Văn hóa - Giải trí

Người dân Hội An đồng thuận cao với việc kiểm soát vé tham quan phố cổ

10:05, 12/05/2023 (GMT+7)

Phương án kiểm soát vé tham quan phố cổ Hội An hiện được thực hiện cụ thể với mức thu 80.000 đồng/người đối với khách trong nước và 120.000 đồng/người đối với khách nước ngoài.

Một góc phố cổ Hội An. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một góc phố cổ Hội An. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chiều 11-5, Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức họp báo thông tin chính thức về phương án kiểm soát vé tham quan phố cổ và mở rộng phố dành cho người đi bộ, xe không động cơ từ ngày 15-5.

Phương án kiểm soát vé tham quan phố cổ được thực hiện cụ thể với mức thu 80.000 đồng/người đối với khách trong nước và 120.000 đồng/người đối với khách nước ngoài khi vào tham quan Khu phố cổ Hội An. Đây là giá vé đã được thực hiện từ năm 2012 đến nay.

Mục đích là bảo tồn, không phải "tận thu"

Những người không phải mua vé gồm: Người dân thành phố khi ra vào phố cổ, người đến Hội An để làm việc, buôn bán kinh doanh hoặc người vào chỉ để tham gia các hoạt động ẩm thực trong khu vực phố cổ.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn, việc tổ chức bán vé tham quan di sản của thành phố đã thực hiện từ năm 1995 tới nay theo nhiều văn bản quy phạm khác nhau.

Giai đoạn đó, thành phố thực hiện theo Pháp lệnh 14 (Pháp lệnh số 14/LCT/HĐNN7 của Hội đồng Nhà nước: Pháp lệnh Bảo vệ và Sử dụng Di tích Lịch sử, Văn hóa và danh lam thắng cảnh). Hiện nay, địa phương thực hiện theo tinh thần của Luật Di sản, Luật Du lịch cũng như Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về mức thu.

Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn nêu rõ: Việc kiểm soát vé vào tham quan phố cổ không phải tận thu. Vấn đề chính là hiện nay phố cổ Hội An đã quá chật hẹp. Phố cổ Hội An rộng gần 1 km2 trên tổng số 64 km2 của thành phố.

Có những thời điểm, khu phố cổ rất đông du khách, trong đó, nhiều khách không mua vé tham quan đã khiến di tích đang xuất hiện dấu hiệu quá tải về hạ tầng, khả năng phục vụ. Vì vậy, việc đề ra chủ trương kiểm soát vé tham quan phố cổ là xuất phát từ mục đích bảo tồn.

Theo ông Sơn, để thực hiện đề án này, thành phố Hội An đã lấy ý kiến của nhân dân trong khu phố cổ vì họ là chủ nhân của di sản. Người dân trong khu phố cổ đã đồng thuận cao với phương án này.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An nhấn mạnh việc tổ chức bán vé nhằm đảm bảo công bằng cho người mua vé và người không mua vé khi vào tham quan phố cổ cũng như tạo sự công bằng giữa doanh nghiệp làm ăn chân chính và doanh nghiệp cố tình đưa khách tham quan chui. Vị Chủ tịch cũng cam kết rằng: "Việc kiểm soát vé vào tham quan phố cổ sẽ hết sức mềm dẻo, linh hoạt, giữ gìn hình ảnh Hội An thành phố thân thiện, mến khách."

Mở rộng không gian phục vụ

Bên cạnh đó, thành phố mở rộng không gian đi bộ ra tuyến phố Phan Chu Trinh, tăng thêm các sản phẩm trong khu phố để phục vụ du khách.

Theo đó, giai đoạn 1, từ ngày 15-5-2023, thời gian hoạt động từ 17h30 đến 21h30 mùa Hè và đến 21h mùa Đông, vào các ngày trong tuần. Không gian hoạt động: Từ ngã tư đường Nguyễn Huệ-Phan Châu Trinh đến ngã ba đường Cao Hồng Lãnh-Phan Châu Trinh.

Giai đoạn 2 dự kiến thực hiện từ ngày 1-1-2024, thời gian hoạt động từ 15h đến 21h30 mùa Hè và đến 21h mùa Đông, vào các ngày trong tuần. Không gian hoạt động: Từ ngã ba đường Hoàng Diệu-Phan Châu Trinh đến ngã ba đường Cao Hồng Lãnh-Phan Châu Trinh.

“Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” tại tuyến đường Phan Châu Trinh được kỳ vọng tạo thêm một không gian trải nghiệm văn hóa, du lịch, ẩm thực hấp dẫn, hạn chế lưu lượng xe cộ, khói bụi và tiếng ồn tại khu vực trung tâm.

Theo vietnamplus.vn

.