viên này đều đã cao tuổi, sức khỏe không đảm bảo, chưa kể việc thiếu kỹ năng, kinh nghiệm trong gìn giữ, bảo quản di vật, cổ vật, hiện vật.

Tại nhiều địa phương, chính quyền và nhân dân vẫn chưa nhận thức đúng và đủ về trách nhiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý vẫn tồn tại; quan điểm di tích xếp hạng nào, cấp ấy chịu trách nhiệm còn phổ biến. Việc xếp hạng di tích nhằm đánh giá giá trị của di tích ấy đối với địa phương, với tỉnh, với quốc gia, dân tộc. Di sản không thuộc về cá nhân, tổ chức nào mà thuộc về cộng đồng nên chính quyền địa phương và cư dân bản địa phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản…

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ nêu rõ: Vấn đề cần quan tâm là thay đổi tư duy, cách nhìn của người dân và chính quyền địa phương về công tác quản lý, bảo tồn di sản. Ban Quản lý các di tích, chính quyền địa phương cần nhận thức rõ ràng, đầy đủ về công tác quản lý, bảo vệ di tích, di sản; trong đó cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, xem đây là một trong những chỉ tiêu, đánh giá quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương đó; cùng với đó có các hình thức kỷ luật rõ ràng nếu để xảy ra tình trạng thất thoát, mất cắp di vật, cổ vật, hiện vật tại di tích. Bên cạnh đó, Ban Quản lý di tích cần bổ sung các lực lượng khác như: Công an, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh… để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội tại địa phương.

Đền Quốc tế, còn gọi là Đền Thượng nằm trên đỉnh gò Trạm Lĩnh, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1992. Đền còn lưu giữ nhiều di vật phong phú và quý hiếm phản ánh nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ tinh xảo từ thời Lê. Tháng 5-2021, Đền Quốc tế bị kẻ trộm đột nhập và dùng xà beng phá két sắt, lấy đi 39 sắc phong cùng nhiều sách cổ.

Theo TTXVN

.